29/07/2020 12:41:58

Xây dựng Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030: “Muốn phát triển cái gì phải đầu tư cái đó”

“Tôi rất ấn tượng với câu nói này của Thủ tướng Malaysia. Tại sao Singapore xếp hạng thứ 6 trên thế giới về đào tạo nghề và thứ 19 về kỹ năng nguồn nhân lực? Vì họ sẵn sàng đầu tư 200 triệu USD cho 1 trường nghề. Còn chúng ta, có ai dám xin 100 tỷ đầu tư cho 1 trường nghề không, tiền ở đâu ra? “– Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng nêu vấn đề.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng

Rất nhiều điểm nghẽn trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã được Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng “phơi bày” một cách  thẳng thắn tại hội thảo mới đây về Quan điểm, mục tiêu và các đột phá Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 được tổ chức tại Quảng Ninh cho thấy bức tranh khá tổng quan về GDNN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Diễn đàn Nâng tầm Kỹ năng lao động Việt Nam có nói: “Trong 30 năm qua, gia tăng dân số là động lực hết sức quan trọng góp phần to lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam”. Nhưng câu chuyện đó 5 năm trở lại đây đã khác nhiều rồi, khi quy mô lao động đã tới giới hạn. Vì vậy, phải tập trung vào nâng cao chất lượng lao động.

“Muốn phát triển cái gì phải đầu tư cho cái đó”

“Tôi rất ấn tượng với câu nói này của Thủ tướng Malaysia. Ông Trương Anh Dũng bày tỏ và nêu vấn đề: Tại sao Singapore xếp hạng thứ 6 trên thế giới về đào tạo nghề và thứ 19 về kỹ năng nguồn nhân lực? Vì họ sẵn sàng đầu tư 200 triệu USD cho 1 trường nghề. Còn chúng ta, có ai dám xin 100 tỷ đầu tư cho 1 trường nghề không, tiền ở đâu ra?50% học sinh Singapore sau tốt nghiệp THPT theo học nghề, các nước phương Tây là 60-70%, còn chúng ta mới chỉ có 15%.

Singapore còn cấp cho mỗi người lao động 1 thẻ học nghề giống như thẻ ngân hàng, trong tài khoản có sẵn 500 đô la Singapore để học các khóa nâng cao, cập nhật kiến thức nghề, học hết lại cấp tiếp. “Chúng ta có dám mạnh dạn như thế hay không, khi hiện nay chi cho GDNN chỉ chiếm 10% ngân sách chi cho giáo dục đào tạo nói chung?” – ông Dũng đặt câu hỏi. 

Chi cho GDNN những năm gần đây chỉ chiếm 10% ngân sách cho giáo dục đào tạo

Hay như 5 năm nay, mỗi dịp Quốc khánh, Thủ tướng Singapore thay vì tổ chức những cuộc mít-tinh hoành tráng lại đến trực tiếp 1 trường nghề để tổ chức lễ chào mừng. Điều đó thể hiện rõ quan điểm của họ về việc tôn vinh, cổ vũ người học nghề.

“Còn ở Việt Nam, có một câu chuyện thực tế ở địa phương mà tôi không tiện nhắc tên, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các ban ngành chỉ đến chúc mừng giáo viên các trường ĐH, THPT, THCS…, không một ai nhắc đến giáo viên ở các cơ sở GDNN. Ngay ở những thiết chế nhỏ nhất là làng, xã, giờ cũng chỉ thấy họ tôn vinh những gia đình có con em học đại học, không gia đình nào có con em học nghề được tôn vinh cả” – ông Dũng chia sẻ.

PGS. TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng các quan điểm, mục tiêu, giải pháp đưa ra trong  Chiến lược phải có tính đột phá, huy động tốt các nguồn lực để thúc đẩy phát triển, thay đổi về chất đối với giáo dục nghề nghiệp.“Câu chuyện gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp được chúng ta nói đến nhiều nhưng thực tế còn yếu kém. Trên thế giới, đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp. Bởi đào tạo nghề chủ yếu để ra lao động cho doanh nghiệp chứ không phải để ra “làm quan”. Chủ tịch Dương Đức Lân nói.

Ông Lân cũng cho rằng  chiến lược không thể không nói đến các giải pháp đột phá về giáo viên. Song không nên theo kiểu như từ trước đến nay, tức vẫn “chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học,…”. “Giáo viên là người quyết định về chất lượng GDNN, do đó cần phải có giải pháp để có được một đội ngũ thật tốt”.

Còn theo TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng  cho rằng, bất cập hiện nay là việc đòi hỏi trình độ đào tạo cán bộ giáo viên, cán bộ quản lý GDNN rất cao, trong khi cơ chế chính sách chưa đáp ứng được.

