Đây là chủ đề hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020 (Techfest Việt nam 2020) tổ chức tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội ngày 28/11.
Hội thảo do 4 đơn vị đồng tổ chức, bao gồm: Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI); ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU); Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ; Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ.
Phát biểu Lễ khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định:“Để đưa những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo vào thực tiễn, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và rào cản. Đây là giai đoạn cần đầu tư nhiều công sức, tiền của, thời gian và họ cần nhiều các dịch vụ hỗ trợ để thúc đẩy, giúp họ vượt qua được giai đoạn khó khăn đó. Vì vậy, Hội thảo này có ý nghĩa rất lớn, giúp cho các ý tưởng khởi nghiệp được tiếp cận và hỗ trợ về pháp lý, phát triển kinh doanh, tài chính, marketing…. nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn, vượt qua khó khăn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.
Hội thảo với ý nghĩa nhằm giúp các Startup và các chủ doanh nghiệp có thêm hiểu biết về các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các dịch vụ này được xây dựng trên nền tảng của công nghệ số, nhằm đưa ra những giải pháp, tư vấn, hỗ trợ tối ưu trong các ứng dụng của các doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp, xây dựng và phát triển.
Theo đó, tại hội thảo đã có 9 tham luận của các đại biểu, tập trung vào các vấn đề bao gồm: Giải pháp tích hợp đa số dịch vụ cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Cung cấp các dịch vụ khai thác và phân tích thông tin sáng chế phục vụ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tài sản trí tuệ bằng công cụ IPPlatform; Dịch vụ số GoApp đồng hành cùng Cộng đồng đổi mới sáng tạo Việt Nam; GoApp- Fotinet – An toàn bảo mật cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; Kinh nghiệm gọi vốn thành công và hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp; Quỹ sáng chế chung (Petent Pool) – Mô hình liên kết thúc đẩy thương mại hóa sáng chế; ONEBOX – Nền tảng kết nối và cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Xây dựng hệ sinh thái hộ gia đình cùng các Startup trên nền tảng FPT Play.
Với tham luận “Giải pháp tích hợp số đa dịch vụ cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Th.S Phạm Quang Vinh – Phụ trách Ban Nền tảng tích hợp số, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, Bộ KH-CN cho rằng: Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia 2020 – 2025 và định hướng 2030 sẽ tập trung phát triển nền kinh tế số; phát triển thúc đẩy xã hội số; định hướng đến năm 2030 sẽ có Chính phủ số.
Để đạt được mục tiêu này cần có giải pháp, trong đó phát triển nền tảng số là giải pháp quan trọng hàng đầu. Thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đã hoàn thiện nền tảng công nghệ số tích hợp cho các cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Nền tảng tích hợp số phải đảm bảo các yếu tố: thân thiện, linh hoạt, an toàn và thuận tiện.
Ông Vinh cũng cho biết thêm về nền tảng Techfest 247: “Techfest chỉ diễn ra một số ngày trong năm, nhưng hiện nay, chúng tôi triển khai nền tảng số tích hợp dịch vụ Techfest tất cả các ngày trong năm và tất cả các giờ trong ngày. Chúng tôi tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để triển khai Techfest 247. Techfest 247 đem lại hiệu quả lớn, thuận tiện cho đơn vị triển lãm gian hàng trực tuyến và cũng là giải pháp hữu hiệu triển khai các hoạt động sự kiện và hội thảo trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid 19 như hiện nay”.
Với kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Bùi Quang Minh – Trưởng Làng Cộng đồng Dịch vụ hỗ trợ, Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc điều hành Beta Group đã trình bày tham luận với nghiệm quý giá về “Kinh nghiệm gọi vốn thành công và hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Với tham luận này, ông Minh cho rằng, nhà khởi nghiệp cần có sự lựa chọn quỹ đầu tư để có những cộng sự cần thiết hỗ trợ cho nhà khởi nghiệp. Thứ hai, cần có tầm nhìn xa với mục tiêu giải quyết những vấn đề xã hội sẽ cần. Điều đó sẽ dễ cho nhà khởi nghiệp nghĩ đến những thị trường tiềm năng.
Thứ ba là gọi vốn khi nào, thời điểm nào và gọi vốn bao nhiêu… rất cần có sự kiểm soát chặt chẽ và điểm rơi phù hợp. Việc gọi vốn đòi hỏi nhiều thời gian đủ để thuyết phục nhà đầu tư; thứ 4 phải chọn nhà đầu tư thực sự phù hợp mới quyết định liên kết cùng đầu tư…, điều này rất cần đến sự tư vấn để sàng lọc nhà đầu tư phù hợp cho nhà khởi nghiệp…
Nhìn chung, các chủ đề trên của các diễn giả đã mang đến cho các đại biểu tham dự tại Hội thảo này nắm bắt được những cơ hội tuyệt vời, các đơn vị, ngành, doanh nghiệp cùng giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm, trao đổi thẳng thắn và toàn diện các vấn đề liên quan đến Startup, doanh nghiệp hay các cơ quan quản lý, chủ đầu tư quan tâm.
Đặc biệt, đây được coi là cơ hội mở cho các đơn vị tham dự cùng kết nối và phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có ứng dụng thiết thực với thực tế ngay tại thời điểm này, cũng như trong tương lai.
Thu Thủy