Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 đã ban hành các quy định cấm các công ty Mỹ cung cấp dịch vụ tải và cập nhật đối với TikTok và WeChat sau nửa đêm ngày 20/9. Các công ty Mỹ cũng bị cấm cung cấp dữ liệu từ ứng dụng WeChat kể từ thời điểm nêu trên.
Cụ thể, việc tải 2 ứng dụng này trên lãnh thổ Mỹ đều bị cấm, đồng nghĩa “cấm cửa” TikTok và WeChat trên AppStore, Google Play hay bất cứ nhà cung cấp ứng dụng nào trên các nền tảng “có thể tiếp cận từ Mỹ”.
Lệnh cấm cũng ngăn chặn các công ty cung cấp dịch vụ thông qua WeChat “với mục đích chuyển tiền hoặc xử lý thanh toán trong phạm vi nước Mỹ”, theo CNBC.
Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa ra khung thời gian riêng cho WeChat và TikTok, lần lượt có hiệu lực từ ngày 20/9 và ngày 12/11 bao gồm các điều khoản ngăn công ty Mỹ cung cấp dịch vụ và lưu trữ internet cho hai ứng dụng này.
Apple và Google hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này, theo CNN. Lệnh cấm TikTok và WeChat là diễn biến leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại và công nghệ đang ngày càng nóng giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Tính từ 20/9, thay đổi duy nhất là (người dùng TikTok) sẽ không có quyền truy cập vào các phiên bản ứng dụng cập nhật, ứng dụng nâng cấp hoặc bảo trì. TikTok cơ bản sẽ vẫn nguyên vẹn cho đến ngày 12/11 “, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết.
Trong khi đó, các hạn chế nhắm vào ứng dụng WeChat có phần nghiêm ngặt hơn. Bắt đầu từ ngày 20/9, việc lưu trữ hoặc chuyển lưu lượng truy cập Internet liên quan đến WeChat sẽ bị coi là bất hợp pháp, theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ. Quy định này sẽ được áp dụng với TikTok kể từ ngày 12/11.
“Chúng tôi không đồng ý với quyết định từ Bộ Thương mại Mỹ, đồng thời rất thất vọng khi Bộ này chặn các lượt tải xuống từ Chủ Nhật và cấm sử dụng ứng dụng từ ngày 12/11. Chúng tôi sẽ tiếp tục thách thức các lệnh hành pháp bất công”, TikTok tuyên bố sau lệnh cấm từ Bộ Thương mại Mỹ.
Không gay gắt như TikTok, Tencent Holdings chủ sở hữu ứng dụng WeChat cho biết cảm thấy đáng tiếc trước lệnh cấm này. Đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục thảo luận với Bắc Kinh và các bên liên quan tại Mỹ để có một cách thức hoạt động lâu dài.
“Những động thái như hôm nay một lần nữa chứng minh rằng Tổng thống Donald Trump sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để đảm bảo an ninh quốc gia Mỹ và bảo vệ người Mỹ khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Thương mại Ross nói.
“Theo chỉ đạo của tổng thống, chúng tôi đã triển khai quy định quan trọng để chống lại việc Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ một cách độc hại, đồng thời thúc đẩy các giá trị quốc gia Mỹ, các chuẩn mực dựa trên quy tắc dân chủ và tích cực thực thi các luật và quy định của Mỹ”, ông Ross nói thêm.
TikTok nói họ có khoảng 2 tỷ lượt tải trên toàn cầu vào tháng trước với khoảng 50 triệu người dùng hàng ngày ở Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump nói TikTok thu thập dữ liệu từ người dùng và chia sẻ với chính quyền Bắc Kinh. TikTok hiện bác bỏ cáo buộc này.
TikTok đang ngày càng trở thành một thế lực chính trị ở Mỹ, theo New York Times. Người dùng của phần mềm này chia sẻ thông tin ủng hộ các ứng viên của mình và đưa các bình luận về sự kiện thời sự hiện tại.
Ứng dụng này từng được huy động cho các hoạt động chính trị khi hàng nghìn người dùng TikTok nói họ đã khiến cuộc vận động của ông Trump tại Tulsa, Oklahoma, hồi mùa hè năm nay hoàn toàn vắng người ủng hộ.
Thời gian tới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ còn công bố thêm một số lệnh cấm nữa được cho là nhắm vào các ứng dụng khác.
Tuy nhiên, TikTok vẫn có thể lách qua khe cửa hẹp để được “sống” tại Mỹ nếu như chủ sở hữu ByteDance kịp thời đạt thỏa thuận để tạo ra công ty mới tại Mỹ với Oracle. Trong khi đó, WeChat không còn cơ hội trên lãnh thổ Mỹ.
Đại diện của các công ty Tencent, ByteDance, Apple và Google chưa đưa ra bình luận về quyết định trên của chính quyền Mỹ.
PV