Một đơn vị tập trung sản xuất sản phẩm để bán như Cao su Đà Nẵng, đi cùng công nghệ luôn là chiến lược tối ưu. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nói về năm 2021 của CTCP Cao su Đà Nẵng.
Cú bứt phá ngoạn mục
Quý IV/2020 đánh dấu sự trở lại của mức tăng trưởng lợi nhuận dương tại Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, sau khi giảm sâu lần lượt 39% và 24,8% hai quý liền trước.
Trong khi ở 9 tháng đầu năm 2020, Công ty mới hoàn thành gần 61% kế hoạch doanh thu, con số sản lượng tiêu thụ và doanh thu cả năm ước tính đã hoàn thành 92% mục tiêu. Kế hoạch lợi nhuận cũng mới chỉ hoàn thành 66% sau 9 tháng (184 tỷ đồng), nhưng theo cập nhật mới nhất của ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Cao su Đà Nẵng, con số cả năm ước tính đã lên hơn 300 tỷ đồng, gần bằng mức lãi năm trước và vượt kế hoạch 280 tỷ đồng đề ra đầu năm.
Các yếu tố “thiên nga đen” biến năm 2020 trở thành khoảng thời gian đầy thách thức và xáo trộn hầu hết các kế hoạch của doanh nghiệp. Với Cao su Đà Nẵng, cả hai đầu vào – ra trong quá trình sản xuất đều chịu ảnh hưởng.
Một mặt, Covid-19 làm giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm săm lốp, đặc biệt ở giai đoạn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Thị trường nội địa và xuất khẩu thu hẹp lần lượt 19% và 15% trong nửa đầu năm. Cùng đó, Công ty còn gặp khó khi Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước trong đợt bùng phát hồi tháng 7/2020 và cũng là tỉnh miền Trung nằm trong vùng ảnh hưởng của hai cơn bão lớn.
Kể lại về giai đoạn khó khăn này, vị CEO của Cao su Đà Nẵng dường như vẫn chưa hết cảm xúc… khác thường, khi công ty phải triển khai những quyết sách… khác thường.
Trong phân phối hàng, Công ty áp dụng chính sách để các đại lý chuyển tiền trước, nhận hàng sau. Giải pháp này cho phép tận dụng nguồn tài chính tốt của hệ thống đại lý vốn đã gắn bó lâu năm, đồng thời, có thể đảm bảo cho các đại lý mức biên lợi nhuận nhận thêm cao hơn lợi suất khi gửi tiền vào ngân hàng.
Công ty tăng chiết khấu đối với đại lý vượt doanh thu. Cùng với các giải pháp tài chính như đàm phán được với các ngân hàng để nhận được gói vay ưu đãi cả về lãi suất lẫn kỳ hạn, Công ty giải quyết tốt bài toán dòng tiền và thanh khoản trong giai đoạn khó khăn.
Để việc vận chuyển hàng thông suốt trong mùa dịch, Công ty chủ động hỗ trợ các nhà vận tải bằng việc cùng tìm kiếm các đơn hàng chiều về. Cao su Đà Nẵng cũng đầu tư cho các kênh thương mại số, giúp các đại lý cấp 2 dù không làm việc trực tiếp vẫn nắm rõ dòng sản phẩm và chính sách của Công ty.
Đối với hoạt động sản xuất, giai đoạn này, đặc biệt từ quý II đến cuối năm, là khoảng thời gian công ty tập trung thay đổi quy trình công nghệ, ổn định chất lượng, tập trung giải quyết các sự cố trong sản xuất để giảm tối đa lỗi sản phẩm.
Cùng việc giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, tỷ suất lợi nhuận của Công ty còn được cải thiện nhờ hưởng lợi từ sự biến động giá đầu vào. Hai yếu tố nguyên liệu chính gồm cao su và than đen đã tăng rất cao, có lúc giá cao su tăng gần 40%, than đen tăng 60%. Bình quân nguyên vật liệu tăng từ 20-25% so với năm trước, đặc biệt tăng mạnh từ tháng 10/2020. Tuy nhiên, nhờ chủ động dự trữ nguyên vật liệu ở giai đoạn giá thấp, Công ty gần như không chịu ảnh hưởng lớn hay gián đoạn trong sản xuất trong giai đoạn tăng giá trên.
Cú hồi phục ngoạn mục của quý IV cũng đến chính từ sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp này cùng khả năng tiết giảm chi phí khi nhà máy lốp radial giai đoạn I sắp khấu hao xong.
Ngoài ra, theo ông Khánh Nhựt, nguyên nhân quan trọng đóng góp vào kết quả kinh doanh quý cuối năm còn là sự hồi phục của doanh thu.
Sức tiêu thụ đã tăng lên, một phần do tâm lý tích trữ của các khách hàng (nhất là những nhà cung ứng lốp) trước lo ngại về việc tăng giá sản phẩm do giá nguyên vật liệu tăng cao.
