10/08/2020 9:12:54

Xử lý các sản phẩm gắn bản đồ Việt Nam sai lệch chủ quyền ra sao?

Một số website, ứng dụng thương mại điện tử vẫn bán các sản phẩm có dán bản đồ Việt Nam thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết nhận được văn bản của Bộ Thông tin và truyền thông phản ánh một số website, sàn thương mại điện tử đang bán các sản phẩm có dán bản đồ Việt Nam thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia.

Cụ thể, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân, thương nhân có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính xe, thân xe và khung biển số xe nhưng thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những sản phẩm thiết kế dán sẵn hình ảnh bản đồ vi phạm này đang được bán tự do trên một số website, ứng dụng thương mại điện tử.

Nhằm tránh những tác động xấu đến thị giác của người dân và du khách nước ngoài, hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo về lâu dài, gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các tổ chức, cá nhân kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ ngay các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng thương mại điện tử.

Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm nêu trên và các hành vi kinh doanh vi phạm khác.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số việc gỡ bỏ này cần được thực hiện trước ngày 13/8.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản gửi đến Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ GTVT về việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia.

Qua theo dõi nắm tình hình, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện tình trạng có nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân và tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số xe nhưng không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Khung biển số ô tô, mô tô, xe gắn máy thiết kế dán sẵn hình bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa được sản xuất hàng loạt và bán tự do trên thị trường nhiều tỉnh, thành cả nước cũng như một số sàn giao dịch điện tử như Shoppe, Lazada… Các khung biển số này có thể dễ dàng lắp ráp vào biển số xe do cơ quan chức năng cấp.

Trong tuần cuối tháng 7, Bộ Giao thông vận tải cũng có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong quá trình tiếp nhận phương tiện đến đăng kiểm phải lưu ý công đoạn kiểm tra tổng quan phương tiện. Nếu phát hiện phương tiện có dán, gắn hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên kính, thân xe và khung biển số xe thì cảnh báo ngay cho chủ phương tiện để có biện pháp bóc, gỡ ngay các hình ảnh vi phạm quy định của pháp luật về chủ quyền ra khỏi phương tiện…

PV (th)