14/08/2024 8:08:08

Thi tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2024 theo Chương trình EPS:

90% thí sinh đỗ kỹ năng nghề nhưng chỉ 58% đỗ tiếng Hàn

Theo Trung tâm lao động ngoài nước, kỳ thi tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2024 số lượng thí sinh đăng ký thi tăng đột biến. Kết quả 90% thí sinh nhóm ngành nông, ngư nghiệp và xây dựng đỗ kỹ năng nghề nhưng chỉ  58% đạt yêu cầu về tiếng Hàn.

Lao động dự thi tiếng Hàn ngành sản xuất chế tạo tại Hà Nội, tháng 5/2024

Hoạt động đưa lao động đi làm việc nước ngoài tiếp tục nhiều kết quả tốt

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, cả nước đã có tổng số 78.024 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 62,4% kế hoạch năm (cả năm đặt mục tiêu là 125.000 lao động) và vượt 107% so với cùng kỳ năm 2023.

Những  thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam gồm: Nhật Bản 40.597 lao động (15.863 nữ), Đài Loan 27.350 người, Hàn Quốc 5.565 lao động, Trung Quốc 1.081 lao động nam, Singapore 609 lao động nam, Rumani 379 lao động, Hungary 264 lao động, Ba Lan 196 lao động, Ả Rập Xê út 317 lao động, Canada 39 người…

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử…); xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình) với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Thu nhập của người lao động cao và ổn định, dao động từ 1.200 – 1.600 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800 – 1.200 USD/tháng tại Đài Loan và các nước châu Âu; 700 – 1.000 USD/tháng đối với lao động có nghề và 500 – 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, châu Phi. Bên cạnh các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, thì các thị trường khác cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu (Rumani, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia)…

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình đưa lao động ra nước ngoài làm việc có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một trong những vấn nạn là lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động vẫn thường xuyên diễn ra, tính chất vẫn phức tạp và tinh vi. Trước tình hình đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã liên tục đưa ra những thông tin cảnh báo, ngăn chặn như: lừa đảo lao động đi làm việc tại một số ngành nghề, thị trường như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)… Cùng với đó là cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng.

Tỷ lệ đỗ tiếng Hàn chỉ đạt 58% nhưng kỹ năng nghề tỷ lễ đỗ đạt trên 90%

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, hạn ngạch phía Hàn Quốc cấp cho Việt Nam năm 2024 là hơn 15.400 lao động, song số đăng ký dự thi đợt một đông gấp ba, gần 45.000 người đăng ký kỳ thi tiếng Hàn để thi tuyển sang Hàn Quốc làm việc ở các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Đây là số lượng thí sinh dự thi đông kỷ lục trong 20 năm triển khai chương trình EPS. Trong số này ngành sản xuất chế tạo chiếm hơn 80% tổng số thí sinh dự thi với hơn 36.300 người trong khi chỉ tiêu chỉ hơn 11.200.

Tỷ lệ đỗ tiếng Hàn trong ba nhóm ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng chỉ đạt 58%, song đến vòng thi tay nghề tỷ lệ đỗ trên 90%.

Chương trình EPS có đặc thù chủ doanh nghiệp Hàn Quốc chọn lao động trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. Thí sinh vượt qua hai vòng thi tiếng Hàn và tay nghề sẽ nộp hồ sơ dự tuyển với giới chủ, song không chắc chắn được chọn đi. Nhà chức trách khuyến cáo lao động nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc bình thường, không ở nhà chờ đợi trong căng thẳng.

Chương trình cấp phép cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) là chương trình được thực hiện theo Bản ghi nhớ được ký giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Khởi động từ năm 2004 đến nay đã có hơn 134.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.

Tại Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị duy nhất được giao đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

NĂM 2025 HÀN QUỐC TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU

Từ ngày 01/01/2025, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức lương tối thiểu trong năm 2025 (tăng 1,7% so với mức lương tối thiểu năm 2024), cụ thể như sau:

– Mức lương tối thiểu tính theo giờ: 10.030 won

– Mức lương tối thiểu tính theo tháng: Người lao động làm việc 40 giờ/tuần, 209 giờ lao động tiêu chuẩn (mỗi ngày làm việc 08 giờ): 2.096.270 won.

– Thời gian áp dụng: từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025.

– Phạm vi áp dụng: áp dụng đồng nhất trong tất cả doanh nghiệp không phân biệt loại hình doanh nghiệp.

 

Văn Giang