Ngay từ học kỳ 2 của năm thứ nhất, những sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có cơ hội được học tập, trải nghiệm tại các doanh nghiệp. Quá trình học tập từ 2,5 – 3 năm, với phương thức học theo mô-đun, tín chỉ, học theo dự án, gắn với thực học, thực hành tại các doanh nghiệp… đã khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo trong sinh viên, giúp sinh viên lĩnh hội được các kỹ năng nghề nghiệp tốt nhất, tự tin bước vào thị trường lao động.
Sinh viên Hoàng Đức Hà, Phan Quang Thắng, ngành Điện tử công nghiệp, trường Cao đẳng Lý Thái Tổ:
Đây là 2 sinh viên giỏi lớp 03 ngành Điện tử Công nghiệp (Khoa Điện – Điện tử) của trường Cao đẳng Lý Thái Tổ với những sáng tạo vượt trội trong học tập.
Sinh viên Hoàng Đức Hà gây ấn tượng với mô hình “Hệ thống phay CNC mini” – sản phẩm có tính ứng dụng sát với thực tế đời sống sản xuất. Mô hình hệ thống phay CNC mini này về cơ bản ứng dụng sản xuất cho ra những sản phẩm kích cỡ nhỏ.
Sinh viên Phan Quang Thắng lại thành công với đồ án “Hệ thống rô bốt phân loại sản phẩm 3 trục mini” – mô hình giúp sinh viên dễ hình dung, học tập trực quan.
Dù đã trải qua 2/3 thời gian học, Hà và Thắng vẫn còn nhớ những bước đi đầu tiên chập chững vào nghề với nhiều bỡ ngỡ. Nhưng được sự dẫn dắt nhiệt tình của các thầy cô giáo, môi trường học tập hiện đại đã khiến cả hai sinh viên này thêm yêu, gắn bó với nghề đã chọn.
Ngoài những giờ học chuyên môn tại trường, Hà, Thắng cũng như các bạn sinh viên đều được thực học, thực hành tại doanh nghiệp với thời gian từ 3- 6 tháng. Đây là quãng thời gian thực sự có ý nghĩa, giúp sinh viên hình thành tác phong làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp và đặc biệt là được tiếp cận, thực hành các kỹ năng chuyên môn trên hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất thực.
Song song với học tập, rèn kỹ năng nghề, nhà trường và doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho sinh viên học ngôn ngữ tiếng Trung. Có được những kỹ năng nghề nghiệp nền tảng cơ bản và khả năng ngôn ngữ tiếng Trung đạt trình độ HSK 3, tới tháng 9 này, Hoàng Đức Hà và Phan Quang Thắng được nhà trường phối hợp với doanh nghiệp Goertek đưa sang Trung Quốc học tập nâng cao, tiếp cận những công nghệ mới, nhằm đáp ứng các vị trí việc làm khi trở về làm việc tại Goertek Việt Nam.
Nói về quá trình thực hiện đồ án Hệ thống phay CNC mini và Hệ thống rô bốt phân loại sản phẩm 3 trục mini, Hà và Thắng đều cho rằng, với tần suất lắp ráp, thử nghiệm nhiều lần để đi tới thành công trong vòng 4 tháng khi thực hiện các mô hình đồ án giúp 2 bạn nâng cao kỹ năng chuyên môn nhanh chóng, thu lượm được những kỹ năng tích hợp về khả năng lập trình tư duy, kỹ thuật lắp ráp, vận hành bộ máy hoạt động cũng như hiểu biết các lỗi và có hướng xử lý chính xác. Đây cũng là những yếu tố đòi hỏi của một kỹ thuật viên khi bước vào môi trường làm việc thực tế. Có được kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm sẽ là hành trang giúp 2 bạn tự tin bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh trong thời gian tới.
Sinh viên Nguyễn Thế Ngọc, nghề Kỹ thuật Máy lạnh và Điều hòa không khí, CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh
Là một trong số ít sinh viên người dân tộc thiểu số, Nguyễn Thế Ngọc (sinh năm 2001), dân tộc Tày (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) vừa tốt nghiệp loại xuất sắc kỹ sư thực hành nghề Kỹ thuật Máy lạnh và Điều hòa không khí trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.
