Được thành lập từ năm 1987, từ một văn phòng xây dựng nhỏ bé, sau 33 năm Hòa Bình đã trở thành nhà thầu xây dựng tổng hợp lớn nhất và uy tín nhất, phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước. Uy tín và danh tiếng của Hòa Bình ngày càng được khẳng định qua những công trình nổi tiếng như: Sai Gon Centre, German House, Celadon City, Emprise City, Vinhome Ocean Park, JW Marriot Phú Quốc, Intercontinental Phú Quốc, Sheraton Grand Đà Nẵng, Trường Đại học Quốc tế RMIT…, cùng hàng trăm công trình mà Hòa Bình đảm nhận vai trò thầu chính.
Mới đây Hòa Bình tiếp tục có mặt trong Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất năm 2020, và chiếm vị trí số 1 trong Top 10 nhà thầu uy tín nhất Việt Nam, theo đánh giá của Vietnam Report.
Đặc biệt hơn nữa, từ năm 2018 đến nay, Hòa Bình đã xác lập kỷ lục không chỉ cho chính mình mà còn xem là kỳ tích của ngành xây dựng, khi đạt 180 triệu giờ lao động an toàn không tai nạn trên công trường.
Để đạt những giá trị đó, nền tảng bền vững nhất của Tập đoàn Hòa Bình chính là nguồn nhân lực. Hòa Bình đang bằng tất cả nỗ lực và quyết tâm, đi tiên phong để biến ước mơ cháy bỏng “đưa Thương hiệu Quốc gia Hòa Bình trở thành niềm tự hào của ngành xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế” trở thành hiện thực. Để thực hiện được điều đó, Hòa Bình phải chuẩn bị thật kỹ, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
PV Tạp chí Nghề Nghiệp & Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Ông Đào Vũ Nguyên – Giám đốc Đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với chủ đề: “Trở thành công dân toàn cầu – Bí mật thành công của tập đoàn Hòa Bình”.
Trong 1 cuộc trao đổi với báo chí hồi tháng 6/2020, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chia sẻ: “Việc xây dựng một doanh nghiệp cũng như xây một tòa nhà. Để có tòa nhà vững chãi thì phải xây dựng nền móng vững chắc. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, cần phải được xây dựng trên một nền tảng vững bền”. Vậy “nền tảng” mà Doanh nghiệp Hòa Bình nhắc đến ở đây là gì, thưa ông?
Hòa Bình đang bằng tất cả nỗ lực và quyết tâm, đi tiên phong để biến ước mơ cháy bỏng “đưa Thương hiệu Quốc gia Hòa Bình trở thành niềm tự hào của ngành xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế” trở thành hiện thực. Để thực hiện được điều đó, chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Có phải vì thế mà từ một văn phòng xây dựng nhỏ vào năm 1987, qua 33 năm phát triển Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã vươn lên vị trí Số 1 của Top 10 Nhà thầu Xây dựng uy tín 2020. Theo định hướng “Hợp chuẩn quốc tế – Định vị thương hiệu”, Tập đoàn đặt ra chiến lược chuyển đổi từ một doanh nghiệp xây dựng hàng đầu trong nước thành công ty xây dựng quốc tế. Con người Hòa Bình theo đó cũng sẽ có cuộc “đổi thay”. Ông có thể cho biết cụ thể sự phát triển về nhân lực tại Tập đoàn?
Để phát triển ra thị trường xây dựng quốc tế, Hòa Bình đã đưa ra chiến lược tái cấu trúc toàn diện theo hướng phát triển bền vững, trong đó tái cấu trúc nguồn nhân lực là chìa khóa chính yếu. Tái cấu trúc nguồn nhân lực trên cơ sở xây dựng, sắp xếp, đào tạo, chọn lọc, bổ sung con người và kiến thức. Chúng tôi hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đủ năng lực làm việc tại môi trường toàn cầu. Tập đoàn thường xuyên chọn lọc và tổ chức đào tạo chuyên sâu, bổ sung kiến thức – kỹ năng cho các nhân sự tiềm năng, tạo đội ngũ kế thừa để đảm nhận vị trí quản lý, bao gồm các nội dung: Kỹ năng chỉ huy trưởng, định biên nhân sự, bố trí mặt bằng thi công, kế hoạch, báo cáo doanh thu, chuyên đề kỹ thuật, hợp đồng…
Trong buổi giao lưu với học sinh, sinh viên nằm trong chuỗi hoạt động của Kì thi Kĩ năng nghề quốc gia 2020, ông đã chia sẻ Chiến lược của tập đoàn Hòa Bình là định hướng ra thị trường toàn cầu. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này, thưa ông?
Thị trường xây dựng thế giới ngày càng phát triển nhanh trong quá trình toàn cầu hóa. Trên cơ sở nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam cần phát triển ra thị trường toàn cầu. Xuất phát từ chiến lược tâm huyết đưa ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam thành ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ vàng, Tập đoàn Hòa Bình mong muốn từ vị trí dẫn đầu trong nước vươn ra nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Hòa Bình sẽ là nhà thầu tiên phong xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra thị trường toàn cầu trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp và hạ tầng. Tiến xa hơn nữa, Tập đoàn cố gắng trở thành “đại sứ” cho người dân Việt Nam văn minh nhân ái và vị tha, đưa thương hiệu quốc gia Hòa Bình thành biểu tượng đẹp của đất nước Việt Nam.
