Sau khi bão lũ đi qua, người lao động Thừa Thiên – Huế được tiếp thêm sức mạnh, tái thiết cuộc sống nhờ sự quan tâm, đồng hành, giúp đỡ kịp thời của các cấp Công đoàn.
Là một ngõ hẻm trong thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) nhưng đường đến ngôi nhà của chị Trần Thị Na (cấp dưỡng Trường Mầm non Trường An, thành phố Huế) lại xa và sâu hun hút như một con đường xuyên thôn. Căn nhà cấp 4 của chị đơn giản chỉ có một phòng ngủ và một gian bếp, được lợp bằng mái tôn cũ; các vách tường xây vá víu chưa được quét sơn. Trong đó, thứ quý giá nhất là chiếc tủ lạnh đời cũ đã gỉ màu.
Mưa lớn trong một đêm tháng 10/2020 khiến tường nhà có dấu hiệu nứt nẻ, mái nhà dột nước. Nó không khác gì một vết nứt trong lòng, xé thêm nỗi cùng cực, nghèo khó của cặp vợ chồng trẻ ấy.
Vội vã di chuyển một số đồ dùng thiết yếu rồi cả gia đình tiếp tục xin ở nhờ một hộ dân bên cạnh. Trong đêm ấy, các bức tường đổ sập. Khe nước sát phòng ngủ chảy mạnh khiến nền nhà bị xói lở, sụt lún.
Hay tin đoàn viên gặp nạn, ngay ngày hôm sau, các cán bộ Công đoàn thành phố Huế nhanh chóng xắn quần, lội nước đến thăm, động viên và trao quà hỗ trợ kịp thời cho chị Na. Không dừng lại ở đó, cán bộ Công đoàn tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm, những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi giúp đỡ hoàn cảnh éo le của đoàn viên Trần Thị Na.
“Bốn miệng ăn trong nhà xưa nay đã khó, lại thêm nhà sập, vợ chồng tôi thật sự chới với. May mắn thay, sự quan tâm của Công đoàn và các nhà hảo tâm đã phần nào giúp gia đình tôi vượt qua những mất mát. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm tái thiết lại cuộc sống không phụ lòng mong đợi của Công đoàn thành phố Huế” – chị Trần Thị Na bộc bạch.
Giống như chị Na, hàng nghìn người lao động khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế trực tiếp gánh chịu những thiệt hại lớn từ các trận bão lũ. Dịch COVID-19 đã làm nhiều lao động địa phương mất miếng cơm nhưng thiên tai lại cướp đi những gì còn lại, khiến họ kiệt quệ. Nhà cửa tan hoang. Hơn thế, đã có những đoàn viên, người lao động phải “ra đi” mãi mãi sau mùa bão lũ.
Thấu hiểu được những nỗi khổ ấy, các cán bộ Công đoàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đến từng gia đình, đồng hành cùng các đoàn viên, người lao động để giúp họ vượt qua khó khăn. Từng ngày qua, những phần quà thiết thực như gạo, mì tôm, nước sạch, dầu ăn, quần áo, sách vở… đã được trao đến tận tay người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa.
Đã có rất nhiều cách làm được các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện để trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, đặc biệt và hiệu quả hơn cả là mô hình “Phiên chợ 0 đồng”. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết, mô hình này thật sự phù hợp với nhu cầu đa dạng lựa chọn của các đoàn viên, người lao động. Vì vậy, sau các đợt bão lũ, các cấp Công đoàn tỉnh đã nhân rộng mô hình để tạo nơi trao hỗ trợ cho các đoàn viên, người lao động khó khăn.
Nhờ thông điệp “Nếu bạn cần xin hãy lấy một phần, nếu bạn không cần xin nhường người khác”, các phần quà thiết yếu đã đến được đúng đối tượng thật sự cần. Bên cạnh đó, đoàn viên, người lao động tham gia Phiên chợ 0 đồng còn thể hiện được tinh thần tương thân, tương ái, nhường nhịn cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Cứ như thế, hàng nghìn phiếu mua hàng 0 đồng được trao đi là hàng nghìn cơ hội cho các hoàn cảnh khó khăn được giảm đi gánh nặng cuộc sống.
Tham gia mua sắm tại Phiên chợ 0 đồng do Công đoàn Khu kinh tế – công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức, ông Hồ Hồng, công nhân lao động tại Khu Công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vui mừng chia sẻ, ông đã chọn được nhiều món hàng chất lượng cho gia đình như gạo, nước mắm, mì tôm… Những món hàng này sẽ phần nào nâng chất lượng bữa cơm hàng ngày của ông Hồng sau nhiều ngày thiếu thốn vì bão lũ.
Ông Hồng cũng không quên chọn vài cuốn sách giáo khoa còn thiếu cho các cháu nhỏ ở nhà. Tuy nhiên, điều khiến ông ấn tượng hơn cả là tại phiên chợ, có rất nhiều áo quần mới tinh tươm, nhu yếu phẩm chất lượng được bày bán, phục vụ cho nhu cầu mua sắm lớn của người lao động.
Không riêng các đoàn viên, người lao động tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế mà hàng trăm người lao động khó khăn tại thành phố Huế cũng được hưởng lợi từ các Phiên chợ 0 đồng do Công đoàn thành phố này tổ chức sau mùa bão lũ. Qua nhiều lần tổ chức, mô hình đã tạo được hiệu ứng truyền thông lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhờ đó, ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tiếp sức hỗ trợ, quyên góp các mặt hàng; đồng thời các đoàn viên, người lao động khó khăn cũng mạnh dạn hơn khi tham gia Phiên chợ 0 đồng.
Để có được những Phiên chợ 0 đồng đạt hiệu quả là cả một quá trình nỗ lực của tập thể các cán bộ Công đoàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hầu hết các phần quà, mặt hàng tổng trị giá hàng tỷ đồng bày bán trên các gian hàng đều được vận động từ nguồn xã hội hóa. Điều này đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải là “cầu nối” vận động tốt các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn.
Để làm tốt vai trò “cầu nối” ấy, các cấp Công đoàn tỉnh đã tạo niềm tin đối với các nhà hảo tâm rằng sự hỗ trợ của họ luôn thật sự hướng đến những hoàn cảnh khó khăn với phương châm “người thật, việc thật”.
Theo bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên – Huế luôn sát cánh cùng người lao động; đặc biệt, sau những khó khăn của dịch COVID-19 cũng như thiên tai, vai trò của Công đoàn ngày càng được khẳng định rõ. “Trong các đợt bão lũ, chúng tôi không ngại khó khăn, lội lụt đưa hàng hóa đến các vùng trũng thấp để cứu đói kịp thời các lao động có hoàn cảnh khó khăn. Sau bão lũ, chúng tôi hướng đến giúp người lao động vực dậy, tái thiết lại cuộc sống bằng những việc làm thiết thực khác như trao quà, giúp đỡ dựng nhà, tổ chức các điểm hỗ trợ thiên tai, kiểm tra sức khỏe…”, bà Hương chia sẻ.
Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên – Huế đã và đang trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho các đoàn viên Công đoàn, người lao động trên địa bàn. Những món quà tuy giá trị không lớn nhưng sự giúp đỡ của Công đoàn các cấp tỉnh đã phần nào thể hiện sự chăm lo đối với các đoàn viên, để tiếp thêm động lực, niềm tin giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo Mai Trang (TTXVN)