20/01/2025 11:13:31

10 Hoạt động nổi bật đảm bảo an sinh xã hội năm 2024

Năm 2024 dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, viên chức, người lao động ngành LĐTBXH nói chung và Bộ LĐTBXH nói riêng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các  lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

  1. Hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng thể chế

Năm 2024 Bộ LĐTBXH được Chính phủ giao 33 đề án,Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 07 nghị định, 01 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 09 thông tư.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, tặng quà gia đình ông Mai Văn Vĩnh (73 tuổi), ở thôn An Chiểu, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên, là thương binh 81%, 45 năm tuổi Đảng. (Ảnh: TTXVN)
  1. Chủ trì xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2025

Trong năm, Bộ chủ trì xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Dự thảo luật gồm 9 chương và 94 điều, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Dự kiến, Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào Tháng 5/2025.

  1. Trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều nội dung lớn mang tính cải cách

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật gồm 11 chương, 141 điều với 14 nội dung lớn mang tính cải cách mới như: mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Năm 2024, tổng số đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (ảnh TTXVN)
  1. Lần đầu tiên điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng cao nhất 35,7%

 Theo đó, năm 2024 mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công. Đến nay đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 1 triệu người có công với cách mạng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã phường làm tốt công tác TBLS; giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng trong xác nhận người có công

  1. Hàng loạt mức, chuẩn trợ cấp thuộc lĩnh vực an sinh xã hội được nâng lên

Cùng với việc tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng, Bộ LĐTBXH đã tham mưu Chính phủ ban hành hàng loạt các chính sách nâng mức trợ cấp đối với các đối tượng an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể, từ 1/7, thực hiện nâng mức lương tối thiểu vùng lên 6%, từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng (Nghị định số 74/2024/NĐ-CP); điều chỉnh tăng lương hưu thêm 15% trên mức lương hưu hàng tháng (Nghị định số 75/2024/NĐ-CP); nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 38,9%, từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng (Nghị định số 76/2024/NĐ-CP).

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan gặp mặt đại biểu người có công tỉnh Nam Định
  1. Phát động Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, huy động kinh phí kỷ lục gần 6 nghìn tỷ đồng, quyết tâm xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ LĐTBXH phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Chương trình đã huy động được số kinh phí kỷ lục gần 6000 tỷ đồng. Sau lễ phát động, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp đã và đang gấp rút thực hiện chương trình với mục tiêu hoàn thành toàn bộ chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo vào tháng 12/2025.

  1. Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành UN Women; công tác bình đẳng giới, bảo vệ và chăm sóc trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực

 Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 – 2027.

65% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em ; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,7%, đạt mục tiêu. Năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 29,853 tỷ đồng; hỗ trợ 51.495 lượt trẻ em với kinh phí là 26,29 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi tặng quà các cháu thiếu nhi khuyết tật tại Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
  1. Tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc; Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục vượt mốc 150 ngàn người

Năm 2024, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt trên 150 ngàn người, đạt 120% so với kế hoạch đề ra.

  1. Tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam tham gia Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

Năm 2024, Bộ LĐTBXH tích cực, chủ động tham gia và thực hiện các sáng kiến quốc tế, hội nhập quốc tế thiết thực, hiệu quả, góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội.

  1. Bộ LĐTBXH là bộ, ngành đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt

Bảo Minh