Để thích ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ buộc các DN không ngừng đổi mới trang thiết bị, công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, điều này đồng nghĩa với việc NLĐ cần chủ động nâng cao tay nghề phù hợp với dây chuyền sản xuất công nghệ mới.
Đa dạng phương thức đào tạo giúp NLĐ nâng cao tay nghề
Theo số liệu của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 KCN đang hoạt động với tổng số 25.400 lao động làm việc tại 73 đơn vị, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không ngừng đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất mới đáp ứng chất lượng sản phẩm, nhu cầu thị trường, đồng thời, đảm bảo các tiêu chí về điều kiện môi trường làm việc của lao động.
Các KCN giúp thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nhưng số chưa qua đào tạo chiếm tới 80% tổng số công nhân trong KCN (khoảng 20.000 người). Tuy nhiên hầu hết lao động chưa qua đào tạo sau khi tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp trong KCN đều được đào tạo tay nghề để đáp ứng yêu cầu đặc thù sản xuất của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tay nghề đạt 100%, gồm lao động qua đào tạo có chứng chỉ (18%) và lao động do doanh nghiệp tự đào tạo (không có chứng chỉ) chiếm 82%.
Trước cách mạng công nghiệp 4.0 các doanh nghiệp phải thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất với tỷ lệ tự động hóa cao. Do vậy, lao động không có tay nghề hoặc làm việc giản đơn sẽ bị cắt giảm. Điều này tạo ra áp lực rất lớn không chỉ trực tiếp cho người lao động, mà còn với tổ chức công đoàn.
Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc tham mưu cho người sử dụng lao động đổi mới công nghệ máy móc vào sản xuất cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động; đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động để sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ông Đỗ Cao Thượng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: LĐLĐ tỉnh đã triển khai thực hiện đề án công đoàn tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động, giai đoạn 2020-2023 và định hướng năm 2030. Chúng tôi chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở, nhất là khu vực có KCN, CCN đứng chân để nắm bắt đánh giá, đồng thời cùng công đoàn cơ sở phối hợp tham gia với người sử dụng lao động đầu tư, đổi mới công nghệ cũng như đào tạo lao động để thích ứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất: Doanh nghiệp và NLĐ cùng có lợi
Công ty TNHH Điện tử Vạn Lực Việt Nam (KCN Cái Lân, TP Hạ Long) là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chuyên sản xuất bật lửa xuất khẩu.
Nếu như trước đây chỉ có một số công đoạn làm bằng máy móc còn lại làm thủ công nên tiến độ cũng như chất lượng sản phẩm đạt thấp, từ năm 2016, Công ty đã đưa 10 rô bốt vào bộ phận lắp ráp thay công đoạn làm bằng tay giúp năng suất tăng lên gấp 3 lần.
“Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, hàng năm chúng tôi phối hợp với chuyên môn tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, hướng dẫn quy trình vận hành, thao tác các thiết bị máy móc được trang bị mới để người lao động tiếp cận và nắm rõ trong việc vận hành an toàn. Hiện nay, Công ty TNHH Điện tử Vạn Lực Việt Nam có khoảng 400 lao động, bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng 10 triệu bật lửa xuất khẩu.” – Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết.
Ông Bùi Đức Tùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam Chi nhánh tại Quảng Ninh chuyên sản xuất dây dẫn điện cho ô tô, cho biết: Công ty có những tiêu chuẩn về đào tạo cho người lao động, nhất là lao động tuyển dụng mới sẽ được hướng dẫn các thao tác sử dụng thiết bị máy móc tại Công ty. Sau khi làm quen, Công ty sẽ bố trí xuống bộ phận sản xuất, giao cho lao động có tay nghề trực tiếp hướng dẫn đào tạo chuyên sâu. Khi sử dụng vận hành thành thạo trên thiết bị máy móc, Công ty sẽ cấp thẻ vận hành máy cho lao động.
Sau 8 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái) đã không ngừng nâng cấp, cải tạo trang thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất dệt sợi. Để vận hành máy mới, theo bà Trần Thị Thúy, Chủ tịch Công đoàn Công ty, hàng năm công đoàn phối hợp chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho người lao động, tổ chức các cuộc thi tay nghề để lựa chọn những cán bộ quản lý giỏi từng lĩnh vực sản xuất làm hạt nhân đào tạo cho người lao động.
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất là “bước đi” không thể thiếu cho mỗi DN, song song với đó, ứng dụng công nghệ cũng đem lại nhiều lợi ích cũng như cơ hội thăng tiến trong công việc cho người lao động.
Thúy Anh (Tổng hợp)