Với thành tích trên 90% học sinh học song bằng ra trường có việc làm thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/tháng, trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế (Bắc Giang) đã áp dụng thành công “Chương trình 9+”.
Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế nằm ở trung tâm thị trấn Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang). Khuôn viên trường khá rộng với hệ thống các phòng học văn hóa, xưởng thực hành…Đây là một trong những cơ sở đào tạo nghề thành công trong việc triển khai mô hình 9+. Mô hình này đào tạo song hành học nghề và văn hóa, sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể tiếp tục học liên thông lên bậc cao đẳng, đại học và rút ngắn được thời gian đào tạo.
Từ năm 2016 đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo hơn 2.000 học sinh. Các lĩnh vực trường đào tạo gồm: Điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng, hàn, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc – gia cầm, thú y, may thời trang
Trong đó, một số nghề được nhiều học sinh theo học nhằm đón đầu nhu cầu của thị trường lao động như: Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô, may thời trang…
Phù hợp với học sinh miền núi hoàn cảnh khó khăn
“Đây là mô hình rất phù hợp với học sinh, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc miền núi vì đa số các em có hoàn cảnh khó khăn… Sau 3 năm học, các em có bằng trung cấp nghề có thể đi làm ngay và có bằng tốt nghiệp THPT có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học. Đối với tỉnh Bắc Giang, nghề may thời trang hiện thiếu lao động có tay nghề nên các em học xong là có việc làm ngay” – Cô Bùi Minh Tư, Trưởng khoa may thời trang (Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế) cho biết.
Hiện tại, nghề may thời trang của nhà trường có gần 600 học sinh đang theo học, chủ yếu là đối tượng học sinh nữ tốt nghiệp THCS, các em học song song 2 chương trình (chương trình văn hóa 3 năm, học nghề 2 năm). Nghề may thời trang hiện nay có nhiều thuận lợi, khi được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm có xe đưa đón đi làm, môi trường làm việc an toàn, trang thiết bị, máy móc hiện đại… Đặc biệt, thu nhập đối với các em học nghề may thời trang ra trường là rất ổn, từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.
Còn đối với học sinh nam, một trong số các nghề được đông đảo các em lựa chọn là Nghề điện tử với gần 500 em đăng ký. “Về cơ bản đối với nghề này trên 90% học sinh có việc làm. 10% còn lại các em có nguyện vọng học lên cao. Qua khảo sát các doanh nghiệp tiếp nhận học sinh nhà trường, thu nhập trung bình nghề điện tử trung bình từ 7 – 9 triệu đồng/tháng” – Thầy Hoàng Thanh Hiếu, Trưởng Khoa điện, điện tử cho biết.
Học sinh Ninh Thị Phượng (SN 2004) đang theo học nghề điện tại trường chia sẻ, sau khi học hết lớp 9, em quyết định đi học nghề điện tử dân dụng vì thấy phù hợp với bản thân và thị trường lao động.
“Gia đình em thuộc hộ nghèo của xã. Mẹ em bị bệnh, phải điều trị thuốc hàng tháng. Em thấy học theo mô hình 9+ là con đường ngắn nhất để đi làm. Khi bạn bè cùng tuổi còn đi học hoặc chưa tìm được việc, em đã có thể có bằng nghề, việc làm và thu nhập để nuôi mẹ”, Phượng chia sẻ.
Phượng cũng cho biết, chương trình học văn hóa tại đây không bị áp lực nhiều bài vở. Các thầy cô dạy rất dễ hiểu, kiến thức và kỹ thuật không quá khó, chương trình học cũng vừa sức.
Đến từng nhà, xuống từng địa bàn tuyển sinh
Những năm gần đây, từ khi Luật GDNN có hiệu lực, công tác tuyển sinh nghề đã có nhiều khởi sắc, kết quả tốt nghiệp trung cấp nghề của Trường đạt từ 98% đến 100%, học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 98 – 100%. Hàng năm, nhà trường có hơn 90% học sinh tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng có việc làm ngay với thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/tháng
Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế đánh giá, mô hình này là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số 4.0. Nhiều bạn trẻ sau khi kết thúc chương trình THCS đã chủ động đăng kí theo học mô hình đào tạo 9+ ở các trường trung cấp và cao đẳng. Hiệu quả của mô hình 9+ được thể hiện rõ hơn qua số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp tăng từ 5% vào cuối năm 2014, lên 15% vào cuối năm 2019.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thì cơ hội lựa chọn học nghề theo mô hình 9+ rộng mở hơn, theo đó người học có thể đăng ký học ở nhiều trình độ: Trung cấp, cao đẳng, đại học để có bằng kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành.
“Để thu hút các em học sinh học nghề, các cán bộ giáo viên của nhà trường đến từng gia đình, đến từng thôn, bản để vận động các em. Ngoài ra thông qua các trưởng thôn, trưởng bản, truyền thông qua hệ thống loa đài, các cuộc họp hội đoàn thể địa phương… để thay đổi nhận thức của người dân về học nghề.” – bà Hồng cho biết.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2019-2020 nhà trường vẫn đạt được kết quả cao. Cụ thể, nhà trường đã tổ chức đào tạo 47 lớp nghề hệ trung cấp cho 1.260 học sinh, trong đó có 31 lớp học tại trường và 16 lớp liên kết đào tạo, có 181 học sinh được cấp học bổng khuyến khích học nghề.
Đó là thành tích đáng tự hào của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nỗ lực nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hiện, 100% cán bộ, giáo viên của trường có trình độ đại học, trong đó hơn 20% cán bộ, giáo viên là thạc sĩ.
Theo Vietnamnet, baodansinh.vn