Trong khi số ca nhiễm Covid-19 mới có chiều hướng giảm Trung Quốc, ngày càng nhiều nước phát hiện thêm những trường hợp dương tính với nCoV, nhiều nơi trong số đó không có mối liên hệ nào với tâm dịch. 6 người chết do nCoV ở Iran trong vài ngày qua, một người nước ngoài được chẩn đoán nhiễm virus ở Ai Cập và trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được ghi nhận ở Lebanon, biến nước này thành quốc gia thứ 30 trên thế giới xuất hiện dịch.
Các ca nhiễm bệnh ở Iran không có mối liên quan tới Vũ Hán, và trường hợp ở Lebanon là một phụ nữ trở về từ thành phố Qom của Iran, chứng tỏ virus lây lan giữa những người không đến từ nơi khởi phát dịch. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết xu hướng này rất đáng lo ngại. Số ca lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục hiện nay đã vượt con số 1.000, trong đó có 21 ca tử vong.
WHO khẳng định tình huống tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Các quan chức WHO cho rằng sự bùng phát các ca lây nhiễm virus corona tại Hàn Quốc và Iran là lời cảnh báo cho thấy thế giới sắp hết thời gian để kiểm tỏa sự lây lan của virus.
“Điều chúng ta đang thấy là một giai đoạn bùng phát virus rất khác, tùy vào nơi mà chúng ta xem xét. Tại từng quốc gia lại có những hình thức lây truyền virus khác nhau”, Sylvie Briand, chuyên gia của WHO, nhận xét.
WHO định nghĩa “đại dịch toàn cầu” là sự lây lan dịch bệnh trên 2 châu lục, mặc dù một số chuyên gia y yế công cho rằng tình trạng đại dịch nên được ban bố khi dịch bệnh lây lan tại một khu vực địa lý rộng lớn, hoặc lây truyền qua các đường biên giới quốc tế.
Điểm nóng mới trong những ngày qua là Iran với 28 ca lây nhiễm, gồm 5 ca tử vong, chỉ trong vài ngày. Ổ dịch xuất hiện ở thành phố Qom, địa điểm tôn giáo linh thiêng nổi tiếng của người Hồi giáo, tuy nhiên nguyên nhân dịch bệnh lan truyền tới đây chưa được làm rõ. Tồi tệ hơn, một số người nhiễm bệnh đã di chuyển từ Iran tới Lebanon và Canada.
Tại Hàn Quốc, phần lớn ca nhiễm bệnh mới được phát hiện hôm 19/2 có liên quan tới một nhà thời tại thành phố Daegu, gần một bệnh viện. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa thể xác định bệnh nhân đầu tiên lây nhiễm virus cho nhà thờ với 9.000 con chiên này. Một số ca nhiễm virus cũng đã được xác nhận tại thủ đô Seoul, nguyên nhân và con đường lây nhiễm của các ca này cũng chưa được làm rõ.
Tại châu Âu, Italy đã phát hiện số ca nhiễm virus corona tăng gấp 4 lần chỉ trong một ngày. Dịch bệnh được cho là đã lây lan tại khu vực miền Bắc thông qua tiếp xúc tại bệnh viện và một quán cafe.
Biện pháp đang được áp dụng phổ biến là cách ly, nhưng các chuyên gia chưa rõ liệu biện pháp này có tiếp tục đem lại hiệu quả hay không. Một ổ dịch với các ca nhiễm bệnh về bản chất không quá đáng lo ngại. Thực tế, các loại virus vốn được biết tới là dễ lây lan khắp thế giới do hoạt động giao thông. Hàng bảo vệ đầu tiên là sử dụng biện pháp cách ly người bệnh và chữa trị để ngăn ngừa sự lây lan, đồng thời cách ly những người đã tiếp xúc với người bệnh cho tới khi kết thúc thời gian ủ bệnh.
Tuy nhiên, khi virus phán tán quá rộng, cố gắng lần theo mọi tiếp xúc của người bệnh sẽ trở nên bất khả thi và vô ích, điều Thủ tướng Singapore đã thừa nhận hồi đầu tháng 2.
