Từ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thời gian qua, chuyển đổi số (CĐS) đã cho thấy những lợi thế lớn, trở thành xu thế tất yếu trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Năm học mới bắt đầu, CĐS đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong hệ thống giáo dục ở mọi cấp học.
Khó mấy cũng phải làm!
Hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam tác động lên khoảng 24 triệu giáo viên, học sinh, sinh viên đang công tác và học tập khắp các cơ sở giáo dục trên cả nước. Vì thế, CĐS trong giáo dục đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Trước diễn biến dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hướng dẫn về mô hình E-Learning cho các trường. Tuy nhiên, để thực hiện CĐS thành công trong ngành giáo dục, đòi hỏi sự sẵn sàng từ cả hai góc độ về hạ tầng cơ sở và con người.
Ở góc độ của cơ sở giảng dạy, TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội nêu quan điểm: Khó mấy cũng phải làm, bởi CĐS là yêu cầu bắt buộc để giáo dục đáp ứng yêu cầu học tập của người dân. Trước mắt, các cơ quan hữu quan cần ban hành cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho CĐS trong toàn ngành giáo dục. Đó là các chính sách liên quan đến học liệu như sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, an toàn thông tin mạng. Còn với người dạy, người học là những vấn đề liên quan đến điều kiện tổ chức dạy – học trên mạng, kiểm định chất lượng, tính pháp lý và công nhận kết quả khi dạy – học trực tuyến.
Một yêu cầu tiên quyết và bắt buộc là để triển khai CĐS, chúng ta phải có nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông đáp ứng yêu cầu triển khai hoạt động. Cùng với đó là cơ sở vật chất cơ bản phải được trang bị đồng bộ trong toàn ngành, bảo đảm việc quản lý, dạy – học có thể được thực hiện một cách bình đẳng giữa các địa phương, nhà trường có điều kiện hoàn cảnh kinh tế khác nhau, TS.Trương Tiến Tùng lưu ý thêm.
Được biết, Bộ GD&ĐT cũng đang thúc đẩy những yếu tố nền giúp đẩy mạnh CĐS trong hệ thống giảng dạy, đáp ứng những đòi hỏi thực tế đặt ra như hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội đã nêu ở trên. Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng kho bài giảng online, nâng cao kỹ năng thiết kế giáo trình trực tuyến của giáo viên. Bên cạnh đó, Bộ cũng tạo hành lang pháp lý, ban hành các Thông tư về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đại học; quy chế cho phép E-Learning kết hợp đào tạo chính quy. Đồng thời đang dự thảo thông tư về quản lý tổ chức các hoạt động trực tuyến trong trường phổ thông. Với sự phối hợp của các chuyên gia, sẽ đẩy mạnh E-Learning tại các cấp học, nhất là đại học, hướng tới các trường công nhận tín chỉ học trực tuyến.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Ứng dụng CNTT là một trong chín nhóm nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục xác định để có thể triển khai hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Hàng loạt chính sách thúc đẩy CĐS trong giáo dục cũng đã được ban hành, dần hoàn thiện hành lang pháp lý như các quy định ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, quy định quản lý, vận hành sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn ngành, mô hình ứng dụng CNTT trường phổ thông, chuẩn dữ liệu kết nối; hướng dẫn nhiệm vụ CNTT cho khối đại học, khối phổ thông hằng năm và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành khác. Toàn ngành giáo dục đã triển khai số hóa, xây dựng CSDL dùng chung từ Trung ương đến 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT và khoảng 53.000 cơ sở GD. Hiện nay đã số hóa và định danh dữ liệu của khoảng 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu người học.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho CĐS, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tin học sẽ được đưa vào giảng dạy bắt buộc ngay từ lớp 3. Nhiều năm qua, giáo dục STEM cũng được lồng ghép trong các môn học, gắn việc học của học sinh thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán và hiện tượng trong cuộc sống đã và đang đem lại hiệu quả tích cực. Cùng với đó, các hoạt động giáo dục trực tuyến cũng không phải hình thức học tập xa lạ, bởi một số trường học, trung tâm giáo dục đã áp dụng phương pháp này. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với các doanh nghiệp CNTT triển khai một số mô hình đào tạo E-Learning, thiết kế thi trực tuyến,… Các hoạt động này đã ít nhiều tạo ra sự thay đổi trong thói quen của người học và người dạy.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, việc triển khai dạy – học trực tuyến, áp dụng khoa học – công nghệ ở các nhà trường còn mới mẻ ở nhiều địa phương khi cơ sở hạ tầng Internet chưa đáp ứng, hệ thống băng thông chiếm dụng gây nghẽn mạng cục bộ. Đặc biệt ở những vùng khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chưa có thiết bị truy cập mạng, hoặc phải dùng điện thoại di động của cha mẹ, nên việc tổ chức hình thức dạy – học trực tuyến có thể nói là rất khó thực hiện.
Tại nhiều nhà trường, cơ sở vật chất thiếu thốn đối với cả hoạt động dạy học thường ngày chứ đừng nói đến phục vụ giảng dạy online. Thậm chí, ngay cả với các trường có thể triển khai hoạt động dạy học trực tuyến, các thầy cô cũng gặp khó khi đánh giá chất lượng, kiểm tra từng học sinh bởi việc tự học của các em đặt ra thách thức lớn. Thêm nữa, một điều cần thay đổi đó là thói quen và tư duy của học sinh, sinh viên, từ việc sắp xếp thời gian biểu sao cho hợp lý, chuyển phương thức học truyền thống sang học online. Muốn vượt qua những rào cản đó – để nền giáo dục của Việt Nam bắt kịp đòi hỏi của thời đại, sẽ rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành và mỗi cá nhân.
Tính đến nay, hơn 100 trường đại học trên cả nước có đào tạo trực tuyến, công nhận kết quả học online. 28 đài truyền hình trên cả nước phát sóng các chương trình dạy trực tuyến. Hơn 2.000 bài giảng tập hợp trên kho học liệu, chia sẻ cho học sinh.
Trà My (T/h)