Yếu tố con người ở Hòa Bình được nhắc đến, đó là phải đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu hóa. Các yếu tố này là gì thưa ông?
Chắc chắc con người Hòa Bình phải tự nâng tầm kỹ năng mới thích nghi được với môi trường thách thức mới. Trong đó, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhằm đạt được chứng chỉ thi công quốc tế và trình độ ngoại ngữ là hai vấn đề chính mà con người Hòa Bình phải cố gắng và hoàn thiện.
Tại Tập đoàn Hòa Bình, tôi có được nghe đến hệ thống E-Learning để toàn bộ cán bộ công nhân viên của Hòa Bình có thể học mọi lúc, mọi nơi, bao gồm các chứng chỉ từ thấp đến cao bằng tiếng Anh, đồng thời bổ sung các kiến thức từ quản lí dự án, giám sát xây dựng, các nghề liên quan xây dựng, từ lý thuyết đến thực hành. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Hệ thống đào tạo E-learning kết hợp chức năng quản trị đào tạo (LMS-Learning Management System) cung cấp các khóa học cho nội bộ cán bộ công nhân viên Hòa Bình. Các khóa học bao gồm tất cả các lĩnh vực chuyên ngành xây dựng, quản lý dự án, tài chính, đầu tư; giáo trình được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, tham khảo từ các học viện uy tín thế giới và Viện quản lý dự án Hoa Kỳ (PMI). Từ đó, CBNV Hòa Bình có thể chủ động sắp xếp tham gia các khóa học phù hợp với nhu cầu, định hướng phát triển nghề nghiệp của mình. Nhiều vị trí công việc trọng yếu tại công trường và văn phòng đã chủ động trao dồi để hoàn thiện, nâng cao năng lực bản thân.
Như ông đã nói, nền tảng bền vững của Tập đoàn Hòa Bình là con người. Vì vậy, ngoài việc bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng nghề cho cán bộ công nhân viên, Hòa Bình còn có những kí kết với 1 số đơn vị trường đào tạo nghề kĩ thuật cao để “đón đầu” được những sinh viên chất lượng cao. Ông có thể chia sẻ thêm, lí do nào nữa mà tập đoàn đã có những kí kết với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc bồi dưỡng sinh viên?
Ngày 27/02/2020, Tập đoàn Hòa Bình và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết văn bản Thỏa thuận Hợp tác với mục tiêu phát triển nhân lực trực tiếp, phục vụ cho ngành xây dựng nói chung, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế. Một trong những mục tiêu của việc hợp tác là nhằm hỗ trợ sinh viên có cơ hội tiếp cận môi trường làm việc thực tế, bồi dưỡng kỹ năng mềm cần thiết, đào tạo nguồn lực trong tương lai cho Tập đoàn. Đồng thời chương trình góp phần liên kết mật thiết giữa doanh nghiệp – nhà nước và trường học để trao đổi kinh nghiệm, kết nối thực tiễn và lý thuyết, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Con người Hòa Bình ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn giỏi, còn có những hoạt động gì để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, vị thế lên không, thưa ông?
Tập đoàn Hòa Bình yêu cầu nhân viên không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn, mà còn phải có lòng vị tha nhân ái, tinh thần sẻ chia đoàn kết. Tập đoàn tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ các hoạt động sinh hoạt tập thể teambuilding tạo sân chơi cho nhân viên, hoạt động thiện nguyện ở các vùng sâu vùng xa, xây dựng trường học, đóng góp cho đồng bào miền Trung gánh chịu lũ lụt. Định kỳ hàng năm chúng tôi cũng tổ chức hoạt động thi sáng tác viết, thơ ca về Tập đoàn để cán bộ nhân viên có thể hiểu rõ văn hóa Hòa Bình.
Nếu để nói bằng những cụm từ ngắn gọn về con người Hòa Bình, ông có thể nhấn mạnh trong những điểm nào, thưa ông?
Con người Hòa Bình vui vẻ lạc quan, hăng say phấn đấu theo cùng một hướng, tạo thành một sức mạnh lớn lao làm nên những kỳ tích. Con người Hòa Bình với “mọi bước đi vì một giá trị” luôn quyết tâm “chinh phục đỉnh cao” một cách hòa bình.
Nội dung: Hồng Phúc
Thiết kế: Thúy Anh
- [E-Magazine] Nguyễn Xuân Hào – Học nghề đã biến tôi từ thằng bé “ất ơ” thành sinh viên tiêu biểu
- [E-Magazine] Từ bỏ công việc nghìn đô, chàng trai trẻ theo đuổi dự án “Mentor hướng nghiệp”
- [E-Magazine] HCĐ Tay nghề thế giới Trần Nguyễn Bá Phước: “Học nghề giỏi là khả năng đặc biệt”
- [E-Magazine] Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Nhân Ái: Những con người làm việc bằng trái tim nhân ái, đôi tay chuyên nghiệp
- [E-Magazine] Những đứa trẻ ngây ngô… với trung thu ấm áp tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thuận Thành