28/10/2020 10:37:46

Tạo cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

Đây là đề xuất của các đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội và thanh niên tiêu biểu vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Trung ương Đoàn vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thanh niên là lực lượng nòng cốt để phát triển đất nước.

Thế hệ trẻ luôn là động lực phát triển trong tầm nhìn chiến lược

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận sự chủ động của Trung ương Đoàn trong việc sớm có cách thức và hình thức lấy ý kiến góp ý của đoàn viên, thanh niên. Đồng thời nhấn mạnh thế hệ trẻ luôn là động lực phát triển trong tầm nhìn chiến lược dài hạn đề ra trong các dự thảo văn kiện. “Thế hệ trẻ nên suy nghĩ về những thách thức cơ hội trong 5 năm, 10 năm, 15 năm tới. Thế hệ trẻ sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào để tận dụng được toàn bộ cơ hội. Học hành phải giỏi hơn để đổi mới sáng tạo, để ứng dụng khoa học công nghệ, để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao và vượt qua những thách thức”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nói.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp Đoàn, Hội, Đội tiếp tục nghiên cứu sâu, nhất là nội dung về thế hệ trẻ, thảo luận và đóng góp ý kiến tập trung cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này.

Tại hội nghị, nhiều điểm mới trong dự thảo các văn kiện đã được các đại biểu tham luận đóng góp ý kiến. Trong đó, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số được thế hệ thanh niên đặc biệt quan tâm. Không chỉ đổi mới mô hình tăng trưởng, những vấn đề về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng những hệ giá trị chuẩn mực của người Việt Nam cũng là những điểm mới trong dự thảo các văn kiện được thế hệ trẻ quan tâm.

Các đại biểu cho rằng, trong dự thảo văn kiện cần nêu rõ những cơ chế, chính sách cụ thể tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế để nhân tài quyết định gắn bó, cống hiến với cơ quan, đơn vị.

Theo TS. Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần đổi mới văn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi được học thường xuyên, liên tục, suốt đời. Bên cạnh “Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm” như trong dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định, đề nghị bổ sung chủ trương, giải pháp về cơ chế, chính sách để hình thành một số cơ sở đào tạo sư phạm đạt chất lượng cao trong khu vực. Đây là đòi hỏi của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phù hợp với đặc thù của lĩnh vực đào tạo sư phạm.

Cần xoay trục từ “giảm nghèo” sang “làm giàu”

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã góp ý về các giải pháp giữ ổn định xã hội. Trong đó, TS Hà Việt Quân, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban dân tộc, Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, cho rằng việc chênh lệch khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi là nguy cơ gây mất ổn định xã hội.

Ông Quân thẳng thắn cho biết, sau 35 năm đổi mới, nhưng một thực tế là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào thiểu số phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu – nghèo có xu hướng gia tăng giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với cả nước. “Đây là một vấn đề đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chúng ta chưa có một giải pháp hiệu quả nào có thể thu hẹp lại khoảng cách này, thậm chí còn đang đối mặt với nguy cơ phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng hơn, khoảng cách phát triển ngày càng xa hơn giữa dân tộc Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số và chính giữa các nhóm dân tộc với nhau”, anh Quân nói.

Theo ông Quân, tại Đại hội lần này, cần thiết phải xác định “chênh lệch khoảng cách phát triển là một trong những nguy cơ, thách thức cơ bản”; định hướng kịp thời cho cả hệ thống chính trị quan tâm, chú ý và cùng vào cuộc để tìm kiếm, tổ chức thực hiện những giải pháp cụ thể và sáng tạo để giải quyết thấu đáo thách thức kể trên. Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cần xác các định giải pháp đột phá cho giai đoạn tới về chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng xoay trục từ “giảm nghèo” sang “làm giàu”.

Ông Quân cho rằng, cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho những người dân tộc thiểu số biết sáng tạo phát triển sản xuất kinh doanh và làm giàu. Cần xây dựng những cá nhân này để họ trở thành những “đầu tàu” đưa cộng đồng phát triển.

 “Thanh niên sẽ là lực lượng lao động nòng cốt, có ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên với những thay đổi của xã hội, vì vậy, cần phải giao nhiệm vụ cho tầng lớp thanh niên như lực lượng tiên phong trong củng cố, gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc”, ông Quân nhấn mạnh.

Theo Baodansinh