09/05/2023 5:43:24

Tôn vinh, khen thưởng người đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia Khi nào gắn với lợi ích tiền lương tăng thêm?

Những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 và những biến động trên thị trường thế giới, cùng với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam đang là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên nếu quan sát các diễn đàn doanh nghiệp thường niên và các cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, có thể thấy một trong những vướng mắc được các doanh nghiệp mong muốn cải thiện nhiều nhưng chậm được khắc phục, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng đầu tư, trong đó chủ yếu là nhân lực kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất. Vậy nguyên nhân do đâu?

Sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu được tôn vinh nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2022.

Thị trường đào tạo mất cân đối

Trong khi nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cần nhiều thợ hơn thầy, thì thị trường đào tạo vẫn tuyển sinh, đào tạo thầy nhiều hơn thợ. Theo báo cáo nghiên cứu giáo dục năm 2011 – 2020 của Viện KHGD Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 650 cơ sở giáo dục đại học thuộc nhà nước, các bộ, ngành., địa phương, tư nhân, và đầu tư nước ngoài. Qui mô tuyển sinh  sinh tăng từ 1,6 triệu sinh viên năm 2020  lên 1.9 triệu SV năm 2021 và 2 triệu SV năm 2022. Bên cạnh tăng qui mô, các phương thức tuyển sinh đại học cũng đa dạng, linh hoạt và dễ dãi với nhiều ưu đãi hấp dẫn, thời gian tuyển sinh kéo dài nhiều đợt trong năm và được các trường đại học về tận các địa phương tổ chức đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chính sách tuyển sinh đại học hiện nay đã tác động không nhỏ tới việc phân luồng học sinh (PLHS) sau THCS vào hệ thống GDNN. Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2018 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Mục tiêu, chỉ tiêu là vậy nhưng số lượng số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp giai đoạn 2016 – 2020 chỉ chiếm khoảng 16,3% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm. Thực tế, phần lớn các tỉnh/thành đều có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, thậm chí có địa phương hơn 80%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp và trung cấp nghề, TCCN thấp và một tỷ lệ không nhỏ HS tốt nghiệp THCS tham gia TTLĐ mà không qua đào tạo đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo lực lượng lao động cho nền kinh tế. Hậu quả là các doanh nghiệp khó tuyển dụng được nguồn nhân lực có tay nghề theo yêu cầu công việc.

Cơ cấu lao động bất hợp lý

Bên cạnh nguyên nhân bất cập về thị trường đào tạo là cơ cấu lao động theo bàng cấp của Việt Nam vừa bất hợp lý,  ngược với cơ cấu lao động chuẩn quốc tế.

Tại Tp Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ hơn 85% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, doanh nghiệp cần lao động trình độ đại học trở lên chiếm hơn 17%, cao đẳng chiếm gần 22%, trung cấp chiếm gần 26%, sơ cấp chiếm hơn 20%. Như vậy, tổng nhu cầu nhân sự trình độ nghề đạt đến 68%, gấp 4 lần nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên và gấp 4,5 lần nhu cầu lao động chưa qua đào tạo. Nhưng nghịch lý thực tế là đạo tạo nhân sự trình độ đại học luôn nhiều hơn đào tạo nghề.

Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở LĐ-TB&XH Tp Hồ Chí Minh, năm 2022 toàn thành phố hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh GDNN, nhưng thực tế công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do tâm lý bằng cấp vẫn nặng nế, cộng với chính sách tuyển sinh đại học kéo dài trong năm với điểm chuẩn thấp nên phần lớn học sinh vẫn ưu tiên nguyện vọng vào đại học.

Tại Hà Nội, thành phố có hơn 8 triệu dân với hơn 4 triệu lao động trong độ tuổi những mỗi năm tuyển sinh GDNN cũng chỉ đạt khoảng 200 đến 250 ngàn lượt người, dù rất cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chưa đủ cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho thị trường lao động. Công tác phân luồng học sinh học nghề chưa đạt mục tiêu. Số lao động có bằng cấp đại học trở lên tìm việc tại các phiên giao dịch việc làm chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ “thầy” nhiều hơn “thợ” gây khó khăn cho việc tuyển nhân sự trực tiếp sản xuất của các doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây đã tăng tới  2,2 triệu người/năm thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành dạy nghề trong bối cảnh khó khăn do ảnh hướng của đại dịch Covid – 19 và “cơn lốc” tuyển sinh đại học thông thoáng. Tuy nhiên con số trên chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của một quốc gia gần 97 triệu dân, 55,4 triệu lao động của Việt Nam.

Cơ cấu lao động qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch còn bất hợp lý. Mô hình tiêu chuẩn ở nhiều nước là 1/4/10, tức là cứ 1 lao động có trình độ đại học trở lên thường có 4-5 trung cấp, cao đẳng và 10 sơ cấp. Trong khi Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, tức là người lao động gián tiếp nhiều hơn người lao động trực tiếp. Trong khi vị trí việc làm cho lao động gián tiếp ít thì lực lượng này lại nhiều, ngược lại vị trí việc làm trực tiếp nhiều thì lực lượng lao động này lại ít.

