13/05/2024 11:00:02

TS Phan Sỹ Nghĩa giữ chức Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam

Tại Hội nghị bất thường Ban chấp hành Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam tổ chức hôm 10/5, Ban chấp hành Hiệp hội đã biểu quyết thông qua việc cho thôi chức vụ Chủ tịch Hiệp hội của PGS.TS Dương Đức Lân theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời biểu quyết thông qua việc bầu chọn TS Phan Sỹ Nghĩa – Phó Chủ tịch thường trực giữ chức Chủ tịch Hiệp hội.

TS Phan Sỹ Nghĩa (đứng) chính thức giữ chức Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam thay PGS.TS Dương Đức Lân.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tân Chủ tịch Hiệp hội Phan Sỹ Nghĩa cho biết, hoạt động của Hiệp hội luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về GDNN và công tác xã hội; trung thành với  tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ quy định tại Điều lệ Hiệp hội.

Đã tổ chức được nhiều hoạt động hơn hướng tới hội viên, cơ sở như tổ chức các hội thảo với các chủ đề thiết thực mà các hội viên đang quan tâm: về kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật để tạo hành lang thuận lợi hơn cho GDNN phát triển, về xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp số, về đào tạo cho lao động đi làm việc ở nước ngoài…; phát triển được nhiều hội viên mới (nhiều nhất trong nhiều năm qua); hoạt động hợp tác quốc tế được duy trì và mở rộng.

Tham gia xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và tuyên truyền phổ biến pháp luật

Cụ thể, trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp: Hiệp hội đã góp ý dự thảo Đề án: “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2024 – 2035” và dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế hoạt động của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; Ngoài ra Hiệp hội còn chủ động đề xuất phối hợp với Tổng cục GDNN và Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức – GIZ tổ chức Hội thảo “Một số khuyên nghị về Chính sách pháp luật GDNN về 4 chuyên đề: Phân luồng, liên thông; Hoạt động đào tạo, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN và Kiểm định và Đảm bảo chất lượng trong GDNN” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sau Hội thảo, Hiệp hội đã có Báo cáo kết quả cùng các khuyến nghị cụ thể về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDNN 2014 liên quan đến 4 nội dung trên  gửi Tổng cục GDNN – Bộ LĐ-TB&XH.

Trong lĩnh vực công tác xã hội, Hiệp hội đã góp ý dự thảo Thông tư quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH trong các đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo Nghị định về công tác xã hội; Hướng dẫn khu vực dành cho các thành viên ASEAN về tăng cường vai trò của nhân viên công tác xã hội và lực lượng cung cấp các dịch vụ xã hội mở rộng trong lĩnh vực tư pháp và lĩnh vực y tế và Hướng dẫn ASEAN về cung cấp các dịch vụ CTXH cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực; Kế hoạch hành động thực hiện Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp các dịch vụ công tác XH có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực; dự thảo Hướng dẫn khu vực cho các nước thành viên ASEAN về vai trò của lực lượng CTXH trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường chống chịu biến đổi khí hậu.

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức 4 hội nghị tập huấn về chính sách BHXH, BHYT và BHTN cho sinh viên năm cuối các trường TC, CĐ tại Kiên Giang, Bến Tre, TP. HCM và Tuyên Quang nhằm giúp các lao động tương lai nắm được lợi ích, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong tham gia đóng các loại bảo hiểm trên. Để từ đó sẽ thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động.

Trong công tác chuyên môn, Hiệp hội đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Cuộc thi “Tranh biện về giao thông xanh” nhằm góp phần nâng cao nhận thức của HSSV về bảo vệ khí hậu nói chung và thực hiện chuyển đổi sang giao thông xanh. Cuộc thi đã thu hút được 28 đội với 84 thí sinh đến từ 21 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc tham gia. Hoạt động đã được đối tác và các trường đánh giá tốt, có tác động tích cực đến nhận thức về bảo vệ môi trường trong HSSV.

Cử lãnh đạo Hiệp hội tham gia Tổ soạn thảo chuẩn bị nội dung sửa đổi Luật Việc làm liên quan đến phát triển kỹ năng nghề, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và  tham gia Ban TC Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 theo đề nghị của Tổng cục GDNN.

