Tập nghề, một hình thức đào tạo hiệu quả đang được nhiều nước trên thế giới thực hiên. Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO) cũng khuyễn nghị các nước áp dụng. Tuy nhiên, tập nghề là gì và cách thức đào tạo ra sao còn mới mẻ đối với Việt Nam. Nhân dịp này Nghề nghiệp & Cuộc sống có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Tổng cục GDNN hiện nay), Phó chủ tich Hiệp hội GDNN & Nghề Công tác xã hội Việt Nam về vấn đề này.
Tập nghề “apprentiship”là gì?
PV: Thưa ông, từng trải qua cương vị người đứng đầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề và là người luôn nhanh nhậy trong tiếp cận với những xu hướng đào tạo mới..Xin ông cho biết tập nghề là gì ?
PGS.TS Dương Đức Lân:
Thuật ngữ “tập nghề” là thuật ngữ chưa được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực đào tạo nghề ở nước ta.
Thuật ngữ này được dịch từ tiếng Anh “apprentiship”. Khi dịch thuật ngữ này có ngươì dịch là thực tế, thực hành, thực tập, tập sự, học việc…, nhưng nội hàm của apprentiship khác nhiều so với cách dịch trên, trong phạm vi bài phỏng vấn này chúng tôi dịch apprentiship là tập nghề, có vẻ như không được quen tai là vì hình thức đào tạo này chưa chính thức được áp dụng ở nước ta. Tuy nhiên rất nhiều quốc gia đang phát triển hình thức đào tạo này và tập nghề là hình thức đào tạo hiệu quả được tổ chức Lao động quốc tế ILO khuyến nghị áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Đã nhiều thập kỷ trôi qua, khi nói về dạy nghề chúng ta thường nhấn mạnh về thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tăng thời lượng thực hành trong các chương trình đào tạo, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp bằng cách đưa ra các chính sách ngày càng cởi mở để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Các chính sách kể trên ít nhiều đã có kết quả nhất định, tuy nhiên tác động của các chính sách và các giải pháp là không nhiều trên thực tế và chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, chưa đào tạo đủ số lượng lao động kỹ thuật có kỹ năng nghề cao đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng lao động. Hy vọng cuộc trao đổi sẽ giới thiệu và gợi mở một hình thức đào tạo khá phổ biến và rất hiệu quả với đào tạo nghề trên thế giới nhưng chưa được chính thức áp dụng ở nước ta, đó là đào tạo theo hình thức “tập nghề”.
Ở nước ta có một loại hình đào tạo không chính thức khá gần gũi với tập nghề, đó là “truyền nghề”. Truyền nghề được học tại nơi làm việc, một người thợ có tay nghề thành thạo sẽ truyền nghề cho một hoặc một số người chưa biết nghề. Những người học nghề ban đầu thường làm những công việc lặt vặt tại nơi làm việc hoặc phụ việc cho người truyền nghề và thường được gọi là thợ phụ hoặc “phó nhỏ”. Thông thường thì việc truyền nghề không có hợp đồng, không được trả lương, không được chủ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, nhưng phổ biến là người theo học được nuôi cơm bởi vì họ cũng tham gia làm việc tại nơi làm việc. Các kỹ năng nghề sẽ được truyền dần, cho đến khi người học việc làm thành thạo thì anh ta được coi là thợ chính, khi đó anh ta có thể tiếp tục làm việc tại nơi học, xin việc nơi khác hoặc ra mở riêng. Vì truyền nghề rất gần gũi với đào tạo theo hình thức tập nghề, nên tôi tạm gọi “truyền nghề” là “tập nghề không chính thức”.
PV: Vậy tập nghề khác khác với truyền nghề, tập sự, thực tập… thế nào thưa ông?
