Trung Quốc đã xác nhận nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 do một số công ty trong nước phát triển.
Zheng Zhongwei, lãnh đạo ban chuyên trách phát triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc, trả lời CCTV rằng giới chức nước này đã chuẩn bị các biện pháp đi kèm như phát mẫu xác nhận đồng thuận y tế, giám sát tác dụng phụ, lên kế hoạch giải cứu, kế hoạch bồi thường.
“Chúng tôi đã chuẩn bị các gói kế hoạch… để đảm bảo việc sử dụng khẩn cấp được quản lý và giám sát kỹ lưỡng”, quan chức này nói.
Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp dựa trên luật quản lý vaccine của Trung Quốc. Quyết định sẽ cho phép nước này sử dụng một số vaccine tiềm năng hiện chưa được cấp phép. Vaccine sẽ dành cho những nhóm có rủi ro lây nhiễm cao trong một thời hạn nhất định.
Bằng cách tiêm ngừa trước cho các nhóm đặc biệt, đơn cử là nhân viên y tế và công chức, biện pháp cấp phép sử dụng khẩn cấp sẽ tạo điều kiện để các thành phố duy trì hoạt động bình thường khi có khủng hoảng xảy ra.
Các biện pháp tương tự cũng được hợp pháp hóa ở nhiều quốc gia. Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) cho phép sử dụng các sản phẩm y tế chưa được phê duyệt trong trường hợp khẩn cấp cần chẩn đoán, điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh và bệnh lí đe dọa tính mạng.
“Chúng tôi có kế hoạch mở rộng qui mô nhóm tiêm ngừa để chuẩn bị tốt hơn cho làn sóng dịch tiếp theo vào mùa thu và mùa đông”, Zheng cho biết.
Cùng ngày, Trung Quốc đã cấp phép thử nghiệm trên người cho một loại vaccine Covid-19 đang được phát triển ở Thành Đô. Kết quả xét nghiệm trên động vật được đánh giá khả quan trong ngăn chặn lây nhiễm virus corona và chưa phát hiện tác dụng phụ.
Theo cơ quan quản lý sản phẩm y tế Trung Quốc, ít nhất 8 vaccine tiềm năng đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng tại nước này, ở những giai đoạn khác nhau.
Trước đó, giới chức Trung Quốc cho biết đã bắt đầu đưa vaccine phòng dịch COVID-19 thử nghiệm vào sử dụng cho những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh từ hồi tháng 7 vừa qua, cụ thể là cho những nhân viên thuộc các công ty nhà nước trước các chuyến đi công tác nước ngoài.
Mục đích của chương trình trên là để tăng cường miễn dịch cho các nhóm có nguy cơ đặc biệt như các nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, giao thông và dịch vụ.
Giới chức có thể cân nhắc điều chỉnh quy mô các chương trình sử dụng vaccine khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong mùa thu và mùa đông tới. Theo quan chức này, Chính phủ Trung Quốc ban hành hướng dẫn sử dụng vaccine thử nghiệm có tiềm năng cho các trường hợp khẩn cấp từ ngày 24-6 nhưng không công bố rộng rãi.
Hồi tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) Liu Jingzhen cho biết, loại vaccine phòng COVID-19 tiềm năng của hãng này sẽ có giá không quá 1.000 NDT (144 USD) cho 2 liều. Nhưng ông Zheng Zhongwei cho biết, giá thực tế chắc chắn sẽ thấp hơn mức giá mà Chủ tịch Sinopharm dự tính.
Theo WHO, hiện có hơn 160 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó 29 loại đã được đưa vào giai đoạn thử nghiệm trên người. Đáng chú ý, vaccine của Công ty AstraZeneca dựa trên các nghiên cứu của do Đại học Oxford cho kết quả khả quan nhất.
Nhiều nước cũng đã đạt được thỏa thuận với AstraZeneca để đảm bảo nguồn cung vaccine này ngay khi giai đoạn thử nghiệm sau cùng đạt kết quả tốt và được cấp phép đưa vào sử dụng. Hiện Nga sở hữu vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 do Trung tâm Gamaley phát triển và được đặt tên là Sputnik V. Vaccine này được đăng ký lưu hành ngày 11-8 sau các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng.
PV (th)