Hạnh phúc – đó là sự thỏa mãn, hài lòng các yếu tố thuộc phạm trù vật chất và tinh thần của con người trong cuộc sống. Nhưng cũng tùy vào lứa tuổi, nghề nghiệp…mà mỗi người đưa ra những quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Với những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, hạnh phúc của thầy cô đơn giản lắm, chỉ là chứng kiến học trò của mình trưởng thành và giỏi nghề.
Đó là những chia sẻ rất chân thành từ các thầy cô giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp với Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3.
BÀ PHẠM THỊ LAN PHƯƠNG – HIỆU TRƯỞNG CĐ CƠ KHÍ NÔNG NGHIỆP:
Chúng tôi luôn tự hào, hạnh phúc mang đến cho xã hội nguồn nhân lực tinh hoa”
Dòng sông cuộc đời của mỗi con người có những khúc quanh co, uốn lượn nhưng cũng có khúc thẳng trực đầy cá tính. Mỗi người khi hành trình trên dòng sông ấy, đều phải nỗ lực không ngừng, vượt qua ghềnh thác, bởi đó là con đường duy nhất dẫn đến chìa khóa mở cánh cửa thành công cập bến hạnh phúc vững bền. Vậy hạnh phúc là gì mà con người luôn khao khát kiếm tìm?
Hạnh phúc – đó là sự thỏa mãn, hài lòng các yếu tố thuộc phạm trù vật chất và tinh thần của con người trong cuộc sống. Nhưng cũng tùy vào lứa tuổi, nghề nghiệp…mà mỗi người đưa ra những quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Có người cho rằng hạnh phúc là có cơm ăn áo mặc. Có người lại nói hạnh phúc đó là khi ta kiếm được thật nhiều tiền. Cũng có người khẳng định hạnh phúc là khi mình trao yêu thương và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống…
Với tôi, trong cương vị là một nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, hạnh phúc thật giản đơn và bình dị vô cùng. Chúng tôi luôn tự hào, mỉm cười hạnh phúc vì đã sớm nắm bắt được xu thế phát triển chung của xã hội hiện đại nên đã có kế hoạch “thăm dò thị trường” để đào tạo những nghề khác nhau đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội.
Chúng tôi không chỉ trang bị tốt kiến thức, kỹ năng nền tảng cho người học mà còn dạy các em kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử…, để không chỉ trở thành người giỏi về chuyên môn tay nghề mà còn sáng về nhân cách. Hạnh phúc lớn lao đó chính là các thế hệ HSSV của trường CĐ Cơ khí nông nghiệp ngày càng tự tin khẳng định mình. Họ dám nghĩ, dám làm và thành công. Chúng tôi luôn tự hào nguồn nhân lực được đào tạo nơi đây đó chính là sản phẩm, là tinh hoa của ngôi nhà hạnh phúc mang tên Cđ Cơ khí Nông nghiệp. Để đạt được tất cả điều đó chúng tôi chủ động làm việc một cách nghiêm túc trên tinh thần yêu nghề, yêu học trò sâu sắc.
Chúng tôi mong muốn các em ra trường sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống nên luôn nhạy bén tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tạo môi trường học tập thực tế cho học sinh, sinh viên, nâng cao kiến thức, kỹ năng, và tác phong công nghiệp cho các em ngay trong thời gian học tập tại trường. Chúng ta đang đối diện cuộc cách mạng 4.0, để không bị lạc hậu, chúng tôi không ngừng làm mới mình để có thể đáp ứng tốt những yêu cầu của xã hội.
THẦY HOÀNG NHÂN THẮNG – GIẢNG VIÊN CĐ CÔNG NGHỆ VÀ NÔNG LÂM ĐÔNG BẮC (LẠNG SƠN):
Hạnh phúc là chứng kiến học trò của mình trưởng thành, giỏi nghề
Tôi nghĩ rằng, mỗi người có rất nhiều niềm hạnh phúc khác nhau. Hạnh phúc trong công việc, hạnh phúc trong cuộc sống. Tựu trung lại đó đều là niềm vui khi đạt được một điều gì đó.