PGS.TS Dương Đức Lân:
Hình thức đào tạo chúng ta bàn ở đây là tập nghề chính thức “apprentiship”, hình thức đào tạo này khác so với truyền nghề (tập nghề không chính thức), tập sự và thực tập… xin liệt kê một số đặc trưng của đào tạo theo hình thức tập nghề như sau:
Thứ nhất, tập nghề “apprentiship” được coi là đào tạo nghề dài hạn, là hình thức đào tạo mang tính hệ thống, theo tiêu chuẩn nghề xác định và được cấp văn bằng theo khung trình độ quốc gia
Thứ hai, được đào tạo tại nơi làm viêc và cả ngoài nơi làm việc. ngoài nơi làm việc thì học viên có thể học lý thuyết tại các trường thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Thứ ba, được Hội đồng kỹ năng ngành hoặc hiệp hội kỹ năng chuyên ngành đánh giá và công nhận trình độ
Thứ tư, được ký hợp đồng học nghề với doanh nghiệp, được doanh nghiệp trả lương (ít nhất là 85% lương tối thiểu của người lao động chính thức), được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trong thời gian học nghề
Thứ năm,thời gian học từ 1 đến 4 năm (đạt trình độ 3,4,5) trong khung trình độ châu Âu
Thứ sáu, cả nơi làm việc và ngoài nơi làm việc đếu phải tuân thủ một chương trình đào tạo đã được xác định
Thứ bảy, đào tạo theo hình thức tập nghề được thực hiện với sự thoả thuận của 3 bên: giới chủ (đại diện người sử dụng lao động), giới thợ (công đoàn) và nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề)
Với những dặc trưng trên đây, ta thấy tập nghề (apprentiship) khác với truyền nghề, và lại càng khác so với các thuật ngữ tập sự và thực tập. Để làm rõ điều này, Tổ chức lao động quốc tế ILO đã đưa ra bảng so sánh giữa các thuật ngữ đẻ tránh nhầm lẫn và làm rõ hơn nội hàm của tập nghề như sau:
|
TẬP NGHỀ (aprentiship) | TẬP NGHỀ KHÔNG CHÍNH THỨC (truyền nghề) | TẬP SỰ MỚI VÀO NGHỀ (sau khi tốt nghiệp) | THỰC TẬP (trong quá trình đào tạo) |
Quản lý ba bên | Có | Không | Không | Không |
Tiền lương | Có | Có khả năng thấp | Có khả năng cao | Có khả năng thấp |
Hợp đồng bằng văn bản | Có | Không | Có khả năng thấp | Có khả năng thấp |
Bảo hiểm an sinh xã hội | Có | Không | Không | Không |
Khung pháp lý | Có | Không | Không | Không |
Chương trình đào tạo | Có | Không | Không | Có khả năng thấp |
Đào tạo tại nơi làm việc | Có | Có | Có | Có |
Đào tạo ngoài nơi làm việc | Có | Không | Không | Không |
Đánh giá chính thức | Có | Không | Không | Không |
Trình độ chuyê n môn được công nhận | Có | Không | Không | Không |
Thời lượng | 1-4 năm | Không cố định | Tới 12 tháng | Tới 12 tháng |
Nguồn: trong cuốn tập nghề hiệu quả do ILO và Tổng cục GDNN phối hợp phát hành
Lợi ích của đào tạo theo hình thức tập nghề
PV: Vậy lợi ích của việc đào tạo theo hình tức tập nghề là gì, thưa ông ?
PSG.TS Dương Đức Lân: Theo nghiên cứu của Uỷ ban Châu âu và Tổ chức Lao động quốc tế thì đào tạo theo hình thức tập nghề mang lại lợi ích nhiều hơn so với các hình thức đào tạo nghề khác, có thể tóm tắt các lợi ích đó như sau:
- Tạo sự gần gũi, gắn bó giữa cơ sở đào tạo và thế giới việc làm
Kỳ 97 của Hội Nghị Lao Động Quốc Tế, 2008, thừa nhận tầm quan trọng của việc tập nghề là hình thức đào tạo hiệu quả có thể kết nối trường học và thế giới công việc cho người trẻ tuổi bằng cách tạo cho họ tiếp nhận được kinh nghiệm làm việc qua việc đào tạo nghề. Điều này giúp họ vượt qua việc thiếu kinh nghiệm làm việc khi cố gắng có được công việc đầu tiên’ (ILO, 2008).
