20/11/2023 11:24:53

Thầy giáo Ngô Chí Phương: Lội ao cùng nông dân thoát nghèo

Chân chất, gần gũi với người nông dân, thầy giáo Ngô Chí Phương, Phó trưởng khoa Nuôi trồng thủy sản trường CĐ Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản (Bắc Ninh) nhiều năm qua rong ruổi khắp các vùng xa xôi của Tổ quốc, dùngkinh nghiệm nghề nghiệp,  giúp bà con nông dân làm giàu bằng mô hình nuôi trồng thủy hải sản.

Thầy Ngô Chí Phương (trái) trong niềm vui gặp mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhân dịp được vinh danh là 1 trong 20 nhà giáo GDNN xuất sắc năm 2023

Thầy Phương là một trong 20 gương mặt tiêu biểu, đại diện cho nhà giáo GDNN vinh dự được gặp mặt Thủ tướng Chính phủ nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mới đây.

Quần đùi lội ao cùng bà con nông dân

Hơn 22 năm đứng bục giảng, bên cạnh công việc đào tạo hàng vạn học sinh, sinh viên hệ chính quy hệ của nhà trường,

thầy Ngô Chí Phương có đến hơn nửa thời gian đi cơ sở tới các vùng, miền, từ vùng cao biên giới Lũng Cú (Hà Giang) đến vùngTây Nguyên để đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các chương trình ngắn hạn, sơ trung cấp… Những khó khăn, gian nan, vất vả vượt suối băng đèo, đối với thầy Phương không thấm tháp gì so với đời sống hiện tại của người dân vùng sâu, vùng xa còn chật vật, căng mình chiến đấu với đói nghèo.

Mỗi lần đặt chân đến vùng đất mới là một cảm xúc đặc biệt, bà con nông dân phấn chấn mong chờ đến ngày được thầy giáo về phổ biến kiến thức nuôi trồng thủy, hải sản. Có lẽ chưa bao giờ, bà con nông dân lại có tinh thần ham học, ham tìm hiểu kiến thức về nuôi trồng thủy hải sản như bây giờ…  Ở họ thực sự có khát vọng vươn lên, quyết đổi thay để thoát nghèo bền vững ngay trên quê hương mình.

Thầy Phương hướng dẫn bà con thực hành kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao nuôi trồng thủy sản.

Ấn tượng nhất với thầy Phương là đối tượng học viên theo học đa dạng, không chỉ có các học viên lứa tuổi thanh niên, trung niên, còn có cả các học viên bước vào độ tuổi 55- 60 và thậm chí hơn vẫn quyết tâm theo học để có kiến thức, hỗ trợ con cháu phát triển mô hình nuôi trồng thủy hải sản. Tại vùng dân tộc thiểu số, nhiều học viên nói bằng ngôn ngữ địa phương như tiếng Thái, Mường, Tày, đrất ít người hiểu được tiếng phổ thông nên cần sự hỗ trợ của phiên dịch

Thật may mắn, bằng các phương pháp giảng dạy trực quan, trực tiếp cầm tay chỉ việc, từng thao tác, kỹ năng cụ thể nên  người dân cũng rất dễ tiếp thu.

Những ngày mùa đông  rét buốt, mưa phùn gió bấc mặc “áo bông quần đùi” lội ao là điều bình thường, bởi khi đó là mùa sinh sản của cá. “Chính vì vậy chúng tôi được gọi là những thầy giáo nông dân”, thầy Phương dí dỏm.

Hướng dẫn bà con thả cá giống.

Vất vả là như thế,  nhưng khi đã trang bị được cho bà con nông dân  tất cả  kiến thức liên quan để cho ra được một mô hình nuôi trồng hoàn chỉnh bao gồm: kỹ thuật cho đẻ; ương nuôi tôm, cá giống; kỹ thuật chuẩn bị ao/ hồ/ lồng nuôi trồng thủy hải sản, kỹ thuật chọn và thả giống, , rồi kỹ thuật quản lý chăm sóc để tôm, cá sinh trưởng và phát triển tốt nhất…trong các môi trường nước ngọt, lợ, mặn…, giúp bà con nông dân tự tin, hoàn toàn làm chủ được kỹ năng trong cách vận hành mô hình nuôi trồng của mình cũng là lúc những vất vả dần tan biến.  Ngày bà con nông dân có kết quả nuôi trồng với năng suất, sản lượng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần  xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân niềm vui của thầy Phương càng nhân lên gấp bội.

