Không chỉ riêng Công của thời điểm đó, mà rất nhiều bạn trẻ tìm đến học nghề vì chung một lý do: Trượt đại học. Thế nhưng, trong số rất đông những bạn trẻ đó và ngay cả chính Công cũng không thể biết trước được rằng, trượt đại học chỉ là một “bước đệm trải nghiệm” cho cả tương lai rộng mở phía sau.
Quãng thời gian trươt đại học đó, Công cũng như bao bạn trẻ khác đều cảm thấy chênh vênh, không có cho mình một sự định hướng nào, giống như sự nghiệp tương lai đang mờ xa phía trước. Rồi tình cờ, Công được các anh chị của mình giới thiệu nên học một nghề nào đó ở trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Với suy nghĩ học nghề giống như “chiếc phao cứu trợ” vì trượt đại học, khi ấy Công đến trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội để tìm hiểu mà không ngờ rằng sau này nhìn lại, cậu mới nhận ra mình thật sự may mắn khi quyết định đó giờ đã thay đổi đáng kể cuộc đời mình.
Đến với trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, sau khi tìm hiểu và chọn cho mình khoa Cơ điện tử, Công được các thầy cô giới thiệu vào lớp Cơ điện tử quốc tế – một chương trình do chính phủ Úc và Việt Nam kí kết chuyển giao công nghệ giảng dạy nghề cấp chất lượng quốc tế.
“Cũng chính thời điểm đó, một tia hy vọng lóe lên trong suy nghĩ vốn đang mờ mịt của em. Dần dần từng ngày niềm đam mê, yêu thích với máy móc, với cách mà một người kỹ sư tạo ra và điều khiển chúng…cứ lớn dần lên khiến em say mê học tập và tìm tòi thực hành không biết mệt.” – Công chia sẻ. Cùng với sự thích thú nghề nghiệp ngày càng lớn và nỗ lực chăm chỉ học tập, thực hành đã giúp Công giành cho mình tấm bằng tốt nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và bằng kỹ sư thực hành và vận hành máy do chính phủ Úc cấp.
“Trong quá trình học tập tại trường, em khá bất ngờ khi biết rằng, không chỉ những bạn trượt đại học như mình mới học nghề, mà có rất nhiều các bạn đã xác định cho mình niềm đam mê và quyết định học nghề thay vì thi đại học. Thậm chí có cả những bạn đang học đại học, nhưng trong quá trình học thiếu thực hành và rèn kỹ năng tay nghề nên mạnh dạn chuyển hướng sang học nghề. Lúc ấy em mới nhận ra, quan điểm trượt đại học mới phải học nghề của mình là sai lầm” – Công nói.
Học nghề và học đại học đều là những con đường đi khác nhau nhưng đích đến đều là tạo cho mỗi con người một công việc, để bản thân trở nên có ích, có giá trị và chỗ đứng trong xã hội.
Hiện tại, Công đang là nhân viên kĩ thuật dây truyền sản xuất lắp ráp cho Tập đoàn khoa học kĩ thuật Hồng Hải (HonHai foxconn) với mức lương cực kỳ hấp dẫn, cùng nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc khi thể hiện được kỹ năng tay nghề tốt.
Công chia sẻ, công việc hiện tại cũng chính là sự may mắn thứ hai em nhận được khi học nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Năm 2019, sau khi tốt nghiệp, Công đến dự chương trình Ngày hội việc làm mà trường tổ chức, tại đây Công tình cờ gặp được vị Phó giám đốc người Trung Quốc đang quản lí một dự án chi nhánh của Tập đoàn Khoa học kĩ thuật Hồng Hải. Công đã ứng tuyển và sau đó được phó giám đốc mời về làm việc sau khi chứng minh được năng lực của mình.
Trong thời gian tới, mục tiêu gần nhất của Công là trở thành một kĩ sư. Đó là động lực để Công tiếp tục trau dồi bản thân về kiến thức, cập nhật những công nghệ mới nhất trên các thiết bi máy móc…
“Con đường nào cũng sẽ dẫn đến thành công, quan trọng bạn bước đi trên còn đường đó như thế nào, có thể cố gắng kiên trì giữ cho mình niềm đam mê đến đích hay không và rút ra được những kinh nghiệm gì trong quá trình bước đi trên con đường mình đã chọn.” – Công chia sẻ.
Thúy Anh
- [E-Magazine] HCĐ Tay nghề thế giới Trần Nguyễn Bá Phước: “Học nghề giỏi là khả năng đặc biệt”
- [E-Magazine] Trung thu đầm ấm ở Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Nhân Ái
- [E-Magazine] Cõng nghề lên non cho “A Phủ”: Chuyện về ngôi trường “Tây” ở Bắc Kạn
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Nguyễn Duy Thanh – Từ cậu bé nghiện game đến xuất sắc giành huy chương thế giới
- [E-Magazine] Gặp chàng trai bỏ ngang đại học theo đuổi đam mê máy móc