Dù đã “hưu” nhưng chưa nghỉ, vẫn trăn trở với những vấn đề của giáo dục nghề nghiệp, nguyên Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng, người luôn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp chia sẻ: “Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp đổi mới mạnh mẽ, nâng tầm vị thế trong xã hội.”
Cơ hội mở cho giáo dục nghề nghiệp bứt phá
PV: Thưa bà, hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ vừa qua được đánh giá đạt nhiều thành tựu quan trọng, không chỉ đề xuất, tư vấn, góp ý xây dựng nhiều chính sách giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội quan trọng mà còn tham mưu cho cơ quan chức năng nhiều tiếp cận với tư duy mới trong xây dựng chính sách. Theo bà nhiệm kỳ tới, hoạt động của Hiệp hội cần tập trung vào nhiệm vụ gì ?
Nguyên Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng: Đất nước đang có sự chuyển mình, đổi mới rất mạnh mẽ, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao được xếp là một trong những giải pháp để đột phá. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói “nguồn nhân lực có kỹ năng là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và ký Quyết định lấy ngày 4/10 hàng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Còn rất nhiều khó khăn nhưng có thể nói đây là cơ hội mở ra để GDNN tiếp tục nâng tầm, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.
Đối với hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ tới, trước hết cần bám sát nhiệm vụ chức năng của Hiệp hội để hoạt động, tập hợp được tiếng nói hội viên, trở thành địa chỉ tư vấn, phản biện xây dựng chính sách uy tín với các cơ quan chức năng. Trong đó tập trung đề xuất, tư vấn tháo gỡ các ách tắc cản trở các lĩnh vực lao động xã hội, GDNN phát triển, như chế độ tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên, giảng viên GDNN; chế độ tuyển dụng, tiền lương đối với người đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế, khu vực. Vấn đề đào tạo học sinh tốt nghiệp lớp 9 lên cao đẳng; hay trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, lao động, việc làm cũng vậy, cần cập nhật để phát hiện, đề xuất với các cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc, giải phóng các nút thắt giúp các cơ sở GDNN hội viên nói riêng và sự nghiệp lao động xã hội phát triển.
Xây dựng hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, thông thoáng cho người học
PV: Những năm gần đây, Tổng cục GDNN đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nhờ vậy nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp, về học nghề lập nghiệp đã có sự thay đổi tích cực rõ rệt. Tuy nhiên để xã hội thay đổi tư duy khoa bảng, ‘bình đẳng” hơn đối với giáo dục nghề nghiệp, với học nghề theo bà chúng ta cần làm gì ?
Nguyên Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng: Công nghệ đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Bây giờ làm gì người ta cũng phải PR hình ảnh, không chỉ là quảng bá, giới thiệu mà nó là sự thể hiện tư duy và tầm văn hóa của cơ quan, doanh nghiệp đó. Để thay đổi tư duy, nhận thức xã hội về GDNN thì GDNN cần nâng tầm vị thế trong xã hội. Đây là câu chuyện liên quan đến nhiều Bộ, ngành và chính phủ. Đó là tiền lương, đãi ngộ, cho người dạy nghề, học nghề. Là bình đẳng trong tuyển dụng, thăng tiến đối với người học nghề giỏi kỹ năng; là đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở GDNN thế nào.
Bản thân các cơ sở GDNN cũng phải đổi mới. Nếu được học nghề trong môi trường hiện đại, văn minh, giảng dạy theo tiêu chuẩn chất lượng, ra trường có việc làm và thu nhập thỏa đáng thì thị trường giáo dục sẽ tự điều tiết, nhận thức xã hội sẽ tự thay đổi. Như vậy thực chất GDNN phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp linh hoạt, thông thoáng, minh bạch cho người học từ tuyển sinh, đào tạo, liên thông trình độ đến việc làm. Mạnh dạn nghiên cứu đưa đào tạo trình độ kỹ sư thực hành vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Chắc chắn với sự đoàn kết, quyết tâm, năng động, sáng tạo, Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ mới tới đây sẽ xây dựng được chương trình kế hoạch công tác phù hợp, phối hợp giúp các cơ quan chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
PV: Xin cảm ơn và kính chúc bà dồi dào sức khỏe.
Chú thích ảnh 1: Nguyên Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng trao tặng khen thưởng các thí sinh đạt thành tích xuất sắc trong Kỳ thi nghề làm đẹp.
ảnh 2: Nguyên Chỉ tịch Nguyễn Thị Hằng tại hội thảo về cơ sở pháp lý cho sự ra đời nghề công tác xã hội
Hồng Anh