Cử 01 thí sinh nghề Giải pháp phần mềm CNTT thuộc đoàn Hiệp hội đặt Huy chương đồng tại kỳ thi KNNQG lần thứ 12 (năm 2021 – 2022) tham gia huấn luyện để ứng tuyển tham dự Kỳ thi KNN thế giới lần thứ 47 năm 2024.

Cử 01 thí sinh và 01 chuyên gia nghề Thiết kế các kiểu tóc tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13 tại Singapore bằng hình thức xã hội hóa (tự đảm bảo toàn bộ chi phí huấn luyện và tham gia Kỳ thi).

Tổ chức các hội thảo “Xây dựng mô hình trường cao đẳng số trong giáo dục nghề nghiệp” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sau hội thảo này, theo đề nghị của VP Đại diện của Hiệp hội tại TP. HCM, Hiệp hội đã ủy quyền cho VPĐD phối hợp với một số đơn vị tổ chức 5 cuộc Tọa đàm về chuyển đổi số để hỗ trợ một số cơ sở GDNN khu vực phía Nam trong quá trình thực hiện xây dựng nhà trường số.

Phối hợp với Tổng cục GDNN, Cục QLLĐNN và Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội tổ chức Hội thảo “Di cư lao động châu Âu – cơ hội cho lao động Việt Nam “ và phối hợp với Trường Cao đẳng Viễn Đông tổ chức Hội thảo “Nâng cao kỹ năng cho lao động Việt Nam đáp ứng thị trường châu Âu” nhằm giúp các cơ sở GDNN nắm bắt được nhu cầu và điều kiện tiếp nhận lao động của một thị trường tiềm năng. Để từ đó có các giải pháp phù hợp chuẩn bị nguồn nhân lực cho thị trường này.

Phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) tổ chức Hội thảo “Xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo lồng ghép Chứng chỉ quốc tế ngành Kế toán và Kinh doanh” nhằm hỗ trợ các cơ sở GDNN trong đổi mới, nâng cao chất lượng  chương trình đào tạo ngành Kế toán. Đầu năm 2024, 2 bên tổ chức khảo sát “Nhu cầu tham gia Khóa đào tạo Giảng viên Chứng chỉ sơ cấp về Kế toán Tài chính và Kế toán Quản trị của ACCA” của các trường cao đẳng có đào tạo ngành/nghề kế toán, kinh doanh  để làm cơ sở cho việc quyết định mở khóa đào tạo hay không.

Phối hợp với “Chương trình Thúc đẩy Đối tác với Phần Lan (Finnpartnership)” tổ chức 2 hội thảo “Hợp tác Đào tạo Nghề Việt Nam – Phần Lan” vào tháng 11/2023 và tháng 01/2024 để giúp các trường cao đẳng và các đối tác, các nhà tài trợ Phần Lan tìm hiểu nhu cầu và khả năng thiết lập quan hệ hợp tác trong GDNN, nhất là các lĩnh vực ưu tiên: việc làm xanh, liên kết nhà trường – doanh nghiệp trong đào tạo, đào tạo giáo viên và lao động di cư.

Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp tổ chức diễn đàn “Xu hướng kinh doanh và Ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh ngành chăm sóc sắc đẹp”; phối hợp với ngành tóc Nhật Bản tổ chức chương trình chia sẻ chuyên môn về “An toàn lao động nghề chăm sóc sắc đẹp và nghề thiết kế các kiểu tóc” cho chủ các salon, Spa…; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tổ chức 4 lớp bồi đào tạo Nghiệp vụ sư phạm các trình độ cho hơn 100 hội viên là chủ các cơ sở làm đẹp.

Viện Nghiên cứu – Đào tạo Công tác xã hội tổ chức được hàng chục lớp diện chẩn và âm dương khí công; tổ chức tư vấn trực tuyến hàng tuần về kỹ thuật tự chăm sóc sức khoẻ cho hàng trăm người, trong đó có nhiều người thuộc đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách và người có công.

