Ngày 09/3, Lễ công bố Giải thưởng I-Star 2023 được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức tại Hội trường Saigon Innovation Hub trong khuôn khổ Hội nghị triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố năm 2023.
Tại sự kiện, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức I-Star 2023 Nguyễn Việt Dũng cho biết, I-Star là một trong những sự kiện luôn được cộng đồng đổi mới sáng tạo mong chờ. Qua 5 năm tổ chức (2018 – 2022), I-Star đã thu hút 1.429 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 53 hồ sơ đã được trao giải.
Riêng năm 2022, giải thưởng đã nhận được 370 hồ sơ đăng ký dự thi của các cá nhân, tổ chức, trong đó hơn 60% các dự án tham gia tập trung cho chuyển đổi số trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, có rất nhiều dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp,… có tính ứng dụng cao, sẵn sàng chuyển giao cho các cơ quan, doanh nghiệp để triển khai vào thực tiễn.
Lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ nhận định đổi mới sáng tạo khu vực công là thị trường có dư địa rất lớn nhưng ít được các startup Việt Nam quan tâm so với các công nghệ mới nổi khác. Với phương châm “think globally, act locally”, TS. Nguyễn Việt Dũng tin tưởng: “Hy vọng trong năm 2023, các vườn ươm sẽ tăng cường tìm kiếm ý tưởng giải quyết các vấn đề của thị trường nội địa, khu vực công ở Việt Nam”.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) là một trong các đơn vị tham gia ký kết hợp tác chiến lược và phối hợp cùng Sở KH&CN triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2023. Trước đó, các giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực bất động sản, hay trong hoạt động kêu gọi từ thiện, quản lý hệ thống sản xuất, phân phối và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…là điểm nhấn tại cuộc thi I-Star 2022.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Như – đại diện VBA, trong 2 năm trở lại đây, công nghệ Chuỗi khối (Blockchain) ngày càng phổ biến cùng với bitcoin. Thực tế tại các tập đoàn lớn trên thế giới đã chứng minh Blockchain không giới hạn ở các dịch vụ tài chính mà sẽ tác động đến nhiều ngành kinh tế khác. Ưu thế của blockchain là không có hệ thống phân cấp người tham gia, khả năng thực hiện giao dịch với dữ liệu cá nhân được bảo mật, tối ưu hóa các quy trình và tạo ra giải pháp thay thế rẻ hơn cho doanh nghiệp, ví dụ trường hợp của các công ty như ING, Santander, Walmart, Maersk…
“Do vậy mà các ứng dụng công nghệ blockchain hứa hẹn cách mạng hóa phương thức và cách thức tiếp cận các cơ chế vận hành tiên tiến cho các doanh nghiệp, tổ chức và các nhóm phát triển dự án công nghệ. Bằng sự hợp tác chiến lược cùng Sở Khoa học & Công nghệ tại TP. HCM, Hiệp hội Blockchain Việt Nam kỳ vọng sẽ đem lại các kết nối thực chiến theo nhu cầu thị trường và gia tăng ứng dụng công nghệ blockchain vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”, bà Như nói.
Từ năm 2015, khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp Sở KH&CN đánh giá hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo TP.HCM chỉ đang ở mức sơ khai, nhưng trải qua 7 năm, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP.HCM đã xếp hạng 111/1000 thành phố được khảo sát.
Theo thống kê của Crunchbase năm 2022, Việt Nam có tổng cộng 110 thương vụ, 71 thương vụ công bố chính thức với số tiền thu hút được là 727,5 triệu USD. Riêng TP.HCM có 69 thương vụ, trong đó 45 thương vụ nhận số tiền đầu tư 591 triệu USD. Phần lớn startup trong lĩnh vực Fintech (tài chính công nghệ) và e-commerce (thương mại điện tử). Còn báo cáo của NexTrans 2022 cho thấy Indonesia, Việt Nam, Philippines là điểm nóng tăng trưởng và đầu tư về kinh tế số.
Số liệu năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và Lập bản đồ Hệ sinh thái khởi nghiệp thể hiện Việt Nam đang xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, TP.HCM xếp thứ 111, sắp tiến đến Top 100 Hệ sinh thái năng động toàn cầu.
Theo bà Phan Thị Quý Trúc – Phó trưởng phòng Quản lý công và Thị trường công nghệ: “So với năm 2021, Hệ sinh thái khởi nghiệp 2022 không có nhiều sự thay đổi dù có nhiều quỹ đầu tư đổ vào các startup liên quan đến chuyển đổi số nhưng TP.HCM vẫn là một trong những hệ sinh thái năng động hàng đầu tại Việt Nam”.
Tuấn Việt