Một bản nghiên cứu được thực hiện cho Ủy Ban Châu Âu cho thấy rằng đào tạo theo hình thức tập nghề dẫn đến kết quả công việc tích cực. Trung bình 60-70% (và trong một số trường của hợp lên đến 90%) những người tập nghề tìm được việc ngay sau khi hoàn thành việc tập nghề mình – ví dụ, tại Áo, Bỉ, Pháp, Ireland và Anh.
“Thực sự, tính hiệu quả cao trong mối liên hệ với kết công việc của các chương trình tập nghề, đặc biệt là những chương trình liên quan đến hệ thống đào tạo kép, đã dẫn tới một số Quốc Gia Thành Viên giới thiệu các chương trình tương tự giống với hệ thống này hoặc tham gia vào các cải cách lớn hệ thống tập nghề của họ” – ví dụ tại Bỉ, Cyprus, Italy, Romania và Tây Ban Nha (Ủy Ban Châu Âu, 2013b, tr. 9-10).
Tại Brazil, một đợt đánh giá ảnh hưởng của Bộ Luật Người Tập nghề mà người tập nghề, sau khi tốt nghiệp, có cơ hội nhiều hơn về việc tìm một nghề chính thức và kiếm được tiền lương cao hơn trong giai đoạn trung và ngắn hạn so với những người tốt nghiệp trong các trường nghề không áp dụng đào tạo theo hình thức tập nghề (Corseuil et al., 2014).
Hơn nữa, người tập nghề có khả năng tìm kiếm công việc nhanh hơn và dễ hơn so với phần lớn các sinh viên trong lĩnh vực giaó dục nghề nghiệp
Việc tìm được một công việc đầu tiên là thách thức không nhỏ đối với giới trẻ. Người sử dụng lao động e ngại phải sử dụng người trẻ chưa có kinh nghiệm làm việc và có thể là chưa “sẵn sàng cho công việc”. Người sử dụng lao động đặt ra câu hỏi liệu những người trẻ tuổi này có phù hợp với văn hóa làm việc của doanh nghiệp không?, liệu họ đã đủ trưởng thành để đảm nhận công việc một cách nghiêm túc và liệu họ có các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn phù hợp để xử lý công việc một cách hợp lý hay không?. Thật là khó cho người sử dụng lao động khi họ phải đưa ra những đánh giá đúng trong một cuộc phỏng vấn ngắn. Các chương trình đào tạo theo hình thức tập nghề sẽ giúp người sử dụng lao động có thể tiến hành một quá trình tuyển dụng mở rộng, trong khi đào tạo người tập nghề thực hiện những hoạt động cụ thể mà doanh nghiệp cần. Cùng thời điểm, những người tập nghề có cơ hội có những lựa chọn đầy đủ thông tin về các lựa chọn nghề nghiệp và đào tạo của mình – và có điều kiện để thể hiện những việc họ có thể làm và tiềm năng về năng suất lao động mà họ có thể cống hiến.
2.Tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo và thị trường lao động
Các chương trình Tập Nghề đưa ra những công cụ có tính hệ thống để tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở dạy nghề và thị trường lao động. Điều này cho phép các doanh nghiệp tham gia vào việc thiết kế và đưa ra tài liệu giảng dạy và mô hình đào tạo phù hợp với các quy định của giáo dục nghề nghiệp, và trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo, các giảng viên từ các trường nghề có cơ hội hiểu được rõ hơn về những kiến thức, kỹ năng và năng lực mà người sử dụng lao động đòi hỏi. Việc củng cố sự hợp tác giữ cơ sở đào tạo và thị trường lao động sẽ giúp tăng cường chất lượng và tính hiệu quả của đào tạo và giảm khả năng không phù hợp về kỹ năng.