Ở vai trò là một người thầy dạy nghề, hạnh phúc đối với tôi và có lẽ cũng là đối với tất cả những người thầy là được truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình cho học trò. Hạnh phúc cũng là khi được chứng kiến các em từ lúc chập chững học nghề đến khi thành thục với các kỹ năng và đạt các thành tích cao trong các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia và thế giới, rồi sau này là giỏi nghề và có nghề, tự tin và vững vàng trong cuộc sống.
Bản thân tôi trước đây khi quyết định đi học nghề mộc, tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản là gắng học để có cái nghề nuôi bản thân, giúp đỡ bố mẹ bớt vất vả. Tuy nhiên quá trình học nghề, làm nghề, gắn bó buồn vui với nghề, tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc với nghề nghiệp của mình.
Những khúc gỗ thô ráp, xù xì không bỗng dưng mà trở thành những đồ dùng thiết thực, hữu ích như bàn ghế, giường tủ mà phải trải qua quá trình học hỏi, rèn nghề của người thợ. Từng thao tác đều có những tiêu chuẩn kỹ thuật, nguyên lý riêng của nó. Chưa kể, nghề mộc hiện nay đã phát triển rất nhanh trở thành nghề sản xuất công nghiệp hiện đại. Theo đó đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, có kỹ năng được đào tạo bài bản, có chuyên môn đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật; phải xử lý vận hành được các loại máy móc hiện đại như máy CNC, máy phun sơn tự động…, thực hiện sản xuất đồ gỗ nội thất theo dây chuyền hoặc theo công trình với tiến độ yêu cầu chất lượng cao. Ngoài ra còn phải nắm được các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm nghề. Trải qua quá trình như vậy nên khi thành thạo với kỹ năng tay nghề, làm ra được những sản phẩm mộc hoàn thiện, tôi rất hạnh phúc.
BÀ LÊ THỊ HẠNH XUÂN – PHÓ TRƯỞNG PHÒNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, CĐ CÔNG NGHỆ THỦ ĐỨC
CHUYÊN GIA PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN NĂNG LỰC:
“Hạnh phúc được chia sẻ phương pháp tiếp cận năng lực, nâng cao chất lượng giảng viên cho các cơ sở GDNN”
Là một trong những giảng viên gắn bó nhiều năm với sự phát triển giáo dục nghề nghiệp, Bà Lê Thị Hạnh Xuân- Phó Trưởng Phòng đảm bảo chất lượng, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đồng thời cũng là Chuyên gia phổ biến về phương pháp tiếp cận năng lực cho đội ngũ giảng viên, giáo viên cho nhiều cơ sở Giáo dục nghề nghiệp của cả nước.
Với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và đầy năng lượng khi lan tỏa giá trị đến với những giảng viên ở các cơ sở GDNN.
Để có được “nguồn tài nguyên” này, tôi luôn biết ơn đến sự quan tâm của lãnh đạo, Ban Giám hiệu CĐ Công nghệ Thủ Đức đã tin tưởng, tạo điều kiện để tôi sớm được tham gia và tiếp cận các Dự án đào tạo về phương pháp tiếp cận năng lực của các tổ chức Quốc tế, điển hình như: Dự án REG 100 của Tổ chức hỗ trợ giáo dục và đào tạo của Vương quốc Bỉ (APEFE) vào năm 2010, chương trình này tiếp tục được tổ chức Pháp ngũ (OIF) duy trì; hỗ trợ cho Tổng cục GDNN ứng dụng các bộ chuẩn đã xây dựng và đồng thời bồi dưỡng giáo viên về phương pháp APC. Thông qua đó, tôi đã biên soạn, tập huấn, đánh giá xây dựng giáo trình: Quản lý siêu thị và quản lý kho; Chuyển giáo công nghệ đào tạo ngành quản lý siêu thị và quản lý kho; Tập huấn giáo viên ngành Logistics; Xây dựng, biên soạn các bộ chuẩn nghề Điều dưỡng…
Với các chương trình biên soạn được lĩnh hội từ phương pháp chuẩn các tổ chức quốc tế trên, tôi thực sự cảm thấy có ý nghĩa, niềm hạnh phúc khi có thể hỗ trợ các giáo viên dạy nghề đổi mới, lĩnh hội được các phương pháp mới cũng như cải thiện chất lượng đào tạo, từ đó thu hút nhiều người theo học nghề. Những hoạt động này còn giúp các giáo viên trường nghề có khả năng đề ra chương trình học nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực, giúp những người có mong muốn thành thạo về các khái niệm, chiến lược và các kỹ thuật chính yếu hỗ trợ cho quá trình phát triển năng lực theo APC… Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực có năng lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp các trường dạy nghề.
