Các nước ASEAN đều đang phải đối mặt với những thách thức chung, đòi hỏi những nỗ lực trong việc chuyên nghiệp hóa các nhân viên xã hội để đáp ứng nhu cầu của dân số bị tổn thương.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị khởi động Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Hội nghị diễn ra đúng vào Ngày công tác xã hội Việt Nam 25/3 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các quan chức, đầu mối phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển và hiệp hội nghề công tác xã hội ASEAN của các nước thành viên ASEAN. Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan hợp tác chuyên ngành các tổ chức quốc tế và các đối tác khác của ASEAN… Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam chủ trì với vai trò Chủ tịch Hội nghị Hiệp hội nghề Công tác xã hội giai đoạn 2020-2021.
Đối mặt nhiều thách thức
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Lê Tấn Dũng, những thách thức chung các nước ASEAN đang phải đối mặt bao gồm: Sao nhãng và bóc lột trẻ em, nghèo đói, loại trừ xã hội, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, dân số già, di cư, thất nghiệp ở thanh niên và thảm họa tự nhiên, nhân tạo…
“Những thách thức này cũng đang trở nên phức tạp hơn và đòi hỏi những nỗ lực trong việc chuyên nghiệp hóa các nhân viên xã hội để đáp ứng nhu cầu của dân số bị tổn thương”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.
Trong phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đề cập đến thực trạng vai trò quan trọng của công tác xã hội vẫn chưa được công nhận. Khu vực chung cũng chứng kiến nhiều thách thức phổ biến bao gồm tỷ lệ lao động xã hội và dân số thấp, năng lực hạn chế của lượng lượng lao động, cơ sở đào tạo không đủ và phân bổ ngân sách hạn chế cho công tác xã hội.
Trong bối cảnh nêu trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng (được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37) đã khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy công tác xã hội và tăng cường vai trò của công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN.
Theo đó, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên công tác xã hội và đạt được sự hòa nhập cho các nhóm dễ bị tổn thương.
“Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.
Tiếp theo những ưu tiên đã đề ra của năm 2020, Thứ trưởng kỳ vọng Lộ trình thực hiện Tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 ghi nhận.
Theo đó, Lộ trình thực hiện Tuyên bố sẽ bao gồm các chiến lược, hành động và thời gian nhằm thực hiện các cam kết đã được nêu trong bản Tuyên bố. Trong đó chú trọng việc lồng ghép vào các kế hoạch hành động của các cơ quan chuyên ngành có liên quan như phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, lao động…
Chuyên nghiệp hóa nhân viên xã hội
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về những nội dung chính của Tuyên bố Hà Nội; trao đổi và chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần tập trung trong việc xây dựng Lộ trình.
Theo ông Kung Phook, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội, Ban Thư ký ASEAN cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng và làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Nhu cầu đối với các dịch vụ xã hội cung cấp cho đối tượng yếu thế, những người cần sự giúp đỡ càng trở nên quan trọng hơn.
“Tuyên bố đóng vai trò quan trọng và cần có sự triển khai dưới hình thức xây dựng các kế hoạch và hành động cụ thể. Qua đó tăng cường sự tham gia của nhiều cơ quan chuyên ngành và các cơ quan liên quan, đảm bảo vai trò của các nhân viên công tác xã hội và nghề công tác xã hội”, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội, Ban Thư ký ASEAN Kung Phook cho hay.
Quan tâm đến vấn đề cao năng lực công tác xã hội trong ASEAN, bà Rachel Harvey, Tư vấn về bảo vệ trẻ em, UNICEF đề xuất đưa vào Tuyên bố một lộ trình cụ thể về đào tạo công tác xã hội phù hợp, dựa trên năng lực, đặc biệt khắc phục các khoảng trống về đào tạo và nhu cầu thực tiễn.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Hà Thị Minh Đức, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, công tác xã hội phải chuyên nghiệp, được tập huấn, chia sẻ các chương trình đào tạo; điều phối các hoạt động giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các nước ASEAN và cần phải làm cho hoạt động phối hợp này được đẩy mạnh hơn.
Ngay sau Hội nghị, Nhóm Công tác của Lộ trình bao gồm các quan chức, đầu mối phụ trách phúc lợi xã hội và hiệp hội nghề công tác xã hội của một số nước thành viên ASEAN sẽ được thành lập.
Nhóm Công tác sẽ làm việc tích cực, chia sẻ quan điểm và thảo luận sâu hơn về việc hoàn thiện Lộ trình theo Khung thời gian được thống nhất.
Hải Yến