Bước đi cùng công nghệ
Nhìn về năm 2021, Tổng giám đốc Lê Hoàng Khánh Nhựt nhận định, thách thức với Cao su Đà Nẵng vẫn rất lớn. Trong đó, giá nguyên vật liệu tăng mạnh như xu hướng hiện nay là điểm bất lợi có thể tác động lên giá thành sản phẩm ngay quý I/2021.
Việc nâng cao tự động hóa các khâu, đơn giản hóa quá trình cũng như giảm sức lao động đã giúp nâng cao đáng kể năng suất, nên dù chưa tuyển thêm nhân sự, nhưng chúng tôi vẫn có thể tăng quy mô sản lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng
Cùng đó, đối với các doanh nghiệp săm lốp trong nước nói chung, cạnh tranh trên thị trường năm tới sẽ gay gắt hơn khi các nhà máy ở Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng. Việc dịch chuyển của các nhà máy của Trung Quốc về khu vực Đông Nam Á đã bước vào giai đoạn ổn định với công suất sản xuất cao cũng gây áp lực về nguồn cung trên thị trường.
Tuy nhiên, không phải không có những cơ hội ở năm 2021 này. Hoạt động sản xuất của Công ty đang thuận lợi nhờ thành quả của quá trình khống chế dịch bệnh tại Việt Nam. Hơn nữa, lợi thế từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ làm gia tăng sản lượng tiêu thụ lốp radial sang thị trường Mỹ, nơi có sức tiêu thụ và hấp thụ khả quan. Theo CEO của Cao su Đà Nẵng, các đơn hàng xuất đi Mỹ sẽ có cơ hội tiếp tục gia tăng.
Ngay trong năm 2020, thị trường xuất khẩu mở rộng đã đẩy sản lượng sản xuất của Cao su Đà Nẵng tiến sát mức công suất thiết kế. Cùng với nhu cầu lốp radial được dự báo tăng, đây là lý do lãnh đạo Công ty đã quyết định sẽ khởi động dự án nâng cao công suất của nhà máy radial từ 600.000 lốp/năm lên 1-1,2 triệu lốp/năm ngay năm 2021 này.
Thực tế, phương án nâng công suất nhà máy đã được cổ đông công ty thông qua từ các năm trước. Tuy nhiên, khi xét về giá bán và hiệu quả mang lại, phải đến thời điểm này, lãnh đạo Cao su Đà Nẵng xác định đây là thời điểm chín muồi. Trong điều kiện thuận lợi, dự án có thể hoàn tất vào cuối năm 2023.
Lốp radial là dòng sản phẩm có kết cấu sợi mành bằng thép bố trí hướng tâm và chỉ mới phát triển tại thị trường Việt Nam gần đây. So với dòng lốp bias dùng lớp vải mành nylon đang được sản xuất phổ biến và dần được thay thế bởi lốp radial, sản phẩm này có ưu điểm là tăng độ bám đường, giảm độ mài mòn và sinh nhiệt nhưng nhược điểm lại nằm ở giá bán.
Cao su Đà Nẵng là doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu, sản xuất lốp radial theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ sản phẩm lốp bán thép đầu tiên được sản xuất năm 2005, doanh nghiệp này sau đó đã xây dựng nhà máy lốp radial công suất 300.000 lốp/năm và đưa vào vận hành vào giữa năm 2013, sau đó tiếp tục nâng gấp đôi công suất vào năm 2017.
Không chỉ tiên phong bước vào một dòng sản phẩm mới, hiện tại, Công ty liên tục đa dạng hóa sản phẩm cũng như quy cách sản phẩm và thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) để tăng tuổi thọ lốp, sử dụng đơn pha chế mới để thích nghi với các môi trường khắc nghiệt.
Ngay trong năm 2020 vừa rồi, một thành quả được ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nhấn mạnh là mức độ tăng tỷ trọng tự động hóa tại nhà máy lốp radial, nên năng suất tăng lên đến 20-25% so với năm trước.
“Việc nâng cao tự động hóa các khâu, đơn giản hóa quá trình cũng như giảm sức lao động đã giúp nâng cao đáng kể năng suất”, ông Nhựt nói khi lý giải việc dù chưa tuyển thêm nhân sự nhưng vẫn có thể tăng quy mô sản lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Đặt giả thiết về khả năng Cao su Đà Nẵng sẽ có những thay đổi trong cơ cấu cổ đông khi Vinachem (cổ đông đang sở hữu 50,51% vốn điều lệ) bán cổ phần, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt cho rằng, Công ty luôn sẵn sàng tâm thế dù tổ chức nào mua lại cổ phần.
Bởi Cao su Đà Nẵng là một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên chính sản phẩm của mình, định hướng của Công ty vẫn sẽ không thay đổi. Đó là tập trung cho sản xuất, cải tiến khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Với chúng tôi, chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn”, ông Nhựt nhấn mạnh.
Theo Baodautu