24/02/2021 11:48:27

Trà Vinh tăng cường các giải pháp phòng, chống mại dâm

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có 2.655 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có 1.520 cơ sở lưu trú; 465 cơ sở massage, dịch vụ karaoke; 670 quán cafe, rượu, bia với khoảng 2.205 tiếp viên nữ phục vụ khách, rất dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm do Chi cục Phòng, chống TNXH tổ chức

Tình hình hoạt động mại dâm chủ yếu tập trung ở thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải, huyện Cầu Kè, Càng Long và Châu Thành. Phương thức thủ đoạn hoạt đông lén lút, cơ động, trá hình núp với danh nghĩa kinh doanh các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán, karaoke, massage. Số gái mại dâm hoạt động trên địa bàn tỉnh ước khoảng 475 người; số đối tượng bán dâm có hồ sơ quản lý là 341 người. Từ thực trạng nêu trên, trong 5 năm qua, tỉnh Trà Vinh đã rất quan tâm đến công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhiều chuyển biến tích cực

Với vai trò tham mưu cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, giai đoạn 2016-2020, Chi cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội tỉnh Trà Vinh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác này bằng nhiều hình thức thông qua các cơ quan thông tin, báo, đài, qua hoạt động tuyên truyền trong hệ thống MTTQ, đoàn thể các cấp, góp phần làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng  trong cán bộ, nhân dân; từ đó, tạo được sự hưởng ứng và đồng thuận trong cộng đồng, xã hội.

Giai đoạn 2016 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể các cấp có liên quan đã tổ chức lồng ghép tổ chức tuyên truyền  được 1.351 cuộc, có trên 100.768 lượt người dự, cấp phát 187.400 tờ rời các loại và bản tin của Cục phòng, chống tệ nạn xã hội được 600 cuốn; tổ chức 18 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện và cấp xã có 1.372 đồng chí dự.

 Bên cạnh đó, Chi cục Phòng, chống TNXH đã phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh và Công an huyện, thị xã, thành phố Trà Vinh tiến hành kiểm tra hành chính 149 cuộc, tại 912 cơ sở kinh doanh dịch vụ (Càfê, rượu bia, nhà trọ, massage và các tệ nạn xã hội khác). Kết quả phát hiện 207 cơ sở vi phạm. Lập biên bản nhắc nhở cam kết 202 cơ sở không tái phạm và chuyển 05 hồ sơ cho Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa với số tiền 40.000.000đ.

Phối hợp với Phòng PC 45 Công an tỉnh và Công an cấp huyện khảo sát 112 tụ điểm hoạt động mại dâm, triệt xóa 35 vụ, 154 đối tượng, trong đó: 63 mua dâm, 63 gái bán dâm, 13 chủ quán và 15 chủ chứa và môi giới. Hình thức xử lý: Công an huyện lập hồ sơ truy tố 14 chủ chứa, môi giới và phạt hành chính 140 đối tượng: 64 mua dâm, 62 gái bán dâm và 14 chủ quán với số tiền 501 triệu đồng.

Việc duy trì xây dựng nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần thiết thực chuyển hóa tốt địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm. Tỉnh hiện có 686 cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương (trong đó có cả cán bộ kiêm nhiệm) và có 1.372 lượt cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về công tác này nhằm giúp đỡ, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Với những giải pháp nêu trên, các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có 106/106 xã, phường, thị trấn có hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; 100% các Sở, ban, ngành liên quan có xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của ngành; 106/106 xã, phường, thị trấn có triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng, ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Người bán dâm được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đúng pháp luật.

Một số thách thức và định hướng giai đoạn 2021-2025

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Hoạt động mại dâm tuy không công khai nhưng kín đáo, tinh vi được tổ chức không chỉ ở tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Cơ sở lưu trú du lịch, nhà trọ, nhà hàng, karaoke, cà phê trá hình, massage… đang có chiều hướng lan rộng về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống tội phạm, phòng ngừa tệ nạn xã hội trong sinh viên, học sinh Trường Đại học Trà Vinh

Về phương thức hoạt động mại dâm rất đa dạng với nhiều hình thức và sử dụng các thủ đoạn mới nhưng phổ biến vẫn là lợi dụng các dịch vụ: Nhà hàng ăn uống, Cơ sở lưu trú du lịch, nhà trọ, karaoke, cà phê, massage hoặc thậm chí không làm nghề dịch vụ kinh doanh nhưng đứng ra tập hợp gái bán dâm để phục vụ cho các nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ khi khách mua dâm có nhu cầu. Bên cạnh đó, các đối tượng chủ chứa, môi giới tổ chức hoạt động mại dâm có nhiều cách đối phó lực lượng chức năng như: cung cấp số điện thoại gái bán dâm, nơi mua bán dâm bên ngoài cơ sở, thu tiền mua bán dâm qua phiếu dịch vụ massage, karaoke… Địa bàn phức tạp là tuyến Quốc lộ 60 thuộc xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, khu nhà máy nhiệt điện xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, khu công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh. Từ đó đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung trên địa bàn.

Trước những thách thức này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn; phòng chống buôn bán người và lồng ghép tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn mại dâm trong nhân dân, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.

Đặc biệt là đối tượng có nguy cơ như tiếp viên nhà hàng, khách sạn, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ; xây dựng mô hình câu lạc bộ truyền thông ở các địa bàn điểm. Tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ký kết hợp đồng lao động, đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động ở địa phương và ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp, phối hợp các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, qua đó đưa ra biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép; Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, với các cơ sở lợi dụng việc kinh doanh để hoạt động mại dâm trá hình và rút giấy phép hoạt động nếu tái phạm nhiều lần.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hình thức hỗ trợ, nhằm huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ người bán dâm hoàn lương; tăng cường thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; gắn kết chặt công tác giáo dục vận động nhân dân tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xem đây là tiêu chí quan trọng trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa. Lồng ghép với các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề và các chính sách an sinh xã hội khác, các chương trình, dự án nhân đạo, xã hội, các dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng,.. trong công tác phòng ngừa phát sinh mại dâm do cuộc sống nghèo đói, khó khăn bức bách…

Minh Anh