HCV NGHỀ ROBOT DI ĐỘNG KỲ THI KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA 2020:
Em rất thích công nghệ máy móc. Hiện tại em đang học ngành cơ điện tử tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội để theo đuổi đam mê của mình. Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội là trường nghề được đầu tư hiện đại, có thể giúp cho sinh viên có một môi trường học tốt tiếp cận với công nghệ mới trong thời đại đổi mới. Trường cũng nằm trong tốp những trường có công nghệ và thành tích xuất sắc.
Cơ điện tử là một nghề “hot” hiện nay với nhiều cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao. Trong quá trình học tập tại trường, em được tiếp cận với máy móc công nghệ mới hiện đại, được tự tay lập trình ra những chương trình áp dụng được vào thực tế. Em được học cách tạo ra một bảng màu mạch điện tử, biết cách lắp đặt linh kiện và cách tạo ra một sản phẩm thực tế. Những điều này rất bổ ích đối với em.
Trong quá trình học nghề tại Trường Cao Đẳng Cơ điện Hà Nội, em cũng đã may mắn được chọn vào đội tuyển thi robot đi động của trường. Với sự hướng dẫn, huấn luyện của các thầy, em đã có thể tự lắp đặt và lập trình cho con robot chạy theo ý của mình. Em đã rất hạnh phúc khi đội thi của chúng em giành được Huy chương vàng với nghề robot di động tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020.
Em nghĩ rằng có những kỹ năng tốt, có một nghề nghiệp tốt là những yếu tố quan trọng để có hạnh phúc. Vì khi mình có một nghề nghiệp tốt, cuộc sống của em cũng trở nên dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Khi mọi việc thuận lợi, con người ta sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
NGUYỄN ĐỨC THẢO – SV MÔN TRỤ QUĂNG, TRUNG CẤP NGHỆ THUẬT XIẾC VÀ TẠP KỸ VIỆT NAM:
Hạnh phúc không bỗng dưng mà có
Ngày nhỏ được bố mẹ cho đi xem biểu diễn xiếc, em rất ấn tượng với sự khéo léo, dẻo dai, tạo hình của các nghệ sỹ trên sân khấu. Quá trình theo học nghề, em dần thấm thía được rằng hạnh phúc không bỗng dưng có mà đòi hỏi mỗi người phải luôn nỗ lực, cố gắng trong mọi việc.
Như chúng em, đằng sau những phút thăng hoa, tỏa sáng trên sân khấu là cả quá trình dài rèn luyện bền bỉ, khổ công, nghiêm khắc. Đằng sau những động tác hình thể đẹp mắt phục vụ người xem là hàng giờ, hàng ngày miệt mài, đổ mồ hôi trên sàn tập với những nguy cơ chấn thương tiềm ẩn.
Em cũng nghĩ rằng, hạnh phúc rất khó có thể diễn đạt hết được thành lời. Chỉ những ai từng trải qua những thời khắc gian nan, chỉ những ai đã cố gắng đến mệt nhoài thì mới hiểu được giá trị của hạnh phúc.
THẦY NGUYỄN VĂN HUY – PHÓ HIỆU TRƯỞNG CAO ĐẲNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI:
Mỗi ngày được chứng kiến học sinh trưởng thành, có việc làm là một ngày hạnh phúc
“Khó có một ngôn từ khoa học nào có thể diễn tả rõ nghĩa khái niệm hạnh phúc. Bởi lẽ, hạnh phúc ám chỉ cảm giác, cảm xúc trong mỗi con người. Cảm giác và định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người cũng khác nhau.
