Là quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn với hệ thống làng nghề truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, và nền văn hóa độc đáo. Trong bối cảnh du khách trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng các chuyến đi trải nghiệm tại vùng nông thôn, việc kết hợp nông nghiệp và du lịch sinh thái không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển bền vững.
Kết hợp nông nghiệp và du lịch sinh thái
Việc kết hợp nông nghiệp và du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập kép cho người dân mà còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đây chính là một hướng đi chiến lược để ngành nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù.
Phát triển du lịch nông thôn không chỉ đơn thuần là khai thác cảnh quan thiên nhiên hay sản phẩm địa phương, mà còn phải gắn với nền tảng nông nghiệp sinh thái. PSG.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Nông nghiệp không chỉ bán sản phẩm, mà còn bán cảnh quan, không khí trong lành và giá trị văn hóa truyền thống. Đó là yếu tố cốt lõi giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo động lực để đầu tư vào mô hình nông nghiệp bền vững”.
Với phần trăm đông dân số sống ở nông thôn và nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch nông thôn như những cánh đồng lúa bạt ngàn ở đồng bằng sông Cửu Long, vườn chè ở Mộc Châu, đến những làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh, Nam Định, mỗi địa phương đều có những nét đặc trưng riêng để thu hút du khách.
Tận dụng tiềm năng, thúc đẩy phát triển bền vững
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí nghề nghiệp & Cuộc sống, PGS.TS Đào Thế Anh nhận định du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Trước tiên, đây là nguồn thu nhập bổ sung cho người nông dân khi họ không chỉ thu lợi từ sản phẩm nông nghiệp mà còn từ các dịch vụ du lịch như tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
Đồng thời, hoạt động này giúp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng nông thôn. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái, khuyến khích việc sử dụng tài nguyên hợp lý và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, nó còn tạo cơ hội để cộng đồng địa phương cùng tham gia và hưởng lợi, góp phần nâng cao chất lượng sống và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đang đi đầu trong việc kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch. Với hơn 2.150 ha chè, 10.400ha cây ăn quả và hàng trăm ha rau màu, khu vực này không chỉ tận dụng tối đa tiềm năng nông nghiệp mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.
Hệ thống hợp tác xã nông nghiệp tại đây cũng phát triển mạnh mẽ với 111 hợp tác xã, hơn 1.110 thành viên và 33 sản phẩm OCOP là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Sơn La. Các sản phẩm OCOP này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường quốc tế, mang lại thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho nông dân.
Bên cạnh đó, Mộc Châu được mệnh danh là “thủ phủ mận hậu” của Việt Nam với diện tích gần 3.500ha. Nông dân ở đây không chỉ tập trung vào sản phẩm từ quả mận mà còn tận dụng các mùa hoa, quả để phát triển du lịch trải nghiệm. Những vườn mận như ở thung lũng Nà Ka đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Anh Hồ Văn Đạt, chủ vườn mận 5.000m² tại đây, chia sẻ rằng việc điều chỉnh thời điểm hoa mận nở để phù hợp với mùa du lịch đã giúp gia đình anh tối ưu hóa nguồn thu nhập. Ngoài lợi nhuận từ quả mận, việc mở dịch vụ cắm trại tại vườn cũng mang lại thêm khoảng 250.000 đồng/trại/đêm, góp phần đáng kể vào thu nhập gia đình.
Tại Vĩnh Phúc, việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với hệ sinh thái đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Điển hình là xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, nơi tận dụng địa hình đồi núi và nguồn nước sạch từ Thác Bay để phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh kết hợp với du lịch sinh thái. Mô hình này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, bền vững, như nhà hàng phục vụ thưởng thức các món ăn tại chỗ đã góp phần nâng cao trải nghiệm du lịch xanh của du khách.
Thách thức và giải pháp cho nông nghiệp sinh thái hiện đại
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, danh mục 20 mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn được phê duyệt đến năm 2025 là một trong những bước đi chiến lược để phát triển bền vững lĩnh vực này. Trong đó, Mộc Châu với các sản phẩm hữu cơ, Tây Nguyên với cà phê cảnh quan sinh thái, hay đồng bằng sông Cửu Long với mô hình lúa – thủy sản là những ví dụ điển hình đang mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đào Thế Anh việc phát triển nông nghiệp sinh thái không chỉ là cơ hội mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Một trong những vấn đề quan trọng là sự thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lâu đời của người dân. Trước đây, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thường phụ thuộc nặng nề vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, dẫn đến ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. Các nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 30%-50% phân bón được cây trồng hấp thụ, phần còn lại bị rửa trôi hoặc thải ra môi trường.
Để khắc phục, cần thúc đẩy áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn hệ sinh thái, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi, và thủy sản. Công nghệ 4.0 cũng là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý. Việc sử dụng smartphone, chuyển đổi số, và áp dụng dữ liệu lớn không chỉ giúp tối ưu hóa sản lượng mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, đào tạo nghề nông nghiệp sinh thái chuyên sâu cần được chú trọng. Theo ông. nông dân thời hiện đại cần được đào tạo tổng hợp, không chỉ về kỹ thuật nông nghiệp mà còn về kinh doanh, du lịch, và quản lý môi trường. Các hợp tác xã, nhà nghiên cứu và cơ quan khuyến nông cần hợp lực xây dựng mô hình đào tạo hiệu quả, với sự tham gia của cả chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội.
Một khó khăn khác là thiếu chính sách hỗ trợ đồng bộ để mở rộng mô hình nông nghiệp sinh thái từ cấp hộ gia đình lên cấp vùng, huyện, hoặc tỉnh. Các vùng nông nghiệp sinh thái như Mộc Châu hay các vùng cà phê Tây Nguyên chỉ có thể trở thành thương hiệu quốc gia khi có sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Việc xây dựng các chứng nhận như PGS là điều kiện tiên quyết để nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm.
Hướng tới nền nông nghiệp vững mạnh
Trong tương lai, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu xây dựng các vùng nông nghiệp sinh thái chuyên biệt, không chỉ để phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa. Phát triển bền vững nông nghiệp gắn với du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia thân thiện, gần gũi trong mắt bạn bè quốc tế.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của người dân, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Điều quan trọng là cần có những chiến lược dài hạn, đồng bộ, và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để biến tiềm năng thành hiện thực.
Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, và nông dân văn minh – đó chính là hướng đi tất yếu để Việt Nam vững bước trên con đường phát triển bền vững.
Diệu Linh