Trong bối cảnh chuyển đổi số, khi cuộc sống và công việc của con người đang dần chuyển lên môi trường số, việc phải chuyển đổi số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là tất yếu; cơ sở GDNN không thể đứng ngoài “dòng chảy số”.
Những yếu tố thành công chuyển đổi số của giáo dục đào tạo nói chung và GDNN nói riêng đó là: con người, thể chế và công nghệ. Tham gia vào chuyển đổi số trong cơ sở GDNN có 3 nhóm thành phần: những người quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên và công nghệ. Trong đó liên quan đến con người thì chủ yếu là nhận thức và năng lực. Để dẫn dắt sự nghiệp chuyển đổi số thành công phải xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng để có được đội ngũ cán bộ quản lý có đầy đủ nhận thức, quyết tâm và kỹ năng số.
Thực hiện Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”, từ năm 2015 đến nay bức tranh về công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ sở GDNN có nhiều điểm sáng và chuyển mình. Tuy nhiên vẫn chưa kịp thời đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng và mau lẹ của CNTT, và yêu cầu đào tạo nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Qua khảo sát bước đầu, hầu hết các cơ sở GDNN đều có cổng thông tin và được tích hợp nhiều tính năng đề quản trị nhà trường; có khoảng trên70 % các trường cao đẳng có đào tạo và đào tạo trực tuyến một số mô đul môn học và đã được triển khai tích cực trong khi dịch covid xảy ra; một số các cơ sở GDNN đã giảng dạy qua các phần mềm tự xây dựng hoặc ứng dụng của bên thứ 3 cung cấp như zoom, microsoft, team.
Các cơ sở GDNN đã xây dựng và từng bước áp dụng bài giảng số hóa, mô phỏng vào quá trình đào tạo. Có gần 50% các trường cao đẳng triển khai thư viện điện tử; từng bước số hóa chương trình, giáo trình để làm nguồn học liệu, tài nguyên cho thư viện. Nhiều trường đã chủ động kịp thời mua sắm trang thiết bị mô phỏng; thiết bị ảo, phòng dạy ảo, thực nghiệm để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên.
Một số cơ sở GDNN có các phần mềm quản lý đào tạo, đánh giá, quản lý học sinh, sinh viên; quản lý tài chính, văn bản đi đến, lịch công tác, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo. Đặc biệt đã hình thành một lớp cán bộ quản lý và nhà giáo chủ động đi đầu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, dạy học; có nhận thức về tầm quan trọng phải ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học; có kiến thức và kỹ năng cơ bản về CNTT phục vụ trong công tác.
Thực tế cho thấy những cơ sở GDNN đi đầu ứng dụng CNTT và đạt được kết quả là do đội ngũ lãnh đạo nhà trường có nhận thức, có kỹ năng về CNTT; quyết tâm đưa CNTT vào quản lý, quản trị và giảng dạy của nhà trường. Tuy nhiên còn bộ phận cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phó phòng, khoa chưa thật sự có quyết tâm về chuyển đổi số; kỹ năng cơ bản về CNTT còn hạn chế; các kỹ năng về quản lý chương trình đào tạo qua ứng dụng CNTT, mô phỏng; quản lý đào tạo, quản trị nhà trường trên môi trường số còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; chậm tiếp cận công nghệ mới.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số và với quan điểm đầu tiên: nhận thức đóng vai trò quyết định thành công chuyển đổi số. Giáo dục đào tạo và GDNN được xác định là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó ưu tiên phát triển nền tảng dạy học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập rèn luyện kỹ năng.
Triển khai Quyết định của Thủ tướng chính phủ đối với lãnh đạo các cơ sở GDNN tập trung chỉ đạo triển khai 2 nội dung sau:
– Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục GDNN, quản trị nhà trường:Số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong lĩnh vực GDNN một cách nhanh chóng, chính xác.
– Chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học: Số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, bài thực hành mô phỏng, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), mô phỏng/ mô hình thiết bị, thư viện số, phòng thí nghiệm/ phòng thực hành số, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các cơ sở GDNN số. Cần tăng cường sử dụng máy tính, máy chiếu, bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử, phần mềm dạy học rèn luyện ký năng tay nghề.
Để có thể chuyển đổi số thành công; xây dựng được cơ sở GDNN số tạo ra sự đột phá trong quản trị nhà trường và chất lượng đào tạo, phải tập trung nâng cao kỹ năng CNTT và năng lực, kỹ năng quản lý cơ sở GDNN số.
Trước tiên cán bộ quản lý phải có được kỹ năng thực chất về kỹ năng cơ bản chuẩn theo quy định của Bộ Thông tin truyền thông tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014. Trong các kỹ năng cơ bản và nâng cao chuẩn về CNTT thì cần chú trọng tới modul sử dụng internet để khai thác cập nhật thông tin;trình chiếu để phục vụ cho báo cáo, thuyết trình; khả năng làm việc, kết nối trên không gian mạng; sử dụng phần mềm ké hoạch, dự án và an toàn bảo mật thông tin.
Ngoài ra cán bộ quản lý phải được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, năng lựccủa lãnh đạo, quản lý cơ sở đào tạo số, cụ thể:
– Kỹ năng lập kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường theo các giai đoạn mô hình đào tạo số;
– Năng lực kết nối và tạo lập mối liên hệ giữa các thành viên, tổ chức trong và ngoài nhà trường trên môi trường số;
– Kỹ năng/ Năng lực hỗ trợ và cố vấn cho giáo viên, cán bộ nhà trường tiếp ứng dụng CNTT trong dạy học, rèn luyện kỹ năng, tay nghề cho học sinh, sinh viên;
– Năng lực thích ứng và kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lí và quản trị nhà trường;
– Năng lực huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển đào tạo số;
– Năng lực chia sẻ, tạo động lực tham gia hoạt động đào tạo thông minh cho các thành viên nhà trường.
Trên cơ sở các quy định và yêu cầu về năng lực, kỹ năng đối với đội ngũ lãnh đạo cơ sở GDNN phục vụ cho chuyển đối số, năm 2021 Tổng cục GDNN rà soát đánh giá thực chất về năng lực CNTT của cán bộ quả lý, đề xuất xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho chuyển đổi số. Trong đó sẽ chia ra các nhóm đối tượng và phân công rõ trách nhiệm của từng cấp trong đào tạo bồi dưỡng và cần chú trọng tới bồi dưỡng tại cấp trường. Phân định rõ nhóm kỹ năng còn thiếu hụt cần được đào tạo, bồi dưỡng; nhóm kỹ năng cán bộ quản lý tự học tập nâng cao hoàn thiện.
Điều quan trọng để chuyển đối số thành công thì đội ngũ cán bộ quản lý phải có khát vọng chuyển đổi số; quyết tâm nâng cao kỹ năng số cho bản thân; chuyển đổi số trong nhà trường; tạo động lực và truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo trong nhà trường; ưu tiên đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số thành công chắc chắn sẽ mang lại thương hiệu, nâng cao cả quy mô và chất lượng đạo tạo cho mỗi cơ sở GDNN; gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động./.
Trần Quốc Huy
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục GDNN