Trước khi trở thành sinh viên, Ngọc từng làm công nhân ở một doanh nghiệp lớn tại Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp THPT, Ngọc đơn giản chọn làm công nhân chỉ để có thu nhập hàng tháng giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, khi nhận thấy thông tin tuyển dụng liên tục của Công ty yêu cầu ngày càng cao về bằng cấp, kỹ năng nghề, khiến Ngọc nhận ra điều cần thiết để tồn tại, phát triển bền vững là cần có kỹ năng nghề, có bằng cấp chính quy và cơ hội việc làm chắn chắn rộng mở.
Không do dự, Ngọc quyết tâm nghỉ việc trong khi đang có mức thu nhập từ 8- 10 triệu đồng/ tháng để đăng ký học nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí tại trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Sau 3 năm học tập tại trường và thực tập tại doanh nghiệp liên kết với nhà trường, Ngọc đã có thành tích học tập xuất sắc.
“Với kỹ năng nghề thuần thục và tích lũy kinh nghiệm dày dặn, em tự tin ứng tuyển vào các vị trí việc làm của doanh nghiệp liên quan đến nghề được học. Sau một vài năm đi làm, em sẽ trở về quê hương khởi nghiệp”, Ngọc tự tin chia sẻ trong niềm vui nhận bằng tốt nghiệp.
Không những vậy, Ngọc cho biết thêm: “Em đã định hướng cho em trai vừa tốt nghiệp THPT đăng ký học tại CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh vì điều kiện học tập tốt, thời gian học ngắn, phù hợp với điều kiện bản thân, có thể nhanh chóng tìm kiếm việc làm ổn định, thu nhập tốt phụ giúp gia đình”.
Sinh viên Bùi Thị Khánh, nghề Cắt gọt kim loại, trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh
Vượt qua định kiến nữ sinh không phù hợp với nghề cơ khí, Bùi Thị Khánh là 1 trong số rất ít nữ sinh mạnh dạn theo học và thành công với nghề Cắt gọt kim loại (Cơ khí chính xác, định hướng theo tiêu chuẩn CHLB Đức) tại trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh. Thông thường, nghề Cắt gọt kim loại khó thu hút người học ngay cả đối với nam giới. Nhưng trong quan niệm của Bùi Thị Khánh: “Những ngành nghề nào nam giới làm được, em tin mình cũng làm được. Với Cắt gọt kim loại, thậm chí em tin mình có thể làm tốt tốt không kém các bạn nam bởi có sự tỷ mỷ, khéo léo và cẩn thận của nữ giới”.
Lớp Cắt gọt kim loại của Bùi Thị Khánh được học theo chương trình chuyển giao công nghệ định hướng tiêu chuẩn CHLB Đức với 10 mô-đun. Hoàn thành mô-đun nào, sinh viên đều nắm vững kiến thức, hiểu quy trình, kỹ thuật sản xuất, đảm bảo hoàn thiện để cho ra những sản phẩm cơ khí chính xác, đạt yêu cầu về thẩm mỹ cũng như các kích cỡ sản phẩm. Vì thế, Khánh và các bạn cùng lớp hoàn toàn tự tin có thể đảm nhiệm tốt vị trí việc làm theo yêu cầu của doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Sau khi nhận bằng tốt nghiệp hồi đầu tháng 8 vừa qua, Khánh và các bạn đã được các doanh nghiệp tuyển dụng vào các vị trí kỹ thuật viên, giám sát và vận hành quy trình sản xuất. Với những kỹ năng có được, tân kỹ sư thực hành Bùi Thị Khánh mong muốn sẽ tiếp tục học ngôn ngữ tiếng Trung, được học nâng cao chuyên ngành ở nước ngoài để lĩnh hội nhiều kiến thức hơn nữa.
Khánh cho biết: “Trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển, tốt nghiệp ra trường sẽ là nền tảng để tiếp cận được những kiến thức, kỹ năng, công nghệ mới hơn. Khi đó, người kỹ thuật viên cũng cần có sự sáng tạo, đổi mới, để thích ứng nhằm bồi thụ cho bản thân những kỹ năng tốt nhất, kịp thời ứng dụng công nghệ tiên tiến vào đời sống sản xuất”.
Thu Thủy