13/08/2020 11:21:38

Thẻ căn cước công dân gắn chip có gì đặc biệt?

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết bộ này đang đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân (CCCD) thay vì mã vạch như hiện nay.

Hiện nay, thẻ CCCD đang sử dụng mã vạch, tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy không phát huy được lợi thế khi muốn tích hợp thêm thông tin và thực hiện chính phủ điện tử. Thẻ CCCD gắn chip sẽ có nhiều ưu điểm do lượng thông tin lưu trữ lớn gấp nhiều lần so với mã vạch.

Bộ Công an ngày 11/8 đề xuất Chính phủ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip để tích hợp các thông tin về bảo hiểm, bằng lái… Thẻ căn cước gắn chip, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID), đang được nhiều quốc gia sử dụng, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.

e-ID về bản chất là thiết bị xác thực điện tử có kích thước như thẻ ATM, tích hợp chip bên trong. Nhiều loại thẻ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt để truy cập thông tin trong chip, số khác ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID) và cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc.

Thẻ căn cước điện tử có thể nằm trong cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI). Nó sẽ lưu trữ chứng nhận điện tử được mã hóa do nhà cung cấp PKI phát hành, cùng hàng loạt thông tin liên quan. Nếu tích hợp dữ liệu nhận diện sinh trắc học, e-ID có thể cung cấp khả năng xác thực hai hoặc ba bước.

Về việc tại sao đến nay mới đề xuất gắn chip thay vì ngay từ khi triển khai cấp CCCD năm 2016, lãnh đạo C06 cho hay thời điểm đó chip điện tử còn đắt, công nghệ khó khăn. Đến nay, giá thành chip đã rẻ hơn, các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng chủ động sản xuất được.

Cũng theo dự kiến, đến tháng 7-2021, Bộ Công an sẽ thực hiện cấp được 50 triệu thẻ CCCD. Bộ này đang tính toán phương án thuê in thẻ nhằm rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như giảm chi phí.

Nếu mua toàn bộ máy mới, việc cấp đủ 50 triệu thẻ CCCD trong một thời gian ngắn cần rất nhiều máy in thẻ. Nhưng khi đã cấp đủ và chuyển sang cấp mới định kỳ cho công dân từ 14 tuổi trở lên hoặc cấp đổi, cấp lại, số lượng thẻ sẽ giảm xuống, lượng máy dư thừa, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Đến nay, cơ quan chức năng đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và CCCD, còn khoảng 80 triệu người chưa được cấp (trong đó có khoảng 30 triệu người dưới 14 tuổi).

Trong trường hợp cuối năm 2020, khi bắt đầu cấp thẻ CCCD gắn chip, sẽ có đồng thời 4 mẫu căn cước cùng có hiệu lực, có giá trị sử dụng gồm: CMND (9 số), CMND (12 số), CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.

Sau khi Bộ Công an kiến nghị ngừng đổi thẻ CCCD để chờ đổi thẻ CCCD có gắn chip, nhiều ý kiến cho rằng việc này gây tốn kém ngân sách, phiền hà cho người dân. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc thay đổi liên tục như vậy là suy nghĩ chưa thấu đáo đến lợi ích của người dân. Tuy nhiên, theo ông Hòa, hiện nay, việc đổi từ giấy CMND sang thẻ CCCD vẫn chưa đại trà trong cả nước nên khuyến cáo chưa đổi ngay là hợp lý.

“Việc đổi mẫu thẻ CCCD mới là để tiện hơn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý dân cư. Ngoài ra, sau này khi tích hợp với dịch vụ công sẽ giảm chi phí rất lớn cho người dân trong các thủ tục hành chính” – ông Hòa nhận định.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), đề nghị công an 16 địa phương (đang thí điểm cấp thẻ CCCD) tuyên truyền để người dân hạn chế đề nghị cấp thẻ CCCD khi chưa cần thiết.

Theo đó, khi tới làm thủ tục, cán bộ công an sẽ giải thích để công dân hiểu rằng chưa nhất thiết phải đổi ngay từ CMND (vẫn còn hạn) sang thẻ CCCD, mà hãy chờ để cấp thẻ CCCD theo mẫu mới có gắn chip. Việc này nhằm giảm tốn kém cho Nhà nước và đỡ cho người dân sau này mất công đổi lại.

Với các trường hợp thực sự cần thiết (CMND bị mất, hư hỏng), người dân vẫn được cấp thẻ CCCD gắn mã vạch như bình thường.

PV