Hợp tác quốc tế mạnh mẽ

Theo Chủ tịch Phan Sỹ Nghĩa, công tác hợp tác quốc tế thời gian qua cũng được Hiệp hội triển khai mạnh mẽ. Cụ thể, đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) trong Xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo lồng ghép Chứng chỉ quốc tế ngành Kế toán và Kinh doanh; với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK) trong việc phía Đức công nhận các kỹ năng mà người học đã tích lũy được trong các cơ sở GDNN Việt Nam khi sang Đức làm việc; với Chương trình “Thúc đẩy với đối tác với Phần Lan (FinnPartnership)” trong việc tổ chức hội thảo để kết nối các đối tác Phần Lan với các cơ sở GDNN Việt Nam nhằm xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực GDNN.

Phối hợp với Chương trình “Thúc đẩy với đối tác với Phần Lan (FinnPartnership)” trong việc tổ chức kết nối các đối tác Phần Lan với các cơ sở GDNN Việt Nam nhằm xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực GDNN và tổ chức đoàn cán bộ quản lý một số trường cao đẳng sang Phần lan thăm quan, học tập kinh nghiệm và tìm cơ hội thiết lập quan hệ hợp tác…

Công tác nghiên cứu khoa học

Tham gia đấu thầu thành công và chuần bị tài liệu, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2024: “Nghiên cứu đề xuất Mô hình trường cao đẳng số trong GDNN Việt Nam” khi Bộ chính thức ký hợp đồng.

Đề xuất với Hội đồng khoa học Bộ LĐ-TB&XH 03 đề tài khoa học cấp bộ để Bộ xem xét giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu triển khai trong năm 2025 (Giải Pháp phát triển mối quan hệ trường – ngành trong bối cảnh kinh tế số, Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh – chuyển đổi số) tại các cơ sở GDNN và Giải pháp nâng cao vai trò của các Hội  nghề nghiệp trong việc giám sát, đánh giá chính sách, chương trình GDNN).

Về định hướng 6 tháng cuối năm, theo Chủ tịch Phan Sỹ Nghĩa, Hiệp hội sẽ thành lập và hoàn thành thủ tục xin cấp phép hoạt động khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cho Viện Phát triển GDNN và An sinh xã hội để có thể tham gia thực hiện các đề tài, chương trình dự án khoa học công nghệ theo quy định mới của Nhà nước.

Kiện toàn Ban Biên tập của Tạp chí Nghề nghiệp &Cuộc sống để nâng cao hơn chất lượng và hiệu quả hoạt động của Tạp chí, tăng cường công tác quản lý của Hiệp hội với vai trò là cơ quan chủ quản.

Tiếp tục quan tâm phát triển hội viên mới trong các cơ sở GDNN, các cơ sơ đào tạo nghề làm đẹp và công tác xã hội; Vận động một số địa phương có nhiều cơ sở GDNN thành lập Hội Giáo dục nghề nghiệp của địa phương.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia tư vấn, phản biện trong quá trình rà soát, sửa đổi chính sách, pháp luật GDNN, trong đó có Luật GDNN 2014 theo chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH. Cụ thể, phối hợp với Tổng cục GDNN và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – GIZ tổ chức 1-2 hội thảo;

Tham gia ý kiến về các giải pháp thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 -2030 (QĐ 1121/QĐ-TTg ngày 22/01/2021); Quy hoạch phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản quy phạm pháp luật khác; tiếp tục tham gia góp ý nghị định về nghề công tác xã hội, đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội.

Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức một số lớp tập huấn về chính sách, pháp luật về lao động – việc làm, BHXH, BHYT và BHTN cho học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN.

Triển khai hoạt động phối hợp năm 2024 trong khuôn khổ Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 – 2026 đã ký với Tổng cục GDNN và với một số đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH; Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức một số khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cơ sở GDNN, khai thác nguồn học liệu mở, chuyển đổi số… cho các cơ sở GDNN hội viên của Hiệp hội.

Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp dự kiến tiếp tục phối hợp với Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tổ chức một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm các trình độ cho nhân viên công tác xã hội và người đào tạo nghề làm đẹp trong các cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Tổ chức Hội thi Kỹ năng nghề Chăm sóc sắc đẹp và nghề Thiết kế các kiểu tóc…