03/08/2020 11:05:12

Hướng tới giáo dục liên thông giữa các nước ASEAN

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong Hội nghị quốc tế Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA – ECC): “Các nước cần hướng tới công nhận và hợp pháp hoá việc liên thông giáo dục trong khối thành viên ASEAN, đặc biệt trong đào tạo trực tuyến”.

Vấn đề liên thông giáo dục trong khu vực ASEAN

Chia sẻ khó khăn của ngành giáo dục trong đại dịch Covid-19 và hai giải pháp quan trọng để tăng hiệu suất giáo dục, khai thác cũng như phát huy tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực trong khu vực, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đó là thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và liên thông trình độ trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tham luận tại Hội nghị

Bộ trưởng còn cho biết, không chỉ khi đại dịch bùng phát và lan rộng, mà trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Bộ GD-ĐT đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình, hướng dẫn công nhận kết quả dạy học trực tuyến.

Bộ trưởng nói thêm: “Qua những trao đổi nội khối về kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục, tôi nhận thấy chúng ta đều đang chứng kiến việc các trường học bắt đầu ứng dụng công nghệ. Đó có thể là thay thế lớp học truyền thống bằng các công cụ livestream. Có thể là giao bài về nhà trên các nền tảng giáo dục trực tuyến. Ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, hầu hết các trường học có thể duy trì dạy và học online toàn phần hoặc bán phần trong giai đoạn giãn cách xã hội”.

Về vấn đề liên thông trình độ trong khu vực ASEAN, Bộ trưởng nhìn nhận, con người là nguồn tài nguyên quý giá nhất và tập trung tối ưu hóa hiệu suất nguồn nhân lực nên phải là ưu tiên hàng đầu. Việc người lao động, sinh viên, học sinh tốt nghiệp ở đất nước này có thể tiếp tục học tập và làm việc ở một nước thành viên khác mà không mất thời gian gián đoạn chuyển tiếp là điều cần quan tâm.

Theo Bộ trưởng, không chỉ giới hạn trong liên thông giáo dục, mà quan trọng hơn là làm thế nào để tối ưu hóa nguồn nhân lực trong khu vực. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo.

Chìa khóa để đi cùng nhau xa nhất

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở trình độ cao (MRAs), trình độ trung bình và thấp (MRS).

Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, cho tới nay đã phát triển được 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 3 trường đại học của Việt Nam. Đây là một dấu mốc lớn trong công nhận một cách công bằng về chất lượng lao động giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN.

Hình ảnh tại các điểm cầu trực tuyến

Bộ trưởng trao đổi và khẳng định, liên thông trong giáo dục chỉ có giá trị khi các xác nhận đó được công nhận trong thực tế: “Mặc dù vậy, nhìn về tương lai, chúng ta vẫn nhận thấy nhiều điều phải làm và nhiều rào cản cần vượt qua. Rõ ràng các trường đại học và các cơ quan quản lý giáo dục đại học của các nước thành viên cần có những bước tiến xa hơn nữa trong việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo cũng như xây dựng cơ chế giám sát chung hài hòa, thống nhất”.

Cho rằng, đây là thời điểm các nước ASEAN cần phải quy hoạch và đổi mới định hướng phát triển của khu vực, người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam đồng thời nếu quan điểm về việc các nước phải cùng ngồi lại, nhìn về tương lai xa hơn để thấy điểm giao nhau trong tầm nhìn của mỗi nước.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chìa khóa để có thể đi cùng nhau và đi xa, để đạt đến mục tiêu chung dài hạn chính là thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên.

Để làm được điều này, ngoài cấp thiết phải xây dựng hạ tầng công nghệ và đồng bộ hệ thống giải pháp số xét trên nền tảng phát triển công nghệ hiện nay thì quan trọng hơn cả trong cuộc họp cấp nghị viện này là các nước thành viên phải có những trao đổi, thảo luận để xây dựng được hành lang pháp lí, hướng tới công nhận và hợp pháp hóa việc liên thông giáo dục giữa các nước trong khối thành viên, đặc biệt trong đào tạo trực tuyến.

“Đó là con đường mà chúng ta có thể xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm cũng như tầm nhìn khu vực. Chúng ta đã cùng đi một chặng đường dài, cùng vượt qua những thách thức với tư cách là một cộng đồng chung. Với cam kết rõ ràng và quyết tâm thực hiện, chúng ta sẽ có thể tiếp tục nỗ lực và đạt tới thành công, cùng nhau gây dựng một cộng đồng bền vững trong tương lai””, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Phương Thu (T/h)