15/08/2020 8:51:59

Vì sao nên đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip?

Bộ Công an vừa đề xuất Thủ tướng xây dựng dự án căn cước công dân, trong đó đưa ra phương án gắn chip điện tử vào thẻ căn cước.

Thẻ căn cước công dân gắn chip có nghĩa là trên thẻ có gắn chip điện tử thay vì loại thẻ căn cước công dân mã vạch 2 chiều hiện hữu. Tuy nhiên, tính năng của loại thẻ mã vạch hạn chế hơn nhiều so với thẻ gắn chip về khả năng tương tác với các thiết bị đọc, tốc độ truy xuất dữ liệu cũng như khả năng chứa dữ liệu.

Thẻ căn cước công dân mã vạch chủ yếu chứa các thông tin, dữ liệu cá nhân phục vụ cho cơ quan quản lí. Trong khi đó, thẻ gắn chip có khả năng chứa dữ liệu lớn, được hiểu là nhiều loại thông tin dữ liệu khác nhau từ bằng lái, thông tin cư trú, bảo hiểm phương tiện, y tế… tùy theo độ mở và sự phân lớp quản lí được phân cấp.

Thẻ căn cước công dân gắn chip cũng có thể được tích hợp tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, ví điện tử… qua đó giúp cho việc thanh toán một chạm, không dùng tiền mặt, thuận tiện không cần phải mang theo ví chứa đựng nhiều loại giấy tờ hoặc thẻ rườm rà, lại còn dễ bị thất lạc, mất mát.

Theo Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, nếu được Chính phủ phê duyệt và đáp ứng được các yêu cầu thì từ tháng 11/2020 sẽ bắt đầu cấp CCCD gắn chip trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Huệ, người dân đã được cấp thẻ CCCD dạng mã vạch vẫn sử dụng bình thường, khi hết thời hạn sử dụng thì mới đổi lại thẻ CCCD có gắn chip. Tương tự, người dân đã được cấp thẻ CMND loại 12 số cũng không phải thay đổi.

Về lý do đổi thẻ CCCD có chip điện tử, ông Huệ cho biết thẻ CCCD hiện nay dùng mã vạch. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và quan điểm của Chính phủ, mã vạch 2 chiều hiện nay không phát huy được lợi thế khi muốn tích hợp thêm thông tin và thực hiện Chính phủ điện tử. “Vì thế, Bộ Công an báo cáo triển khai cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử. Ngoài ra, hiện nay doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã sản xuất được chip điện tử nên giá thành rẻ, ưu thế hơn mã vạch” – ông Huệ giải thích.

Trên thế giới, EU là khu vực đã áp dụng loại thẻ căn cước công dân gắn chip từ khá sớm. Tuy nhiên điều bất ngờ hơn nữa là, thẻ căn cước công dân gắn chip hay còn gọi là thẻ căn cước công dân điện tử (e-ID) lại được một quốc gia nhỏ bé ở vùng Trung Á là Estonia áp dụng đầu tiên. Estonia cũng là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng thành công chính phủ điện tử mà nay chuyển sang thành chính phủ số với e-ID là nồng cốt trong quản lí công dân, xã hội cũng như cung cấp các tiện ích về dịch vụ hành chính công.

Đặc biệt, với thẻ căn cước công dân gắn chip còn giúp quản lí, giám sát từ xa hỗ trợ cho người dân cũng như công tác quản lí. Khả năng tương tác, kết nối và truy xuất các dữ liệu từ chip cũng nhanh hơn. Tính bảo mật của thẻ căn cước công dân gắn chip cũng cao hơn.

Đến nay, cơ quan chức năng đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và CCCD, còn khoảng 80 triệu người chưa được cấp (trong đó có khoảng 30 triệu người dưới 14 tuổi).

Trong trường hợp cuối năm 2020, khi bắt đầu cấp thẻ CCCD gắn chip, sẽ có đồng thời 4 mẫu căn cước cùng có hiệu lực, có giá trị sử dụng gồm: CMND (9 số), CMND (12 số), CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.

Sau khi Bộ Công an kiến nghị ngừng đổi thẻ CCCD để chờ đổi thẻ CCCD có gắn chip, nhiều ý kiến cho rằng việc này gây tốn kém ngân sách, phiền hà cho người dân.

PV