12 làng nghề, mỗi làng nghề sẽ được hỗ trợ tối đa 5 nội dung, mỗi nội dung hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng để xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề.
Đây là nội dung trong Quyết định số 4787/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 26 /10 về việc phê duyệt danh sách làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung và mức kinh phí hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề.
Ảnh minh họa: Thợ thủ công làng nghề may áo dài An Trạch
Mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/ 1 làng nghề
Theo Quyết định, 12 làng nghề được hỗ trợ kinh phí gồm: Làng nghề Rèn thôn Vũ Ngoại (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa); Làng nghề Mộc Áng Phao (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai); Làng nghề truyền thống chế biến thuốc nam dân tộc Dao (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì);
Làng nghề truyền thống chế biến chè Phú Yên (xã Yên Bài, huyện Ba Vì); Làng nghề cót nan thôn Văn Quang (xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai); Làng nghề truyền thống mộc dân dụng và chế biến lâm sản Ngô Sài (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai);
Làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức); Làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì); Làng nghề truyền thống Quất cảnh Tứ Liên (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ);
Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ); Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ); Làng nghề thêu thôn Cổ Chất (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín).
5 nội dung hỗ trợ
Quyết định của UBND TP Hà Nội cho biết, mức hỗ trợ kinh phí cho mỗi làng nghề tối đa không quá 100 triệu đồng/nội dung. Mỗi làng nghề tối đa được hỗ trợ 5 nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định số 4787/QĐ-UBND.
Cụ thể gồm: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề; Đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, maketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề; Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Thành phố.
Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn kinh phí nghiệp vụ năm 2020 đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 4043/QĐ-UBND ngày 10/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội.
Việc hỗ trợ được thực hiện hỗ trợ trực tiếp thông qua đại diện của làng nghề được thụ hưởng.
UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về các hồ sơ trình duyệt có liên quan; Căn cứ Quyết định phê duyệt danh sách làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung và mức kinh phí hỗ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề của UBND Thành phố.
Các làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể có nhiệm vụ: Triển khai thực hiện xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề theo đúng hợp đồng đã ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã..
Cùng với đó, thực hiện quản lý, duy trì và phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề sau khi đã được Thành phố hỗ trợ.
Thùy Dương