Hiện tòa chưa công bố lý do đưa đến quyết định này của thẩm phán Nicholas. Thời gian diễn ra phiên tòa đầy đủ cũng chưa được ấn định.
Theo phán quyết, thẩm phán Carl Nicholas đã cho phép ứng dụng TikTok tiếp tục có mặt trên các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ sau thời điểm nói trên.
Tuy nhiên trong phán quyết, thẩm phán Carl Nicholas đã không đưa ra lệnh chặn biện pháp hạn chế của Bộ Thương mại Mỹ dự kiến có hiệu lực vào ngày 12/11. Hạn chế có thể khiến người dùng Mỹ không thể sử dụng được ứng dụng này.
Tại phiên tòa, các luật sư của TikTok lập luận rằng lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vi phạm quyền tự do ngôn luận và thủ tục tố tụng. Theo luật sư John Hall, ứng dụng này với khoảng 100 triệu người dùng Mỹ, là “phiên bản hiện đại của quảng trường thành phố” và việc dừng hoạt động cũng giống như không cho người dân quyền được phát biểu.
Họ lập luận không có bằng chứng đáng tin cậy nào chứng minh các tuyên bố về rủi ro an ninh quốc gia của Trump và cáo buộc Tổng thống hành động vì động cơ chính trị để hỗ trợ chiến dịch tranh cử. Họ cũng cho rằng lệnh cấm là không cần thiết vì các cuộc đàm phán đã được tiến hành để cơ cấu lại quyền sở hữu TikTok nhằm giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia mà chính quyền đưa ra.
TikTok cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với Chính phủ Mỹ để biến đề xuất mà Tổng thống Trump đã phê duyệt sơ bộ vào cuối tuần trước thành một thỏa thuận.
Về phía bên kia, Bộ Thương mại Mỹ khẳng định cho biết họ sẽ tiếp tục bảo vệ lệnh hành pháp của mình theo cách phù hợp với pháp luật và thúc đẩy lợi lợi ích an ninh quốc gia.
Công ty chủ quản của TikTok, ByteDance, tuần trước đã yêu cầu tòa án dừng lệnh của ông Trump sau khi Tổng thống Mỹ yêu cầu TikTok bị cấm khỏi kho ứng dụng của Mỹ trừ khi công ty trên bán cổ phần tại Mỹ cho đối tác trong nước.
Lệnh cấm dự kiến có hiệu lực vào ngày 27/9, trong đó yêu cầu gỡ bỏ TikTok khỏi kho ứng dụng của Apple và Google. Đã có 100 triệu người Mỹ tải TikTok về điện thoại và 19 triệu người đang sử dụng thường xuyên ứng dụng này.
Trước đó, TikTok cho hay họ kịch liệt phản đối quan điểm của Nhà Trắng cho rằng, TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ. TikTok khẳng định tiến hành “các biện pháp nghiêm ngặt nhằm bảo mật và đảm bảo dữ liệu an ninh của người dùng tại Mỹ”.
TikTok cũng cáo buộc Tổng thống Trump “chính trị hóa” vấn đề căng thẳng thương mại khi ban hành sắc lệnh buộc TikTok nhượng lại hoạt động ở Mỹ hoặc phải đối mặt với lệnh cấm hoạt động.
Vào ngày 19/9, TikTok thông báo họ đã chuẩn bị một thỏa thuận, trong đó Oracle đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ và Walmart là đối tác thương mại tại Mỹ của nền tảng chia sẻ video này. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày trước khi lệnh cấm hoạt động tại Mỹ có hiệu lực đối với TikTok. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận “tuyệt vời” giữa TikTok, Oracle và Walmart, nói rằng ông “gửi lời chúc mừng” đến thỏa thuận này.
Sau đó 2 ngày, ByteDance cho biết, TikTok Global (công ty mới tại Mỹ để quản lý các hoạt động của TikTok trên toàn cầu) sẽ tiến hành một đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) để nâng cao cơ cấu quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch cho công ty sẽ giành quyền kiểm soát các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
ByteDance khẳng định TikTok Global không liên quan đến bất kỳ việc chuyển giao thuật toán hoặc công nghệ nào.
Tuy nhiên sau tuyên bố của ByeDance, ông Trump cho biết không chấp nhận phương án ByteDance tiếp tục nắm quyền kiểm soát các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
PV