25/12/2020 6:35:18

Lao động Hà Tĩnh làm việc ở Hàn Quốc thu về khoảng 2.000 tỷ đồng/năm

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của Hà Tĩnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Sáng 25/12, tại Thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng quy định. Tham dự hội nghị có gần 300 lao động, thân nhân lao động đang làm việc tại Hàn Quốc của huyện Cẩm Xuyên.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước-Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Gia Liêm và Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc nhấn mạnh: Năm 2020, với những nỗ lực của các cấp, các ngành đã mang lại những kết quả tích cực; số huyện bị tạm dừng tham gia chương trình EPS đã giảm từ 7 huyện năm 2018 xuống còn 5 huyện đầu năm 2019 và đến nay còn 2 huyện (Nghi Xuân và Kỳ Anh).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc phát biểu tại hội nghị.

Để thực hiện mục tiêu tiến tới 100 số xã, phường, thị trấn của Hà Tĩnh đều được tham gia Chương trình XKLĐ sang Hàn Quốc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của huyện Cẩm Xuyên, thân nhân của người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, tích cực tuyên truyền, vận động con em chấp hành nghiêm việc về nước đúng thời hạn.

Gần 300 lao động, thân nhân lao động đang làm việc tại Hàn Quốc của huyện Cẩm Xuyên tham dự hội nghị.

Được biết, tính đến tháng 5/2019, đã có trên 5.500 lao động của tỉnh đi làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Đến nay, Hà Tĩnh đang có 12.500 lao động đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc.

Nhiều nhất là huyện Nghi Xuân: 4.066 người, huyện Kỳ Anh: 2.509 người và huyện Cẩm Xuyên đứng thứ 3 với 1.260 người.

Nếu tính mức thu nhập bình quân ở mức thấp của nhóm lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc là 150 triệu đồng/người/năm thì tổng thu nhập của 12.500 người lao động làm việc ở Hàn Quốc đạt được là 2.000 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Xuân Song ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên: Tôi đã tham gia Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và hiện đang có nhu cầu tiếp tục tham gia chương trình, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH tạo điều kiện cho để tôi sớm được sang Hàn Quốc làm việc
Chị Phạm Thị Lý – vợ của lao động Nguyễn Văn Hương ở xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên: Chồng tôi đã tham gia Chương trình EPS và về nước đúng thời hạn. Hiện chồng tôi đã được sang lại Hàn Quốc làm việc từ tháng 2/2019. Mong muốn các gia đình vận động con em mình đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định để được tiếp tục tham gia chương trình.

Chương trình EPS cấp phép việc làm không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho người lao động mà còn góp phần đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cung ứng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Gia Liêm: Chương trình EPS là chương trình hấp dẫn nhất đối với người lao động cả về việc làm, thu nhập, điều kiện sinh hoạt và các chính sách phúc lợi.

Với mức chi phí đóng nộp 630USD/người – chi phí thấp nhất của các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam hiện nay. Mức thu nhập sau khi đã trừ đi các khoản chi phí, bình quân mỗi lao động đạt được trên 1.000 USD/tháng. Vì vậy, lao động về nước đúng thời hạn sẽ tạo cơ hội cho nhiều lao động khác sang làm việc tại Hàn Quốc.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương ở huyện Cẩm Xuyên ký cam kết vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Theo Baohatinh