18/11/2020 9:19:48

Tăng cường kết nối cung – cầu lao động, đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Hội trường Diên Hồng tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.

Đây là những yêu cầu được Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khoá XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khoá XIII. Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua với 460/464 đại biểu tán thành chiều 17/11.

Quốc hội làm Lễ chào cờ, bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Chiều 17/11/2020, tại Hội trường Diên Hồng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 10 với việc thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII (chất vấn và trả lời chất vấn)…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tại Hội trường Diên Hồng

Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết: “Về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII”.

Nhiều vấn đề “nóng” sau các phiên chất vấn của Quốc hội đã trở thành nội dung thuộc Nghị quyết này.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao trong việc thực hiện các lời hứa sau chất vấn, Quốc hội đánh giá, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Để đảm bảo triển khai hiệu quả, Quốc hội lưu ý một số nội dung cụ thể trong Nghị quyết được ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại biểu là nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội trường Diên Hồng

Đến năm 2025: Số lượng cơ sở GDNN ngoài công lập đạt tỷ lệ 40%

Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục – đào tạo. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu cần sớm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Về hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai đồng bộ các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030;

Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt tỷ lệ 40%. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bên hành lang Quốc hội

Xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động

Vẫn với Nghị quyết được thông qua, Quốc hội giao thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại. Tăng cường kết nối cung – cầu lao động; hạn chế tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từng bước nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động, việc làm kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm và đăng ký doanh nghiệp.

Song song, tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực chất tại nơi làm việc; phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

“Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động trong giải quyết tranh chấp lao động”, Nghị quyết nêu rõ, và yêu cầu sớm ban hành chính sách tiền lương hợp lý đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.

Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết

Rà soát, điều chỉnh, xử lý, thu hồi các “dự án treo”

Đối với lĩnh vực điều hành giá điện, Quốc hội yêu cầu thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành giá điện, bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường. Trong năm 2021, phê duyệt và triển khai Quy hoạch điện VIII.

Đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện.

Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua nhà ở xã hội. Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý và đầu tư xây dựng công trình.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch, chất lượng công trình xây dựng, các dự án phát triển nhà ở chậm triển khai, quản lý, vận hành nhà chung cư.

Rà soát, điều chỉnh, xử lý, thu hồi các “dự án treo”, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Tập trung thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng

Trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành.

Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm cũng là yêu cầu Nghị quyết đưa ra.

Quốc hội định hạn, trong năm 2021, giải quyết dứt điểm số tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố quá hạn còn tồn đọng. Khẩn trương giải quyết các vụ, việc yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Quốc hội đề nghị nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, mua bán người, xâm hại trẻ em, làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Có giải pháp bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Vẫn với Nghị quyết được thông qua, Quốc hội thống nhất cho chấm dứt hiệu lực của 12 nghị quyết qua các lần giám sát, chất vấn từ năm 2015 tới hết 2019.

Thay vào đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện tiếp các nghị quyết về tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước (Nghị quyết 56, năm 2017), về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị (Nghị quyết 82 năm 2019), về việc thực hiện pháp luật phòng cháy chữa cháy (Nghị quyết 99 năm 2019) và về việc phòng chống xâm hại trẻ em (Nghị quyết 121 năm 2020).

Theo yêu cầu của Quốc hội, các cơ quan hành pháp, tư pháp ở Trung ương phải định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết này tại các kỳ họp hàng năm của Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết của các cơ quan.

Các chủ thể giám sát sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của cá nhân, cơ quan liên quan không hoàn thành yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ tới của Quốc hội (khoá XV).

Theo Baodansinh