Ví dụ, tại Úc, sự phối hợp giữa người sử dụng lao động cung cấp đào tạo tại nơi làm việc và các trường nghề cung cấp đào tạo lý thuyết, mô hình đào tạo này là đặc điểm khá rõ nét của hệ thống tập nghề, và là mô hình đào tạo mang lại lợi ích thiết thực cho người tập nghề (hay học viên), người sử dụng lao động và nền kinh tế
3.Tạo lập môi trường quen thuộc và ổn định cho người lao động
Các doanh nghiệp đầu tư vào Tập Nghề vì nó tạo ra môi trường quen thuộc và ổn định với nghề cho người lao động. Các chương trình tập Nghề mang lại nguồn cung cấp đáng tin cậy và ổn định về người lao động có trình độ chuyên môn, tăng năng suất lao động, giảm chi phí tuyển dụng và cũng khuyến khích việc giữ người lao động – theo Ban Lao Động Hoa Kỳ
Trên thế giới, ý kiến của người sử dụng lao động về tập nghề là khá tích cực. Theo báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Liên Mỹ, một số lượng lớn người sử dụng lao động hài lòng với chương trình tập nghề – và phần lớn trong số họ nhận định rằng: những người được đào tạo theo hình thức tập nghề mang lại sự cải thiện về năng suất lao động cho doanh nghiệp (Fazio et al., 2016).
Lợi ích khác là ảnh hưởng tích cực của việc tập nghề tới khả năng đổi mới của doanh nghiệp. Người lao động được đào tạo theo hình thức tập nghề có nhiều khả năng hiểu được mức độ phức tạp của quy trình sản xuất của một doanh nghiệp hơn, và do đó có nhiều khả năng xác định và thực hiện các cách thức mà theo đó có thể tạo ra các cải thiện về mặt kỹ thuật (Lerman, 2014a, p.14).
Qua thời gian, các lợi ích tích lũy được cho doanh nghiệp dựa vào lực lượng lao động có tay nghề đã lớn hơn khoản đầu tư ban đầu của doanh nghiệp cho những người tập nghề mới. Các doanh nghiệp thu hồi được chi phí đào tạo và gặt hái được lợi nhuận ròng khi người tập nghề học được những điều cần thiết để thực hiện công việc và tạo ra năng suất lao động cao hơn.
- Hiệu quả về mặt chi phí cho tập nghề
Sự xuất hiện các ngành công nghệ mới đang tạo nên những thay đổi liên tục về nhu cầu kỹ năng trên thị trường lao động. Do vậy, cần có chi phí để dự báo các nhu cầu kỹ năng trong tương lai, trang bị cho các trường nghề với các trang thiết bị mới nhất, cập nhật tài liệu giảng dạy và mô hình đào tạo bên cạnh nâng cao kỹ năng của giáo viên và giảng viên. Điều này không phải chỉ được đầu tư một lần.
Nếu các chính phủ hoặc bất cứ nhà cung cấp tài chính nào khác – có thể làm trung gian cho sự hợp tác giữa thế giới giáo dục và thế giới công việc, thì các trường nghề và doanh nghiệp có thể chia sẻ các nguồn lực của nhau (ví dụ như thiết bị và tiện ích, sáng kiến và kinh nghiệm được tích lũy). Bằng cách chia sẻ chi phí đào tạo, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về đào tạo nghề có khả năng chia sẻ với nhau lợi ích đào tạo.
Theo báo cáo của Văn Phòng Kiểm Toán Quốc Gia Anh, lợi nhuận từ đào tạo theo hình thức tập nghề cho khoản đầu tư công có thể là đáng kể. Giá trị ròng hiện tại cho nền kinh tế của 1 Bảng Anh trong đầu tư của chính phủ cho đào tạo theo hình thức tập nghề ước tính thu được từ 16 đến 21 Bảng Anh.
5. Đào tạo theo hình thức tập nghề phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường lao động và thường đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ việc làm và hướng nền kinh tế đi lên. Các nước thường tận dụng việc đào tạo theo hình thức Tập Nghề để xử lý sự thiếu hụt về kỹ năng và sự phát triển trong tương lai của các doanh nghiệp, và bằng cách này, thanh niên có thể thu nhận được những kỹ năng chuyên môn cần thiết để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao và cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi về tăng khả năng tiếp cận tới sự đổi mới công nghệ cập nhật nhất thu nhận được qua những người tập nghề trong quá trình đào tạo tại chỗ ở các tổ chức giáo dục nghề nghiệp (Fazio et al., 2016).
Báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Liên Mỹ, Tập nghề cho Thế Kỷ XXI: Mô hình cho Mỹ Latin và vùng Caribbe, cho thấy các nước Mỹ Latin và vùng Caribbe (LAC) quan tâm đến việc tập nghề vì nhiều lý do, bao gồm tính năng suất, đổi mới, sự không phù hợp giữa cầu và cung về kỹ năng, và bậc thang nghề nghiệp (Fazio et al., 2016).
Tóm tắt ảnh hưởng chính của tập nghề ỏ các nước
Nguồn: Fazio et al., 2016.
Đào tạo theo hình thức tập nghề ngày càng có tính thuyết phục. Có một sự đồng thuận lớn, xuất phát từ các tổ chức quốc tế, cũng như từ các đối tác xã hội cấp quốc tế, rằng hoạt động đào tạo theo hình thức tập nghề mang lại cho người sử dụng lao động nhiều lợi ích – và rằng cần tiến hành những bước nhất định và nguyên tắc nhất định để phát triển mạnh đào tạo theo hình thức tập nghề chính thức (apprentiship)
Việt Nam có áp dụng đào tạo theo hình thức tập nghề được không ?
PV: Theo ông khả năng áp dụng đào tạo theo hình thức tập nghề ở Việt Nam như thế nào ?
PGS.TS Dương Đức Lân:
Đào tạo theo tập nghề chưa được chính thức áp dụng ở nước ta. Trong bối cảnh nước ta phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp đang phải đương đầu với thách thức thiếu hụt lao động có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu công nghệ đang đổi mới nhanh chóng thì việc chuẩn bị các điều kiện pháp lý và chuyên môn cần thiết để áp dụng đào tạo theo hình thức tập nghề ở nước ta là hết sức cần thiết. Đây là hình thức đào tạo thực sự có hiệu quả với nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Cái khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức của doanh nghiệp, theo cách đào tạo truyền thống hiện nay, học sinh, sinh viên học tại các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm GDNN-thường xuyên được đào tạo tại nhà trường và trung tâm, trong đó có đi thực tế và thực tập tại doanh nghiệp. Khi đến thực tập tại doanh nghiệp sinh viên không tham gia được vào quá trình sản xuất thực sự của doanh nghiệp và phần lớn trong số họ phải làm những công việc lặt vặt, công việc phụ trong suốt thời gian thực tập. Do vậy các doanh nghiệp không mặn mà với việc thực tập của sinh viên. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, sinh viên thực tập của một số nghề đã được doanh nghiệp rất coi trọng như các nghề thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách san…, sinh viên đi thực tập đã được người sử dụng lao động trả lương, đó là dấu hiệu tốt và cũng là khả năng thuận lợi của việc áp dụng đào tạo theo hình thức tập nghề. Điểm cốt lõi là sinh viên có làm được công việc như người lao động trong doanh nghiệp hay không? Đào tạo theo hình thức tập nghề chính là câu trả lời. Và Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng đào tạo theo hình thức tập nghề.
Tuy nhiên để áp dụng hình thức đào tạo này cần làm rõ khuôn khổ pháp lý về đào tạo, đánh giá và công nhận, Cần tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn mời các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực GDNN và các doanh nghiệp tham dự. Khi các doanh nghiệp nhận thấy tham gia đào tạo theo hình thức tập nghề thực sự mang lại lợi ích cho họ thì họ sẽ tự nguyện tham gia.
Đào tạo theo hình thức tập nghề không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nhà nước mà đặc biệt quan trọng là mang lại lợi ích cho người học nghề. Khi đi học nghề, người học ký hợp đồng với doanh nghiệp, họ được làm việc, được học nghề, được trả lương, được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Hiện nay, phần lớn các gia đình có con em đi học nghề còn khó khăn về kinh tế thì việc lựa chọn học nghề theo hình thức tập nghề sẽ là lựa chọn đúng đắn. Với một vài nét khái quát về đào tạo theo hình thức tập nghề trên đây, tôi cho rằng hình thức đào tạo này rất cần và có khả năng áp dụng rộng rãi ở nước ta, hy vọng hình thức đào tạo này sẽ thu hút mạnh sự tham gia của người học nghề, doanh nghiệp và sự quan tâm của nhà nước.
PGS.TS Dương Đức Lân
Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề CTXH Việt Nam