Người Phương Tây thì định nghĩa quan niệm về hạnh phúc gồm 9 yếu tố: Sức Khỏe, Thái Độ, Hiện Tại, Vui chơi, Suy Nghĩ, Ngọt ngào, Sống Là Chính Mình, Đơn giản và cuối cùng Nụ cười. Có lẽ đó cũng là định nghĩa đơn giản nhất về hạnh phúc đối với tôi.
Trên cương vị là Phó hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội và cũng là giảng viên GDNN, đối với tôi hạnh phúc là có thể hỗ trợ được nhiều nhất cho từng HSSV của mình, mỗi ngày được nhìn thấy thêm được nhiều HSSV khởi nghiệp sáng tạo, thấy các em trưởng thành, ra trường có kỹ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, ra trường có việc làm ngay, lương cao và ổn định…Bên cạnh đó, sự hài lòng, lời cảm ơn của các doanh nghiệp khi đánh giá cao về năng lực của HSSV do nhà trường đào tạo cũng là một niềm hạnh phúc và đối với tôi còn là động lực phát triển hơn trong công việc.
GIẢNG VIÊN ĐOÀN VŨ GIANG – KHOA CNTT TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI:
Hạnh phúc là được đứng trên bục giảng, truyền nghề và cảm hứng cho học sinh
“Khái niệm hạnh phúc nó rất trừu tượng, tuỳ theo thế giới quan của từng người. Có người thì mong muốn có địa vị cao trong xã hội, có người thích thật nhiều tiền, có người thích nhiều con cái, có người thích đi trải nhiệm kháp nơi trên thế giới. Còn quan niệm hạnh phúc của cá nhân tôi thì nó bao gồm 3 yếu tố: có một công việc để làm, có một ai đó để yêu thương, một giấc mơ để vươn tới.
Đối với tôi, hạnh phúc là có 1 công việc hàng ngày để đóp góp sức lao động của mình cho xã hội, bản thân chúng ta cũng phát triển hàng ngày. Có ai đó để yêu thương, có nơi để trở về, sau những thăng trầm của cuộc sống, chia sẻ tình cảm, nhận được lời khuyên sẽ cảm thấy ấm át để có động lực cho việc tiếp theo. Và cuối cùng là có một giấc mơ vươn tới, nếu không có ước mơ thì cuộc sống sẽ thật nhạt nhẽo vô vị, thời gian trôi mà không biết mình đi đâu và về đâu. Cuộc sống sẽ thú vị hơn khi bạn có ước mơ và mình sẽ thực hiện ước mơ đó.
Riêng với giáo viên giáo dục nghề nghiệp, tôi nghĩ các thầy cô cũng giống như tôi. Điều mà tôi hạnh phúc nhất là được đứng trên bục giảng, truyền những nhiệt huyết cảm hứng trong nghề nghiệp cho các em sinh viên, các bạn trẻ, những lời khuyên, định hướng trong cuộc đời của những người đi trước để giúp các bạn trẻ tránh được những va vấp trong quãng đường tuổi trẻ và nhìn thấy được những thành công mà các bạn sinh viên của mình gặt hái được trong con đường sự nghiệp của các bạn. Đó chính là mong muốn và cũng là niềm hạnh phúc của giáo viên giáo dục nghề nghiệp.”
Còn trong cuộc sống riêng, hạnh phúc với tôi đơn giản là những điều bình dị nhất, sáng đi làm lúc 9h để có thời gian đi tập Yoga, đưa bọn trẻ đến lớp và có thể ăn bữa sáng nhẹ nhàng. Chiều đi làm về sớm để đón bọn trẻ con và đi chợ làm những món ngon vào buổi tối. Được làm việc trong văn phòng, có điều hòa, phòng trải thảm sạch sẽ, có góc làm việc riêng với không gian được trang trí theo sở thích cá nhân, bên 1 tách cà phê nóng, thả hồn vào âm nhạc nhẹ không lời, bật máy tính lên và tha hồ thiết kế sáng tạo. Hay nói gọn lại thì đó chính là cuộc sống của 1 Designer mà ko phải chạy theo deadline, có thể thoải sức sáng tạo, thư thái và tìm tòi…