Nhiều dự án hiệu quả, tạo ra doanh thu hàng tỷ đồng/ năm

Đào tạo nghề cho bà con, thầy Phương không ngần ngại khi chia sẻ những cách làm hay, với những đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng thực tế, giảm chi phí đầu tư rất nhiều cho bà con nông dân. Từ đó, tạo ra giá trị thương phẩm, giá trị kinh tế và mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho bà con nông dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Thầy Phương cùng các nhà giáo GDNN xuất sắc vinh dự được gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại VP Chính phủ.

Có thể kể đến những đề tài nghiên cứu khoa học như: “Thử nghiệm một số loại thức ăn sản xuất trong nước có hàm lượng HUFA khác nhau lên đối tượng cá Hồi vân thương phẩm” thành công, giảm được giá thành nhập thức ăn cho cá tới 30% so với nhập khẩu từ nước ngoài; đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua đồng” giúp nuôi thương phẩm cua đồng thay thế cho việc đánh bắt tự nhiên làm cạn kiệt nguồn lợi; “Nghiên cứu thử nghiệm thuần hóa lươn” giúp việc phát triển nuôi lươn ở quy mô nhỏ, có thể nuôi trong bể bạt, bể nhựa, bể xi măng mà không cần bùn, ít tốn diện tích, đạt năng suất cao từ 5-7kg/m2; “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá vược trong lồng ở thồ Thác Bà tỉnh Yên Bái”, dự án giúp thuần hóa và đưa cá vược từ nuôi nước lợ ven biển vào sâu trong nội địa nuôi hoàn toàn trong nước ngọt.

Những dự án đi vào đời sống sản xuất, tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao, giúp bà con nông dân có việc làm bền vững, thu nhập ổn định… đã khẳng định hướng đi của một ngôi trường đào tạo chuyên ngành nuôi trồng thủy hải sản, mà thầy Ngô Chí Phương là nhân tố nòng cốt thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế trong lĩnh vực này.

Thầy Ngô Chí Phương tại Lễ vinh danh 20 nhà giáo GDNN xuất sắc năm 2023 tại Tổng cục GDNN.

Thầy Phương cũng tự hào chia sẻ những dự án của các sinh viên, học viên khá thành công, với doanh thu hàng trăm triệu đồng, đến hàng tỷ đồng/năm. Sinh viên Hồ Nghĩa Trung (Quỳnh Lưu, Nghệ An) với mô hình trang trại sản xuất giống thủy sản nước mặn, nước lợ. Hiện nay, cơ sở này tự tin sản xuất hầu hết các loại con giống tôm, cua, cá biển, không những cung cấp cho bà con tại địa phương mà còn cung cấp tới nhiều vùng miền của đất nước.

Hay sinh viên (Lò Văn Hoàng, Yên Sơn- Tuyên Quang) với trang trại sản xuất cá giống nước ngọt quy mô gia đình. Hiện nay cơ sở sản xuất chủ yếu các loài cá truyền thống như chép, trắm cỏ, trôi Ấn độ… với sản lượng lên đến hơn 1 triệu con giống/năm và đạt doanh thu trên 300 triệu đồng.

Đến với Sơn La, sinh viên Lò Văn Đoạn được biết đến với trang trại nuôi cá lồng thương phẩm như: cá trắm cỏ, lăng chấm, lăng đen, rô phi hiện nay đã đạt sản lượng lên đến 30 tấn/năm, doanh thu trên 2 tỷ đồng.

Mô hình trang trại lồng nuôi cá của sinh viên Lò Văn Đoạn (Sơn La)

Có được thành công như vậy, thầy Phương chia sẻ: “Chỉ có niềm đam mê, khát vọng đổi thay cuộc sống của bà con mới tạo ra được kỳ tích như vậy. Chúng tôi luôn tự hào về những học trò của mình, tự hào những người nông dân có tư duy mở để lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế- xã hội địa  phương”.

Thu Thủy