Trước yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc việc rà soát, báo cáo nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên để hội đồng thẩm định cũ rà soát, thẩm định mà nên thành lập một hội đồng thẩm định độc lập khác.
Về chất lượng sách giáo khoa lớp 1, theo GS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới đáng lẽ ra phải đưa vào thực nghiệm ít nhất 1 năm trước khi đưa vào giảng dạy phổ cập. Trong quá trình thí điểm nếu thấy chưa phù hợp sẽ điều chỉnh, bổ sung. Trong trường hợp xấu là sách cần phải chỉnh sửa, bổ sung thì cũng chỉ ảnh hưởng trong 1 phạm vi nhỏ.
Theo GS. Trần Xuân Nhĩ, Bộ GD&ĐT cần sớm điều chỉnh cho phù hợp. Việc dừng lại hay thay thế sách giáo khoa ở thời điểm này là không phù hợp vì ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của học sinh.
“Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải chịu trách nhiệm chính và cần phải có những động thái nhất định để sửa chữa, khắc phục”, GS. Trần Xuân Nhĩ nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc chỉnh sửa sách và đưa vào giảng dạy ngay trong năm nay là rất khó khăn và rất khó thực hiện. Với Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu để giáo viên tổ chức dạy học, còn chương trình mới là “pháp lệnh”, nên chúng ta hoàn toàn có thể thay thế sách Tiếng Việt lớp 1 của Cánh Diều bằng sách sách của các nhà xuất bản khác.
“Các thầy cô có thể lựa chọn tất cả những cuốn sách khác và xây dựng bài tập riêng cho mình để dạy cho học sinh của mình. Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta phải dành quá nhiều thời gian cho vấn đề chỉnh sửa mà chỉ cần quyết định là quyển sách Cánh Diều không được học ở trường tiểu học nữa là xong.
Bởi từ nay cho đến 15/11, học sinh vẫn phải học theo cuốn sách cũ, từ 15/11 trở đi chúng ta cũng không biết chắc chắn là quyển sách sau khi chỉnh sửa nó đã thực sự ổn để mà các con học được hay không”, tiến sĩ Vũ Thu Hương bày tỏ.
Liên quan đến sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM phát hành, có một số nội dung chưa phù hợp, bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản, tác giả sách xây dựng phương án chỉnh sửa nội dung không phù hợp trước ngày 15/11.
Về hướng chỉnh sửa, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ sẽ in thêm một tài liệu chỉnh sửa.
“Những gì cần sửa sẽ được in bổ sung thêm và phát miễn phí cho tất cả các học sinh, giáo viên. Tác giả cũng thống nhất với cách làm như vậy. Hiện tại, nhà xuất bản đang phải thực hiện việc đó”, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Trước câu hỏi về trách nhiệm làm sách giáo khoa, ông Độ chia sẻ: “Luật đã nêu rõ rằng Bộ trưởng bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa. Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chịu trách nhiệm về mặt nội dung và kỹ thuật. Trong trường hợp này, quy trình làm sách cũng rất chặt chẽ. Chúng tôi cũng sẽ có đánh giá lại sau quá trình triển khai thực hiện”.
Về mức độ nặng nhẹ của Chương trình mới và chuẩn đầu vào lớp 1, ông Độ cho hay: “Cả nước đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Cụ thể, hiện nay 99,5% trẻ mầm non 5 tuổi đã được ra lớp. Bậc mầm non có chương trình mầm non 5 tuổi và có chuẩn đầu ra, đây là điều kiện đầu vào rất tốt cho lớp 1 (về nếp học, nếp chơi, làm quen với chữ cái, toán và khoa học, hoạt động tự học…).
Tuy nhiên năm nay, các cháu không được học hết lớp mầm non 5 tuổi nên khi vào lớp 1 có những khó khăn. Hơn nữa, trước đây sau tựu trường chúng ta còn có thời gian cho trẻ làm quen, ổn định tổ chức nhưng năm nay thì không.”
“Bộ GD&ĐT cũng tính theo nhiều ý kiến muốn ngày tựu trường với khai giảng trùng nhau, nhưng đối với trẻ mầm non lên tiểu học rất cần 2 tuần “0”, tức là 2 tuần trước khai giảng để ổn định nề nếp. Năm nay, các bé vào lớp 1 mà không có tuần “0” nên ban đầu bỡ ngỡ trong quá trình học. Các thầy cô đã rất cố gắng khắc phục những khó khăn này trong thời gian vừa qua”, ông Độ nói.
Bộ sách Cánh Diều đang được các trường lựa chọn nhiều nhất trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 đủ điều kiện bộ GD&ĐT phê duyệt trong năm học 2020-2021, tức chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
Một số địa phương 100% lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định. TP.HCM khoảng 20% trên tổng số trường tiểu học và Hà Nội có khoảng 50% số trường tiểu học lựa chọn bộ sách Cánh Diều. Vì vậy việc điều chỉnh nội dung sách thế nào được phụ huynh, giáo viên và học sinh rất quan tâm.
PV (th)