15/09/2020 12:12:54

Kiểm soát dịch bệnh khi “mở cửa” hàng không ra sao?

Từ hôm nay, một số đường bay quốc tế bắt đầu mở cửa trở lại sau hơn năm tháng tạm ngưng khai thác do dịch COVID-19. Trong đó, vấn đề phòng dịch được đặt lên hàng đầu.

Giai đoạn đầu từ ngày 15/9, Việt Nam sẽ mở bốn đường bay quốc tế thường lệ giữa TP.HCM, Hà Nội đi Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Cuối tháng 9 sẽ mở tiếp hai đường bay thường lệ đến Campuchia, Lào. Như vậy sẽ có sáu đường bay thương mại quốc tế được khôi phục sau thời gian dài tạm ngưng khai thác. Trong đó, các hãng bay của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác sẽ chia đôi số chuyến bay.

Việc mở cửa bầu trời chưa áp dụng với khách du lịch, hành khách được ưu tiên là nhà ngoại giao, nhân viên công vụ, công dân Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu về nước. Bên cạnh đó sẽ ưu tiên người Việt đi xuất khẩu lao động, chuyên gia nước ngoài trình độ cao sang Việt Nam. Ba sân bay quốc tế do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khai thác là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ sẽ tiếp nhận khách nhập cảnh.

Theo dự kiến, khi Việt Nam “mở cửa lại bầu trời”, nối lại đường bay quốc tế với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia và Lào trong thời gian tới, dự kiến trong tháng 10 sẽ có khoảng 20.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam.

Điều quan trọng hiện nay là tổ chức xét nghiệm COVID-19, cách ly như thế nào để hành khách nhập cảnh không làm xuất hiện các ổ dịch mới. Đặc biệt, xét nghiệm và cách ly như thế nào để đảm bảo thuận tiện cho người mới nhập cảnh, chưa kể chi phí xét nghiệm ở mức chấp nhận được. Yêu cầu nhanh, rẻ, chính xác là một trong những mục tiêu của ngành y tế.

Hiên nay, đã có 3 doanh nghiệp được mời cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại sân bay từ 15-9; một doanh nghiệp trong số này cho biết hoàn toàn đủ năng lực cung cấp dịch vụ tại tất cả các sân bay, cửa khẩu, trước mắt có thể trả 5.000 kết quả xét nghiệm COVID-19 sau mỗi giờ, 50.000 mẫu/ngày, sau này công ty có thể trả 250.000 kết quả/ngày.

Với năng lực này, giai đoạn đầu có 20.000 khách nhập cảnh/tuần công ty đáp ứng được ngay, chỉ cần sân bay cung cấp mặt bằng để lập phòng xét nghiệm, đặt tủ an toàn sinh học cấp 2. Về thời gian trả xét nghiệm, doanh nghiệp này cho biết tối đa sau 6 giờ khách nhập cảnh sẽ được trả kết quả xét nghiệm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tham gia dịch vụ này sẽ phải tham gia một cuộc đấu thầu tổ chức rộng rãi tới đây nhằm chọn nhà cung cấp có năng lực và có mức giá phù hợp nhất.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – thứ trưởng Bộ Y tế, hiện đã có nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm thông báo mức phí 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm tại sân bay, tương đương mức phí bảo hiểm đang chi trả.

“Nhưng nếu cho phép áp dụng xét nghiệm bằng phương pháp trộn mẫu, chi phí xét nghiệm rẻ hơn thì mức phí cũng rẻ hơn” – ông Sơn cho biết. Phương pháp trộn mẫu là trộn 5 mẫu bệnh phẩm của 5 người vào xét nghiệm 1 lần.

Khi lượng hành khách tăng lên sẽ có điều chỉnh phù hợp, theo hướng ưu tiên xét nghiệm nhanh, thời gian cho kết quả 30 – 60 phút, như vậy hành khách sẽ phải chờ ở sân bay thêm 1,5 – 2 giờ cho khâu xét nghiệm tại chỗ. Sau đó, nếu âm tính thì họ được về nhà hoặc cơ sở lưu trú ngay.

Ngay trong thời gian trước mắt, cuối tuần trước các cơ quan chức năng đã họp và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề xuất một số phương án. Cụ thể với người nhập cảnh đến từ 6 thành phố/vùng lãnh thổ là Seoul (Hàn Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Campuchia và Lào, đề nghị rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 5-7 ngày với nhóm khách chuyên gia, doanh nghiệp đến làm ăn, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại (sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính), thay vì cách ly 14 ngày như hiện nay. Riêng công dân Việt Nam về nước vẫn cách ly 14 ngày như bình thường.

Với người đến từ các thành phố khác của các quốc gia kể trên, Bộ Y tế cũng đề xuất áp dụng phương án cách ly riêng, nhưng nếu hành khách đã di chuyển đến 6 thành phố/vùng lãnh thổ này 1 tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến Việt Nam thì áp dụng cách ly tương tự nhóm đến từ Tokyo, Quảng Châu, Đài Loan…

PV (th)