19/04/2021 10:13:22

Bức tranh thị trường lao động vẫn rất ảm đạm

Đó là đánh giá của ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, về tình hình lao động, việc làm quý I năm nay.

Doanh nghiệp đuối, lao động bị mất việc, nghỉ việc

Quý I/2021, mặc dù kinh tế tăng trưởng 4,48%, nhưng theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.

Số người thất nghiệp trong quý I năm nay khoảng 1,1 triệu người, chiếm tỷ lệ 2,42%.

Trong đó có 540.000 người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ việc do doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Số người thất nghiệp trong quý I năm nay khoảng 1,1 triệu người, chiếm tỷ lệ 2,42%.

Trong khi đó, cùng kỳ năm 2020, kinh tế chỉ tăng trưởng 3,68%, khiến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất kể từ năm 2016 do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn “sáng sủa” hơn so với năm nay.

“Mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện tình hình lao động, việc làm trong nước, nhưng với hơn 9,1 triệu người trong tổng số 51 triệu người trong độ tuổi lao động bị tác động tiêu cực bởi Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý IV/2020 và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ, có thể nói, bức tranh thị trường lao động vẫn rất ảm đạm”, ông Vinh bình luận.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam rơi xuống điểm đáy vào quý II/2020 và dần phục hồi trở lại kể từ quý sau đó. “Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có khởi sắc, nhưng thị trường lao động luôn có độ trễ nhất định.

Nhưng đáng tiếc, kinh tế đang trên đà phục hồi thì làn sóng Covid-19 thứ 3 đã trở lại vào đầu năm 2021, khiến thị trường lao động quý I/2021 giảm trở lại, với nguyên nhân chính là tình hình thành lập, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp quý I/2021 vẫn rất khó khăn”, ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) giải thích.

“Trong quý I/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 1,4%, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng hơn 28%, doanh nghiệp giải thể tăng 26,4%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020”, ông Minh cho biết.

Đang sáng dần

Theo khảo sát về tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Covid-19 tác động rất tiêu cực đến hơn 87% số doanh nghiệp, số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng chỉ chiếm 11% và 2% ảnh hưởng tích cực. Một trong những giải pháp để ứng phó với đại dịch là doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc, giãn việc. Theo khảo sát của VCCI, trung bình một doanh nghiệp cho khoảng 30% lao động nghỉ việc, thậm chí những doanh nghiệp quy mô nhỏ phải cho tới 40% lao động nghỉ việc.

Bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp khá ảm đạm, nên số người mất việc, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập trong quý I năm nay tăng là dễ hiểu.

Dự báo về tình hình thị trường lao động quý II và 9 tháng cuối năm, ông Minh cho rằng sẽ sáng sủa hơn. “Hiện nay có 19,7 triệu lao động làm việc ở khu vực dịch vụ, chiếm 39,5% tổng số lao động. Trong khu vực dịch vụ thì lao động làm việc ở lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, lưu trú, vui chơi giải trí… chiếm tỷ lệ tương đối cao. Chuẩn bị bước vào mùa du lịch, hoạt động du lịch, nghỉ mát, nghỉ dưỡng đối với du khách nội địa tăng mạnh sẽ tạo cú hích cho thị trường lao động”, ông Minh nhận định.

Còn theo ông Phạm Quang Vinh, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay cộng với việc cắt giảm hàng loạt các loại phí, lệ phí sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vào đà phục hồi sau thời gian chững lại, theo đó thị trường lao động 9 tháng cuối năm sẽ sáng sủa hơn.

“Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã có ý kiến về đề xuất tiếp tục gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng và tiền thuê đất của Bộ Tài chính. Khi Thủ tướng Chính phủ thông qua đề xuất này sẽ tạo thêm năng lượng mới cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và thị trường lao động sẽ không còn u ám”, ông Vinh hy vọng.

Theo baodautu.vn