28/12/2024 8:43:59

Những dấu ấn nổi bật trong công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024

Sáng 27/12,tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tại đây, nhiều thành tựu nổi bật trong công tác lao động, người có công và an sinh xã hội đã được ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng cho những mục tiêu mới.

Những thành tựu đáng tự hào

Năm 2024 đánh dấu bước tiến lớn trong các lĩnh vực lao động, người có công và an sinh xã hội. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm tự hào về những kết quả đạt được, cho thấy sự phát triển không ngừng của ngành trong gần 79 năm qua.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo phương châm của Chính phủ và tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”. Năm 2024, 100% chương trình công tác được hoàn thành, nổi bật là việc Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 14 cải cách lớn, tỷ lệ tán thành 93,42%.

Chính sách ưu đãi người có công được thực hiện hiệu quả, với mức trợ cấp tăng 35,7%, đạt 2.789.000 đồng/tháng – mức cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, ngành đã tiên phong thúc đẩy việc chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt, giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận thuận tiện hơn với chính sách an sinh. Nhờ đó, đời sống của người nghèo, người có công, và các nhóm yếu thế khác dần được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%.

Bên cạnh đó. thị trường lao động khởi sắc, với lao động qua đào tạo đạt 69%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 28,1%. Sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc được triển khai, lực lượng lao động ổn định tại các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động vượt chỉ tiêu với 150.000 người. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%, lực lượng tham gia bảo hiểm xã hội đạt 20,1 triệu người, tăng hơn 4 triệu người so với năm 2020.

Tiếp nối truyền thống, tự tin trên hành trình mới

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong năm qua. “Trong hành trình xây dựng và phát triển, ngành LĐ-TB&XH luôn gắn liền với tình thương, lòng nhân ái và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đây là những giá trị cốt lõi thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhân văn nghĩa tình, phù hợp với lịch sử phát triển của đất nước trong thời kỳ mới” Ông nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành nghiêm túc thực hiện công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy trong bối cảnh thời gian gấp gáp, đồng thời đảm bảo hệ thống an sinh xã hội và các lĩnh vực lao động, người có công, xã hội được vận hành và phát triển hiệu quả hơn. Ông cũng đặt ra nhiệm vụ hoàn thành tốt các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó.

Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ba nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai đồng thời: sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; và duy trì tăng trưởng kinh tế trên 7%, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo. Ông khẳng định các chính sách liên quan đến người có công, an sinh xã hội, lao động – việc làm sẽ không thay đổi mà cần được thực hiện tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Toàn ngành sẽ tập trung vào bốn nhiệm vụ chính. Trước mắt, cần chuẩn bị chu đáo để mọi người dân, đặc biệt là người có công và người yếu thế, được đón tết Ất Tỵ 2025 trong không khí đầm ấm, hạnh phúc. Đồng thời, tập trung tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về xóa nhà tạm, nhà dột nát với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xóa 450.000 căn nhà không đạt tiêu chuẩn. Song song đó, ngành sẽ thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững và tổ chức tuyên dương những tấm gương thầm lặng toàn quốc.

Nghiêm túc sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm tự hào về bề dày lịch sử và những đóng góp quan trọng của ngành trong sự nghiệp phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh rằng dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, ngành LĐ-TB&XH vẫn luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm. Trong thời gian tới, ngành sẽ chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc sắp xếp bộ máy, bảo đảm tất cả công việc của ngành dù thay đổi về mô hình hoạt động, nhưng vẫn thực thi công tác lao động, người có công và xã hội ngày càng tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao cờ thi đua, khen thưởng các đơn vị đạt thành tích xuất sắc.

Ông cũng cung cấp thông tin cụ thể về các nội dung chuyển giao: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng 13 trường cao đẳng và 3 trường đại học sư phạm sẽ chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Văn phòng giảm nghèo sẽ được giao cho Ủy ban Dân tộc quản lý. Ba cục (Bảo trợ xã hội, Trẻ em, Phòng chống tệ nạn xã hội) và bảy đơn vị sự nghiệp khối y tế, bao gồm bốn bệnh viện và các cơ sở nuôi dưỡng người khuyết tật, sẽ chuyển giao cho Bộ Y tế.

Sau sắp xếp, 35 đầu mối còn lại (trong đó có 17 cơ quan quản lý nhà nước, giúp việc cho Bộ trưởng) sẽ phụ trách toàn bộ các lĩnh vực lao động, việc làm và người có công, hợp nhất với Bộ Nội vụ để đảm bảo bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng khẳng định, toàn ngành sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời không ngừng lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong công tác an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Diệu Linh