Họ cũng không chắc chắn liệu mọi quốc gia có đủ khả năng cách ly và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. “Nhiều nơi chưa có biện pháp chuẩn bị đối phó bệnh dịch. Ngoài ra, ngay cả khi có đủ ngân sách để xử lý vấn đề, họ có thể không đủ khả năng rà soát hoặc cách ly những ca được xác nhận”, Emily Ricotta, nghiên cứu viên ở Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho biết.
Theo Ricotta, đó là tình huống của Liberia trong khủng hoảng dịch Ebola năm 2014. Dù đất nước này nhận được các khoản tài trợ để xử lý dịch bệnh, họ vẫn thiếu trang thiết bị cần thiết và nhân lực để áp dụng biện pháp phòng chống dịch, buộc những tổ chức quốc tế phải can thiệp bằng cách xây dựng cơ sở khám chữa bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hôm 30/1, nhưng tổ chức này chưa gọi đó là đại dịch, bởi phần lớn ca lây nhiễm từ người sang người chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Để một dịch bệnh được coi là đại dịch, các ca lây nhiễm cần xuất hiện liên tục trong thời gian dài ở nhiều địa phương.
Sharon Lewis, giám đốc Viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia, cho biết rất khó để xác định nơi cụ thể có nguy cơ trở thành ổ virus bởi biện pháp giảm lây lan chính hiện nay là cách ly. Tuy nhiên, tới một lúc nào đó, cách ly sẽ không còn hiệu quả nữa.
Theo các chuyên gia khác, có thể tồn tại tiêu chí để xác định một địa phương có thể thúc đẩy sự lây lan của virus hay không. Keiji Fukuda, giám đốc kiêm giáo sư lâm sàng ở Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hong Kong, dự đoán những nơi đông đúc có thể có lượng lớn cư dân nhiễm virus.
Robert Kim-Farley, giáo sư ở Trường Y tế Cộng đồng Fielding của Đại học California, Los Angeles, bày tỏ lo ngại về sự lây lan của virus ở các nước nghèo và đông dân, hoặc không có tài nguyên để rà soát và điều trị người nhiễm nCoV. Theo Kim-Farley, một vài yếu tố có thể khiến một địa phương đặc biệt dễ bị tác động bởi dịch bệnh. Những nơi đông dân cho phép virus lây lan dễ hơn, hệ thống y tế cộng đồng nghèo nàn khiến việc phát hiện virus khó khăn, nhân lực và vật lực thiếu thốn sẽ không thể đảm bảo cách ly hiệu quả người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus. Lewis cũng nhận định những nước thu nhập thấp và trung bình có thể thiếu tài nguyên và phòng thí nghiệm để xét nghiệm virus, làm tăng khả năng lây nhiễm. “Nếu bạn không thể phát hiện sớm ai đó mang virus và cách ly họ, họ có thể truyền virus sang nhiều người khác nữa”, Lewis nói.
Kim-Farley và nhiều chuyên gia khác cho rằng dịch bệnh có thể diễn biến theo vài kịch bản. Covid-19 có thể bị dập tắt như SARS hoặc lan sang các nước, bao gồm những quốc gia đang phát triển, và trở thành bệnh đặc hữu như cúm. Theo Kim-Farley, thế giới đang cảnh giác với mối đe dọa từ nCoV, nhưng trong tình hình ngày càng nhiều ca nhiễm, chúng ta có thể cần thêm biện pháp mới ngoài cách ly.
Các chuyên gia hiện chưa thể dự đoán diễn biến của dịch bệnh và khả năng các ổ dịch hiện tại có thể khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng hay không.
Gagandeep Kang, chuyên gia vi sinh học, đồng thời là giám đốc Viện Khoa học và công nghệ y tế Ấn Độ, cho rằng giới chức y tế các nước cần nỗ lực kiểm tỏa sự lây lan của virus lâu nhất có thể, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất các bệnh viện và phòng nghiên cứu khoa học, gia tăng kho dự trữ thiết bị bảo hộ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát như tại Trung Quốc.
“Dù thời gian sắp hết, chúng ta vẫn có cơ hội để kiềm chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên trong khi làm điều đó, chúng ta đồng thời phải chuẩn bị cho kịch bản cuối cùng, bởi sự bùng phát có thể đi theo bất kỳ chiều hướng nào, và mọi thứ có thể trở nên hỗn loạn”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói.
Phóng viên (t/h)