“Làm thế nào để giáo viên giáo dục nghề nghiệp được công nhận PGS, giảng viên cao cấp,…? Rất khó. Chúng ta không giải được tận gốc bài toán này thì lấy đâu người giỏi để dạy. Việc tuyển giáo viên cho GDNN cực kỳ khó”, ông Khánh bày tỏ.

Giáo dục nghề nghiệp  Việt Nam đang ở đâu?

Việt Nam có hơn 90 triệu dân, hơn 55 triệu lao động trong khi mỗi năm chỉ đào tạo nghề có 2,2 triệu người, trong đó có 560 nghìn trình độ CĐ và TC. Lực lượng lao động qua đào tạo có 25% là hoàn toàn chưa tương xứng. Thủ tướng yêu cầu phải tăng gấp đôi, gấp 3 quy mô này, nhưng giờ các cơ sở GDNN đã rất khó để tuyển đủ chỉ tiêu, nếu tăng lên gấp 2-3 lần, lấy nguồn tuyển ở đâu?

Chúng tôi cho rằng, Chiến lược GDNN trong giai đoạn tới nếu chỉ trông vào học sinh phổ thông sẽ rất khó vì mỗi năm chỉ có hơn 1 triệu em tốt nghiệp, trong khi còn phải cạnh tranh với khối đại học. Vì vậy, giai đoạn tới phải thiết kế một hệ thống GDNN mở để tập trung đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề cho những người đang làm việc trong thị trường lao động. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ phải tập trung cao độ trong giai đoạn tới.

Năm 2019 Việt Nam tăng được 13 bậc trong bảng xếp hạng chất lượng đào tạo nghề, đứng thứ 102/141 quốc gia nhưng vẫn còn quá xa với ngay cả các nước trong khối ASEAN.

Việc chuyển đổi mô hình đào tạo, chuyển đổi số cũng thực hiện rất chậm, các trường có gì thì đào tạo thế. Các cơ sở GDNN sẽ phải chuyển đổi dần sang cơ chế tự chủ và theo quy luật cạnh tranh. Đây là vấn đề sống còn. Với cơ chế tự chủ, những cơ sở yếu kém chắc chắn sẽ “chết”, cơ sở làm tốt sẽ “sống”.

“Vậy quan điểm là sẽ chấp nhận ‘hy sinh’, làm triệt để để sàng lọc, hay lại sáp nhập những cơ sở yếu kém vào các ơ sở mạnh hơn để GDNN tồn tại đều đều hoặc thậm chí để cả hai cùng chết dần?”, ông Dũng nêu vấn đề.

 Mấu chốt là xác định rõ quan điểm về vị trí của GDNN

Vấn đề tài chính, cơ chế tự chủ, chất lượng giáo viên, chuyển đổi công nghệ số, phân luồng…đều có rất nhiều khó khăn, nhưng tựu chung: “Quan trọng nhất là  phải xác định rõ quan điểm về vị trí, vai trò của GDNN trong chiến lược tổng thể phát triển KT-XH và chiến lược phát triển nguồn nhân lực”.

Phải xác định rõ vị trí, vai trò của GDNN mới xác định được quy mô đầu tư

GDNN không phải chỉ đơn thuần là vấn đề giáo dục mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất, năng lực cạnh tranh. Tùy từng thời điểm, từng bối cảnh và tùy từng mô hình tăng trưởng mà lựa chọn những cấu trúc khác nhau liên quan đến phát triển nhân lực. Trong thời điểm này, phải ưu tiên cho GNNN. Đây là khuyến cáo của quốc tế, không phải của riêng VN”.

Nhưng mới đây trên báo chí, một chuyên gia cao cấp, đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn báo chí về GDNN có nói rằng: “Phải coi GDNN là một thành tố trong phát triển KTXH”. Tại sao không phải là một thành tố quan trọng? Nếu chỉ coi GDNN là một thành tố bình thường như bao thành tố khác, tôi cho rằng GDNN sẽ vẫn “dẫm chân tại chỗ” trong thời gian tới.

Australia có dân số chỉ hơn 20 triệu người nhưng có tới 4.000 cơ sở đào tạo nghề, trong khi ta chỉ có 2.000 cơ sở với dân số hơn 90 triệu người nhưng lại đang muốn giảm đi.

Đó là câu chuyện quan điểm, tư duy về GDNN, nó tồn tại không chỉ trong học sinh, phụ huynh mà ngay cả trong các cấp cán bộ quản lý GDNN. Chúng ta xác định rõ vai trò của GDNN như thế nào mới mới có chiến lược để đầu tư cho tương xứng.

Phan Long