Khi người ta nô nức chờ Tết, chờ thời gian để nghỉ ngơi, để có thể về quê quây quần bên gia đình, bên người thân, một số công nhân vẫn đang tất bật với những ngày công, trăm nỗi lo lắng Tết, các khoản tiền chung mang tên Tết. Họ phải vật lộn, chạy đua kiếm tiền để lo Tết.
Mới đây, theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đến ngày 9/11, tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Các tỉnh, thành phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp ở các ngành như dệt may, da giày, chế biến gỗ và 87% lao động.
Giảm đơn hàng nhiều nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: dệt may, da giày, chế biến gỗ, tới 30-50%, tiếp đến là điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Các hình thức phổ biến mà các doanh nghiệp sử dụng để giảm chi phí là cắt giảm giờ, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc và nghỉ không hưởng lương.
Nỗi lo cái Tết cần kề của người lao động
Anh Phạm Kim Quý sinh năm 1987 (quê An Giang), một công nhân làm việc tại một nhà máy lắp ráp linh kiện thiết bị điện ở KCN Tân Bình, cho hay: “Hai tháng nay phải nghỉ làm vì công ty không có việc, dẫn đến thu nhập sụt giảm, mỗi tháng chỉ nhận được một khoản trợ cấp nho nhỏ. Cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, anh đã phải chuyển đủ nghề kể cả tối chạy xe công nghệ để kiếm thêm nhằm trang trải cuộc sống. Mới đây, công ty đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, không còn cách nào khác, anh Quý đành phải làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, gia đình có 3 đứa con nhỏ đang đi học nên cũng không thể về quê được, anh đành phải bám trụ lại đây, tiếp tục chạy xe ôm công nghệ mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài ba trăm ngàn. Tết nguyên đán 2023 cũng đã sắp đến, gia đình tôi chưa biết lấy tiền đâu để trang trải. Có thể khó khăn quá năm nay cả nhà quyết định sẽ ở lại, không về quê đón Tết”.
Cũng rơi vào cảnh ngừng việc do công ty ít đơn hàng, hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Khánh Huyền (công nhân tại Khu công nghiệp Tân Thuận, Quận 7) phải xin làm phục vụ quán ăn và nhận quần áo về bán online để bù đắp thu nhập cuối năm, chờ ngày công ty ổn định đơn hàng rồi đi làm tiếp.
Thu nhập bị giảm một nửa, chị Huyền không dám về quê thời điểm này. Làm công việc thời vụ, chị Huyền xác định đây là giải pháp tạm thời. Nữ công nhân này chỉ mong, hết tháng này công ty gọi đi làm để công nhân còn có cơ hội nhận thưởng Tết. “Năm nay, công nhân bị ngừng việc đều bàn tán bao giờ được đi làm, không biết có thưởng Tết hay không. Đều đi làm xa, không có việc làm có lẽ là nỗi sợ lớn nhất với chúng tôi!”, chị Huyền buồn bã nói.
“Muốn mua bộ áo mới cho cháu cũng khó”
Là công nhân 1 công ty may với hơn 10 năm kinh nghiệm, chị Thúy Vân (nghỉ do mất việc) nhìn xuống cái giỏ đi chợ vẫn còn lép kẹp của mình và chia sẻ: “Để đủ tiền sinh hoạt từ mức lương ít ỏi của chồng , từ mấy tháng nay tôi cũng đã mua đồ ăn ít lại, chỉ dám mua những món cần thiết, dễ nấu. Nhưng mua ít không có nghĩa là tôi xài ít tiền hơn. Với giá cả mọi thứ đều tăng như lúc này, chưa hết một vòng chợ là đã cạn túi! Trong sinh hoạt hàng ngày, cái gì cần thiết lắm tôi mới dám chi tiêu. Phải đong đếm từng đồng, nếu không lúc thiếu biết vay mượn ai khi ai nấy đều phải tiết kiệm hết sức có thể trong thời buổi bão giá hiện nay. Mong muốn mua bộ áo mới cho các cháu cũng khó! ”, chị Vân nhìn 2 bé gái con mình mà rớm nước mắt.
Khi nhắc Tết 2023 sắp đến, chị Vân cho biết, năm 2021 nghỉ dài ngày do dịch Covid-19 còn được các nhà tài trợ đến phòng trọ tặng quà, cho tiền, chứ năm nay nghỉ do mất việc thì không ai để ý đến. Theo chị Vân, công ty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất bắt đầu từ tháng 7-8 và sau cùng không có đơn hàng sản xuất.
Ai cũng mong cuối năm công việc khá hơn, có thưởng để bù đắp, nhưng tình hình thực tế ngày càng tệ. Nghỉ Tết kéo dài 2,3 tháng đồng nghĩa với không có lương, tiền thưởng tháng 13 cũng chẳng được công ty nhắc đến.
Mong có một cái Tết đoàn viên
Đối với người lao động, trong thời điểm hiện nay, tìm được việc làm đã là may mắn. Nhiều công nhân khác còn không tìm được việc, buộc phải về quê đón Tết sớm. Mấy tháng trước, nhiều người còn hy vọng bám trụ lại thành phố, nhưng khi Tết đã cận kề, không còn hy vọng nữa nên buộc phải hồi hương.
Không chỉ riêng chị Vân, chị Huyền hay anh Quý mà còn nhiều hoàn cảnh công nhân tại các Khu Công nghiệp– Khu Chế xuất trên địa bàn TP. HCM đều ngao ngán Tết. Tết đến khiến họ chịu nhiều gánh nặng, áp lực và phải lo lắng nhiều hơn… Nhiều công nhân đi chợ còn phải dè dặt từng đồng rau củ, huống chi Tết đến bao nhiều khoản chi tiêu, sắm sửa.
Không ít công nhân lựa chọn sắm Tết thông qua các phiên chợ nghĩa tình mà Liên đoàn Lao động đã tổ chức tại một số điểm Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố. Họ chia sẻ thật rằng, ở những phiên chợ ấy, khi mua sắm sẽ được hàng giảm giá, lại còn được tặng phiếu mua hàng nên số tiền tiết kiệm lại được không hề ít.
Được biết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có 8.000 phần quà với tổng trị giá khoảng 5,6 tỷ đồng sẽ được trao cho người lao động từ 7-15/1/2023 để ”Cùng nhau làm nên Tết”. Chương trình với mục đích chăm lo cho đoàn viên, người lao động, giúp cho những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm có một cái Tết đủ đầy hơn.
Theo đó, quà Tết sẽ được trao cho người lao động tại 11 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc tới Nam bao gồm Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Bình Định, TPHCM, Bình Dương, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang. Mỗi phần quà Tết trị giá 700.000 đồng bao gồm 300.000 đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm ngày Tết.
Ngoài ra còn có những “Chuyến xe 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình” do các cấp Công đoàn TP HCM tổ chức đang mở ra cơ hội cho nhiều đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán 2023 bên gia đình. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng nỗ lực góp sức, chung tay vì đồng bào bằng nhiều hành động thiết thực, điển hình là tạo điều kiện cho người lao động không mất chi phí về quê đón Tết.
Quang Trung