Bất cập này là nguyên nhân khiến doanh nghiệp có nhu cầu cần tuyển nhiều lao động trực tiếp thì không tuyển được, trong khi lực lượng lao động gián tiếp thừa lại khó tìm việc làm đúng với bằng cấp.

Các chuyên gia cho rằng thị trường giáo dục hiện nay đang đào tạo theo nhu cầu người học chứ không phải đào tạo theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Tôn vinh, khen thưởng người đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia khi nào gắn với gắn với động lực kinh tế ?

Động lực kinh tế ở đây chính là tiền lương tăng thêm đối với người đạt giải thưởng trong các kỳ thi kỹ năng nghề và người đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia. Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Tổng cục GDNN, đến nay người đạt giải thưởng trong các kỳ thi kỹ năng nghề và người đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia đều chưa có chính sách thu hút động viên về tiền lương tăng thêm.

Vài năm gần đây, kỹ năng lao động của người lao động đã được Đảng Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đó như chìa khóa giúp tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bằng chứng là  Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị nghị quyết chỉ đạo về cải thiện, nâng cao chất lượng GDNN, nâng tầm kỹ năng lao động và quyết định lấy ngày 4/10 hàng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia hàng năm đã trở thành sân chơi chuyên môn uy tín, tôn vinh kỹ năng lao động, lan tỏa tinh thần học tập, rèn luyện kỹ năng, tác phong công nghiệp của người lao động. Đặc biệt Luật Việc làm năm 2013 đã dành khá nhiều Điều  quy định về Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia.

Điều 33. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

  1. Người lao động đạt yêu cầu ở bậc trình độ kỹ năng nghề nào thì được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc trình độ đó theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  2. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có giá trị trong phạm vi cả nước. Trường hợp có sự công nhận, thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có giá trị tại quốc gia, vùng lãnh thổ đã công nhận, thừa nhận và ngược lại.

Điều 34. Quyền và trách nhiệm của người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

  1. Người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có các quyền sau đây:
  2. a) Lựa chọn tổ chức đánh giá kỹ năng nghề;
  3. b) Được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi đạt yêu cầu về trình độ kỹ năng nghề tương ứng;
  4. c) Khiếu nại về kết quả đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.
  5. Người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có trách nhiệm sau đây:
  6. a) Chấp hành nội quy, quy chế về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề;
  7. b) Nộp phí đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

Luật Việc làm cũng qui định rõ những công việc bắt buộc người lao động phải có Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia.

Mục đích đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

  1. Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao động.
  2. Người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là  “đánh giá KNNQG nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao dộng” đạt rồi thì người lao dộng được hường lợi ích gì từ việc được công nhận này?

Đáng tiếc, đến nay việc tôn vinh, đánh giá vẫn chỉ là tôn vinh ghi nhận mà chưa gắn với các quyền lợi kinh tế lâu dài cho người lao động. Trong khi săn tìm và đưa ra các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành xu hướng cạnh tranh toàn cầu. Kỹ năng lao động đã trở thành “đơn vị tiền tệ” mới giao dịch trên thị trường lao động quốc tế.

Luật Việc làm 2013 của Việt Nam quy định khá nhiều điều về Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia nhưng lại chưa có thiết chế nào quy định về quyền lợi kinh tế người lao động được hưởng khi tham gia đánh giá và đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia, cũng như chưa có chế tài khung quy định người làm các công việc bắt buộc phải có Chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia thì mức tiền lương tối thiểu cơ bản họ được hưởng tăng thêm bao nhiêu so với mặt bằng chung.

Việt Nam đã bước  vào kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, theo đó thị trường  lao động cũng đã trở thành thị trường có tính cạnh tranh cao về việc làm, tiền lương, tiền công. Người lao động có bằng cấp kỹ năng cao luôn tìm việc tại các khu vực có mức trả lương cao. Thậm chí đi làm việc ở nước ngoài người lao động cũng tìm kiếm các hợp đồng có điều kiện làm việc đảm bảo và mức thu nhập cao.

Đành rằng kinh tế thị trường, thị trường lao động luôn có tự điều tiết để cạnh tranh. Tuy nhiên với vai trò quản lý, điều tiết, nhà nước cần có khung chính sách quy định gắn sự tôn vinh, ghi nhận những nỗ lực của người lao động khi đạt các giải thưởng nghề nghiệp ở các kỳ thi khu vực quốc tế và quốc gia với các quyền lợi kinh tế khích lệ như tiền lương, phụ cấp tăng thêm. Có như vậy mới vừa tôn vinh, động viên quá trình rèn luyện, phấn đấu nâng cao kỹ năng của học sinh, sinh viên và người lao động, vừa là động lực kinh tế khuyến khích, thu hút HSSV và người lao động học tập, rèn luyện suốt đời nâng tầm kỹ năng nghề nghiệp, đóng góp cho xã hội và nâng cao thu nhập cho bản thân. Qua đó mới là động lực thực sự thu hút làm gia tăng nhanh chóng nguồn nhân lực chất lượng cao trực tiếp phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

 Phúc Lâm