18/11/2020 3:51:51

Người thầy “vượt rào 4.0” của Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành

“ Năm 2015, khi nhận Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành (thuộc hệ thống Giáo dục Trường ĐH Nguyễn Tất Thành- T.P Hồ Chí Minh), tôi vừa mừng, vừa lo… Mừng vì niềm đam mê cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp thêm một lần nữa được bùng cháy, mừng vì sự mong đợi của lãnh đạo các cấp đã tin tưởng vào sự định hướng và tổ chức vận hành bộ máy xây dựng và phát triển nhà trường của bản thân mình… Lo là vì trường “khởi nghiệp” bằng 4.0 – nghĩa là: “Không đội ngũ giáo viên, không học sinh, không tiền, không hệ thống cơ sở vật chất, chứ không phải là CMCN 4.0 như mọi người nghĩ”.

Tìm hiểu sâu hơn về trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành và Thạc sỹ Hoàng Quốc Long – Hiệu trưởng nhà trường sau lời chia sẻ hài hước mới thấy, chuyện đời, chuyện nghề của thầy trong quãng thời gian gắn bó với sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, với trường Nguyễn Tất Thành đầy gian nan nhưng cũng nhiều cảm hứng.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành từng làm Chuyên gia chấm thi tại Thái Lan- ASEAN Skills năm 2018.

“Một duyên…hai nợ”  với giáo dục nghề nghiệp

Kể về cơ duyên đến với sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, thầy Hoàng Quốc Long cho biết, thầy tốt nghiệp ngành y từ những năm 80 nhưng lại không theo đuổi ngành y. Sài Gòn hoa lệ khi ấy nghề may Complet – Veston đang “lên ngôi”, nhà nhà mở tiệm may mà chỗ nào cũng đông nghịt khách. Khi ấy thầy Long chợt nghĩ: “Cơ hội là đây chứ đâu” và quyết định đi học nghề may Complet – Veston.

Trời phú cho “đôi bàn tay vàng”, thương hiệu may “Hoàng Long” trở nên nổi tiếng nhanh chóng từ trong Nam ra Bắc. Tiệm may của anh Long khi ấy lúc nào cũng đông khách, người từ Nam ra Bắc đều đến tiệm may của anh xin học nghề. Thời ấy, cửa hàng của anh ít nhất lúc nào cũng có từ 10 học viên theo học. Học phí để trở thành người thợ lành nghề cắt may Comple, Veston lúc đó phải đến 3 cây vàng, nên chỉ những người thực sự đam mê và có điều kiện kinh tế mới dám học.

Thạc sĩ, Hiệu trưởng Hoàng Quốc Long cùng đoàn lãnh đạo Bộ Giáo dục Malaysia tới trường Matrix nhằm liên kết đào tạo ngành Thiết kế thời trang.

“Hữu xạ tư nhiên hương”, các Trung tâm dạy nghề ở TP.HCM ngày ấy tìm đến thầy và mời về giảng dạy, đồng thời muốn thầy thu hút học sinh theo học nghề này về với các trung tâm dạy nghề. Tiếp xúc với nghiệp giảng dạy ở các trường nghề, thầy Long nhận ra đây mới chính là niềm đam mê của mình. Nhưng sau đó không lâu, cơ chế Nhà nước thay đổi, yêu cầu tất cả các giảng viên, giáo viên đi dạy nghề phải có đằng đại học nên thầy phải bắt đầu lại sự nghiệp học với chuyên ngành Thiết kế thời trang và tốt nghiệp cử nhân, rồi thạc sĩ của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Năm 2000, thầy Long được thầy Quảng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Hữu Cảnh mời về giảng dạy và chính thức trở thành giảng viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và chính thức đóng của tiệm may của mình vào năm 2002 để tập trung cho nghề giảng dạy.

Chăm sóc sắc đẹp – nghề thu hút người học ở Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành.

Nhưng rồi, đồng lương của một người làm nghề thuần túy trong cơ chế còn nhiều bất cập khi đó không đủ để thầy theo đuổi nghiệp giảng dạy. Năm 2006 – 2007, thầy Long lại xin ra ngoài, mở công ty thời trang riêng. Được vài năm, cơ duyên lại cho thầy gặp thầy Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và được mời về làm Trưởng khoa Thời trang của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Đến năm 2015, thầy Long có Quyết định bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành.

