Tại Dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội so với quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP hiện nay, theo đó sẽ tăng trợ cấp cho người cao tuổi. Thêm nữa, so với quy định hiện nay, dự thảo Nghị định mới đã bổ sung thêm đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Cụ thể, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi là có thể được hưởng trợ cấp xã hội, thay vì đủ 80 tuổi như hiện nay.
Thu nhập bình quân tăng nhưng mức trợ cấp vẫn… cũ
Số liệu của Cục Bảo trợ xã hội ( Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, tính đến 31/12/2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,5% tổng số người cao tuổi).
Trong đó, khoảng 5,7 triệu người cao tuổi nữ (chiếm khoảng 50,7%), khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 65%), người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước.
Cũng theo Cục Bảo trợ xã hội, cả nước đã thành lập được 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
Ngoài ra, còn hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, đời sống người cao tuổi, người khuyết tật còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước.
Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.
Số lượng người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý.
Bà Đỗ Thị Lan, Ủy viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội cho rằng, chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức trợ cấp từ 270 đến 810 nghìn đồng/người/tháng là quá thấp. Qua tiếp xúc, nhiều cử tri phản ánh người cao tuổi, khuyết tật đều là những người khó khăn, người nghèo.
“Do đó cử tri đề nghị người dưới 80 tuổi cũng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội, đồng thời cần nâng mức trợ cấp lên, vì từ năm 2014 đến nay dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên song mức trợ cấp vẫn ở mức cũ”, bà Lan nói.
Cùng chung quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội cũng cho rằng, cần nâng cao mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an sinh xã hội.
Bởi hiện nay các địa phương đang thực hiện theo kiểu “cào bằng”, cứ trên 80 tuổi không có lương thì được hưởng trợ cấp, song thực tế có nhiều người 80 tuổi dù không có lương nhưng gia đình lại khá giả, còn có người dưới 80 tuổi nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Vì vậy theo ông Lợi, cần xem xét vào hoàn cảnh để hỗ trợ, như vậy nguồn lực mới được tập trung.
Hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xuống 75 tuổi
Đồng thuận, nhiều chuyên gia, người dân, cử tri cũng bày tỏ chung quan điểm cần nâng mức trợ cấp xã hội hiện nay là 270 nghìn đồng/tháng/người và độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, tại dự thảo Nghị định Quy định chính sách trợ giúp xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội so với quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP hiện nay, theo đó sẽ tăng trợ cấp cho người cao tuổi.
Theo khoản 5, điều 5 dự thảo Nghị định về chính sách trợ giúp xã hội, người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau, thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:
Người cao tuổi thuộc hiện hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến đủ 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống ở miền núi, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang;
Người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
Người cao tuổi thuộc diện hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Như vậy, so với quy định hiện nay tại Nghị định số 136/2013, dự thảo Nghị định mới đã bổ sung thêm đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Theo đó, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi là có thể được hưởng trợ cấp xã hội thay vì đủ 80 tuổi như hiện nay.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định còn bổ sung thêm loạt đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội gồm: Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo hoặc hộ cận nghèo; Người nhiễm HIV, người mắc bệnh mãn tính thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước;
Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng; Đối tượng khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
Dự thảo cũng quy định thêm, căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội khác phù hợp và quy định đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội khác phù hợp tình hình địa phương…
Tăng mức trợ cấp từ 270.000 đồng lên 500.000 đồng Tại Dự thảo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng chăm sóc, mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác. Hiện mức chuẩn trợ giúp xã hội là 270.000 đồng, theo Dự thảo, từ ngày 1/1/2021 sẽ tăng lên là 360.000 đồng/tháng và từ ngày 1/1/2023 là 500.000 đồng/tháng. |
Thanh Nhung (baodansinh.vn)