Theo các chuyên gia, các hợp tác xã cần tăng cường liên kết từ nội bộ vùng – liên vùng tới hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công – nông nghiệp chuyên môn hóa, các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của từng địa phương…
Đây là nhận định, khuyến nghị được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng – tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã” do Tạp chí Kinh Doanh phối hợp tổ chức ngày 26/1.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) hiện nay đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đang ngày càng trở nên cấp bách. Nhất là sau tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã bộc lộ thêm nhiều bất cập trong việc liên kết vùng; đòi hỏi phải sớm có câu trả lời thỏa đáng về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chuỗi giá trị sản phẩm…
Thống kê cho thấy, tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản đã tăng từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay. Trong đó, tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế. Cụ thể là còn tới gần 70% HTX nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô rất nhỏ.
Không những vậy, sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.
Theo ông Thịnh, liên kết vùng đối với doanh nghiệp và HTX cũng cần có “nhạc trưởng” để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, cả đột phá về thể chế, đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo đà chuyển dịch cơ cấu kịnh tế, trong đó, có kinh tế hợp tác, HTX. Từ đó, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu cho phát triển kinh tế tập thể.
Ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng trách nhiệm của “nhạc trưởng” trong liên kết vùng là cần làm sao gia tăng được sợi dây liên kết để tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp và HTX. Nhất là phải két nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị – điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng”, ông Nguyễn Văn Thịnh đặt vấn đề – đồng thời cho rằng, để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại, cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.
Cần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành
Tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh quan điểm cần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Theo bà Minh, nhiều quốc gia trên thế giới đã hình thành các cụm liên kết ngành để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Còn tại Việt Nam, thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực hình thành, phát triển cụm liên kết ngành.
Trong đó, các hình thái ban đầu của cụm liên kết ngành đã được thể hiện tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế như: Cụm dệt may ở khu vực TP.HCM (Cụm vệ tinh trong chuỗi giá trị toàn cầu), Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai , hay các tổ hợp sản xuất của doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, các doanh nghiệp FDI lớn của Nhật Bản (tại KCN Bắc Thăng Long),…
Từ hình thái ban đầu này, trong thời gian tới, bà Minh nhấn mạnh cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công – nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.
Chia sẻ nghiên cứu của CIEM mới đây, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, Viện đã khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ô tô của Thái Lan, cụm liên kết ngành nho Maharashtra và cụm liên kết ngành ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ.
Qua khảo sát này, CIEM đã rút ra một số bài học kinh nghiệm về tầm quan trọng trong việc hình thành cụm liên kết ngành. Trước hết, đó là Chính phủ chú trọng và khuyến khích việc xây dựng và thực thi các chính sách “từ dưới lên”, với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và các bên liên quan tại địa phương.
Kế đến là sự kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên” trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách nhằm cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành.
Với hệ thống Liên minh các HTX, bà Minh khuyến nghị, các HTX cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản trị, tổ chức sản xuất, thương mại, gắn với quá trình gia tăng hợp tác, liên kết với các chủ thể khác trong các cụm liên kết ngành. Trong đó, quá trình thực hiện cần đi vào thực chất, hướng tới hiệu quả và lợi ích cho tất cả các bên. Đồng thời các doanh nghiệp, HTX cũng cần tìm hiểu, tham gia, triển khai và làm chủ các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với năng lực và yêu cầu của ngành, địa phương mình và của đất nước.
Cũng trong phần trình bày, Viện trưởng CIEM không ít lần tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công – nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia; từ đó tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.
Cụ thể là đẩy mạnh cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng.
Bà Minh cho rằng, làm được điều này sẽ góp phần tăng cường, hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước để thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả hơn.
Tuấn Việt