Vượt rào 4.0

Trường Trung cấp nghề Nguyễn Tất Thành tiền thân là Trường Trung cấp Tư thục Kinh tế – Công nghệ Gia Định, được thành lập theo Quyết định số 2167/QĐ- UBND TP ngày 14/05/2007 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Ngày 11/09/2014, chuyển đổi chủ sở hữu về Công ty CP Dệt may Sài Gòn và đổi tên thành Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, thuộc hệ thống giáo dục Đại học Nguyễn Tất Thành. Nhưng phải đến năm 2015,  với Quyết định bổ nhiệm Thạc sỹ Hoàng Quốc Long làm Hiệu trưởng, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành mới được “làm mới” hoàn toàn theo cơ chế tự chủ toàn diện của trường tư thục.

Để so sánh, một cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có sẵn nền tảng khi chuyển đổi cơ chế tự chủ hoàn toàn còn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi với Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, khi thầy Hoàng Quốc Long nhận quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, trường không có gì khác ngoài ý chí, lòng quyết tâm.

Đội ngũ giáo viên của Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành luôn là nguồn cảm hứng cho các học sinh của mình.

Sau khi nhận quyết đinh bổ nhiệm, thầy Long được giao một phòng làm việc trong Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. “Khi ấy tôi nghĩ, đây là trường Đại học, học sinh lại đến đây đăng ký học trung cấp thì không ổn nên xin chuyển về địa điểm mà nhà trường làm khoa Xây dựng ở Quận Gò Vấp để làm cơ sở triển khai các hoạt động. Khi ấy, tôi mới lên kế hoạch tuyển cán bộ giáo viên, tuyển sinh và đào tạo một số nghề trọng điểm như: thiết kế thời trang, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ô tô, lắp cáp mạng thông tin” – thầy Long kể lại.

Năm đầu tuyển sinh, trường chỉ tuyển được trên 100 học sinh trong khi cơ sở này có sức chứa hơn 1.000 học sinh. Tuy nhiên, đến nay, nhà trường đã mở rộng và phát triển quy mô đào tạo lên 19 ngành nghề với lượng tuyển sinh trên 1.500 học sinh mỗi năm.

Nghề Chăm sóc sắc đẹp của nhà trường có sức hút nguồn tuyển lớn và đông học sinh theo học so với các nghề khác. Đa phần các em học ở ngành này ngay khi chuẩn bị tốt nghiệp đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở thẩm mỹ, spa mời gọi với mức lương hấp dẫn từ 7- 10 triệu/tháng. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường đều đạt chuẩn quốc gia và ASEAN, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo.

Thí sinh Lê Thị Thanh Hằng của Nhà trường tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia 2020 ngành Thời trang

Thầy Long chia sẻ: “Đa phần học sinh vào Trung cấp Nguyễn Tất Thành đều là con em người lao động, công nhân, một số em còn hạn chế về kiến thức văn hóa, không đủ điều kiện vào các trường THPT. Vậy nên, công tác tư vấn tuyển sinh rất quan trọng. Khi tư vấn, chúng tôi nói với các em về giá trị sống: Vì sao các em nên học nghề? Học nghề để làm gì? Và tại sao chúng ta phải làm việc? Giá trị sống không chỉ phản ánh qua quá trình học tập, khẳng định được năng lực cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp và đạt được những giá trị về vật chất, sự giàu sang, sung túc… mà giá trị sống cốt lõi là đạo đức, quan hệ xã hội.

Chúng tôi quan niệm, để thu hút được học sinh, điều quan trọng không phải là những người thầy giỏi, mà người thầy vĩ đại là người thầy biết truyền cảm hứng. Cảm hứng đó chính là sự cho đi những giá trị sống tốt đẹp nhất, để cùng nhau phát triển và cũng là cơ hội để bản thân mỗi người được phát triển hơn và thấy mình có giá trị với bản thân, gia đinh và xã hội. Đó chính là động lực để tôi gắn bó với nghề, gieo hạt”, truyền cảm hứng cho các em và giúp các em có sức bật mạnh mẽ trên mảnh đất tự hào: Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành”.

Nguyễn Thủy