15/04/2022 1:35:04

Thúc đẩy kinh tế số là động lực phát triển TP.HCM trong tương lai

Đây là chủ đề Diễn đàn kinh tế TP. HCM (HEF) năm 2022, khai mạc hôm 15/4. Thông qua Diễn đàn kinh tế năm nay, TP.HCM thể hiện tham vọng rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số, quản trị số đến với người dân, doanh nghiệp…

Toàn cảnh sự kiện

Sự kiện đã thu hút tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao; các địa phương nước ngoài; các định chế tài chính lớn như World Bank, IMF, IFC, ADB,…; các tổ chức quốc tế nổi tiếng như WEF, OECD,…

Đặc biệt Diễn đàn năm nay còn đón tiếp các nhà quản lý và Lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Mỹ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Úc; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, đại diện các quốc gia thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Phó thủ tướng Lê Mịlinh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

HEF 2022 xoay quanh 04 chủ đề chính là: “Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030”; “Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM gồm định hướng 2025 và tầm nhìn 2030”; “Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm thách thức và giải pháp”; “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp gồm kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, cuối năm 2021 kinh tế trên địa bàn suy giảm đến 7,4%, hầu hết các doanh nghiệp phải chống chọi, vượt qua vô vàn khó khăn để tồn tại chờ cơ hội để hồi sinh.

Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số. Do đó, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tề TP.HCM giai đoạn 2022-2025”, TP đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vũng và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, trong Quý III năm 2021, kinh tế trên địa bàn giảm khoảng 25%, đến Quý IV/2021 giảm 11,6%, làm tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm giảm 6,78%.

Nhờ chủ trương đúng đắn của Trung ương cùng với tinh thần đồng thuận của nhân dân, sự năng động của doanh nghiệp cùng sự nỗ lực và sáng tạo của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, đến nay đời sống kinh tế- xã hội Thành phố đang khởi sắc và dần dần trở lại sự hoạt động bình thường. Quý I/2022, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức +1,88, so với mức -11,6% của quý IV/2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước.

Dù đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số. Chúng ta thường nói trong nguy có cơ và đây là cơ hội để TP.HCM triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại CMCN 4.0. Với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp TP đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số.

Đây cũng là định hướng phát triển mới của TP, nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số, TP.HCM đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%, ông Lê Minh Khái – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: “Về mục tiêu phát triển kinh tế số, TP.HCM đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, tôi đề nghị Lãnh đạo, doanh nghiệp, nhân dân TP trong thời gian tới cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ sau: Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực. Hai là, cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.

Ba là, định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của Thành phố. Bốn là, trong giai đoạn trước mắt, trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, tôi cho rằng, một việc rất quan trọng nhưng ít tốn kém là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số. Với tinh thần năng động sáng tạo, với tiềm lực vốn có của TP, tôi hoàn toàn tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố sẽ thực hiện thành công chương trình kinh tế số, đi đầu trong phát triển các mô hình kinh doanh mới, tạo hướng đi mới bền vững, hiệu quả cho cả nền kinh tế”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Huy Dũng- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quốc gia cũng đang nỗ lực xây dựng thể chế để vào năm 2025 giao dịch điện tử có giá trị pháp lý như giao dịch giấy, giao dịch trực tuyến nhanh hơn và rẻ hơn giao dịch giấy, và vì thế, giao dịch trực tuyến sẽ thay thế giao dịch giấy.

Để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu, TP.HCM vẫn cần nỗ lực tìm tòi cách làm mới. Chẳng hạn, nhanh chóng hợp nhất Cổng DVCTT với hệ thống một cửa điện tử đang phân tán hiện nay thành một nền tảng giải quyết TTHC thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn thành phố. Vậy để phát triển kinh tế số thì TP. HCM cần gì? Yếu tố thứ 1 là nhân tài, yếu tố thứ 2 là doanh nghiệp số để hiện thực hóa các mô hình số, yếu tố thứ 3 là hệ sinh thái cho doanh nghiệp công nghệ số, yếu tố thứ 4 là sự sẵn sàng để huy động nguồn lực vật lý vào môi trường số, bởi vì kinh tế số vẫn phải dựa vào những nguồn lực vật lý nhất định, Yếu tố thứ 5 là tài sản số và lợi nhuận số được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Điều cuối cùng, nhưng mà quan trọng nhất là nhân lực số. Tương lai của mỗi thành phố, mỗi quốc gia bắt đầu từ những trường học của họ. Thành phố hãy chú trọng tới chuyển đổi số các trường học, có thể bắt đầu từ trường đại học, phát triển đại học số, để trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực số hàng đầu của đất nước và khu vực.

Diễn đàn trong chiều nay đang tiếp tục các phiên thảo luận của các diễn giả và các chuyên gia đến từ nhiều nước, các tổ chức hàng đầu thế giới chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá thực trạng, triển vọng, cơ hội cũng như thách thức đối với việc phát triển kinh tế số. Từ đó góp phần tạo động lực để triển khai hiệu quả xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, tương tác cao trong tương lai.

Uyển Nhi – Hai Hoàng