19/10/2023 12:48:19

Sinh viên Việt Nam nói KHÔNG với Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng

Lần đầu tiên khoảng 400 sinh viên trường Đại học FPT Hà Nội có cơ hội tham gia thảo luận và chia sẻ về cách ngăn chặn và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng.

Toàn cảnh tọa đàm.

NGÀY 18/10 tại Hà Nội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học FPT Hà Nội tổ chức buổi Toạ đàm cùng sinh viên nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh công nghệ số hóa ngày càng phát triển.

Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban vì sự tiến bộ của phủ nữ Việt Nam; ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và Lãnh đạo trường Đại học FPT Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại tọa đàm.

Xu thế số hóa trên thế giới mở ra một cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững. Công nghệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, thông tin và kiến ​​thức; thúc đẩy sự tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà con người tiếp cận được thì cũng có nhiều nguy hại mà thế giới kỹ thuật số gây ra, đặc biệt phụ nữ, trẻ em gái là những người đang chịu nhiều tác động nhất, đặc biệt là bị phân biệt đối xử và bạo lực.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và kỹ thuật số đã đem lại nhiều cơ hội, thành quả to lớn cho sự phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức nguy cơ mới cho hầu hết các lĩnh vực. Vấn đề phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, việc bảo vệ trẻ em và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên không gian mạng là một trong những nội dung được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quan tâm và cam kết thực hiện. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với nhiều quy định và giải pháp cụ thể. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa bạo lực trên không gian mạng luôn được quan tâm, đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vấn đề về trẻ em trên môi trường mạng, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Tọa đàm hôm nay vừa nhằm mục tiêu cung cấp thông tin, kỹ năng, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên của Trường có một cái nhìn toàn diện, đa chiều về các hình thức bạo lực trên không gian mạng để các bạn có kỹ năng bảo vệ, phát hiện và ngăn chặn khi sử dụng mạng; đồng thời cũng khuyến khích cơ sở đào tạo lồng ghép, đưa các nội dung về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực và các thực hành có hại trên môi trường mạng vào chương trình giảng dạy. Các thông tin chia sẻ tại Toạ đàm, cũng như những ý tưởng, sáng kiến mới mẻ trong thiết kế và phát triển các công nghệ đáp ứng giới, an toàn cho người dùng sẽ là những cơ sở quan trọng giúp cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, trên không gian mạng và sử dụng công nghệ nói riêng.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson khẳng định trong bài phát biểu khai mạc rằng mặc dù quá trình số hóa trên thế giới mang lại những cơ hội phát triển đáng kể nhưng đây cũng là không gian mà nhiều mối nguy hại có thể xảy ra. Công nghệ và những không gian mạng ngày càng bị sử dụng sai mục đích và  gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái trên cơ sở giới của họ.

Ông Matt Jackson nói thêm: “Giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ, vốn là một lĩnh vực ngày càng được nhiều người quan tâm, không còn có thể thương lượng được nữa. Đảm bảo rằng mọi người có thể tự do tham gia không gian mạng mà không sợ bạo lực và xâm hại là điều quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ có thể thực hiện hiệu quả quyền tự do ngôn luận của mình. Do đó, hãy cùng nhau hợp tác để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng. Tất cả không gian, dù là thế giới ảo hay thực, đều không được có bạo lực trên cơ sở giới!”

Đại diện UNFPA tại Việt Nam kêu gọi tất cả sinh viên tham gia chiến dịch Bodyright của UNFPA để cùng lên tiếng và thúc đẩy các công ty kỹ thuật số, các nền tảng xã hội, các trang chia sẻ nội dung và các nhà hoạch định chính sách cùng xem xét các hành vi bạo lực và xâm hại trực tuyến nói chung một cách nghiêm trọng như các hành vi vi phạm bản quyền.

  • Theo báo cáo năm 2023 của Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI), đã phỏng vấn hơn 18.000 người trên toàn cầu:
    • Gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng đã từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Gần 25% trong số họ bị nhắm đến vì bản dạng giới của mình.
    • Trong số những người được hỏi đã trải qua bạo lực trên không gian mạng và là người chuyển giới hoặc đa dạng giới, có có 30% đã báo cáo những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của họ, bao gồm cả mong muốn sống.
    • Gần 30% phụ nữ báo cáo những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ và 23% cảm thấy rằng họ không còn có thể tham gia trực tuyến tự do sau khi trải qua bạo lực giới trên không gian mạng
  • Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 736 triệu phụ nữ – gần một phần ba – đã bị bạo lực thể xác và / hoặc tình dục bởi bạn tình, bạo lực tình dục không phải do bạn tình hoặc cả hai, ít nhất một lần trong đời.
  • Một nghiên cứu toàn cầu của Economist Intelligence Unit cho thấy 38% phụ nữ đã có trải nghiệm cá nhân về bạo lực trực tuyến và 85% phụ nữ dành thời gian trực tuyến đã chứng kiến bạo lực kỹ thuật số đối với những phụ nữ khác.
  • Báo cáo Thực trạng Trẻ em gái Thế giới năm 2020, do Plan International thực hiện tại 31 quốc gia với hơn 14.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ cho thấy 58% trẻ em gái được khảo sát đã bị quấy rối và xâm hại trực tuyến, và 85% trong số họ đã trải qua nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới trên không gian Con số này cao hơn rất nhiều so với ước tính toàn cầu hiện tại về bạo lực gây ra bởi bạn tình trong đời- là 31%. Báo cáo cũng cho thấy cứ một trong bốn cô gái bị xâm hại trực tuyến cảm thấy không an toàn về thể chất.
  • Bodyright – bản quyền mới dành cho cơ thể con người, là một sáng kiến do UNFPA khởi xướng để khẳng định và yêu cầu được bảo vệ trước bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến. Nói cách khác, Bodyright là quyền sở hữu cơ thể của bạn trên không gian mạng.

PV