Với Nguyễn Hữu Ân, sống thực tế bằng thực lực không hề mâu thuẫn với việc duy trì tâm sáng trong kinh doanh.
Dù ở vai trò nhà sáng lập ứng dụng học tiếng Anh CleverTube hay công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số Teso, Nguyễn Hữu Ân luôn tâm niệm điều này.
Phải tồn tại trước khi vươn đến ước mơ
CleverTube – ứng dụng học tiếng Anh giúp Nguyễn Hữu Ân, cựu sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (Hà Nội) trở thành quán quân một cuộc thi khởi nghiệp từ năm 2018. Nhưng từ đó đến nay, dự án này im hơi lặng tiếng như biến mất khỏi cuộc đua của các start-up trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech).
Mang câu hỏi này đến gặp Ân, chàng trai 30 tuổi quê Nam Định lý giải, 3 năm trước, ngoài ý tưởng ra, anh chẳng có gì. Vật lực hay tài lực, CleverTube đều không có để theo đuổi mục tiêu trở thành giải pháp học tiếng Anh hàng đầu được hàng triệu người Việt lựa chọn.
“Để đạt được giấc mơ đó, trước hết chúng tôi phải tồn tại, phải có một đội ngũ công nghệ, một đội vận hành mạnh, một đội bán hàng marketing”, Ân nói về lý do Teso được thành lập.
Thêm vào đó, nếu tiếp tục phát triển CleverTube, Ân buộc phải gọi vốn. Nhưng nếu nguồn lực phát triển của CleverTube không có (bởi vốn hay đội ngũ thực thi đều chưa có), mà nhà sáng lập cứ “cố đấm ăn xôi”, lao vào gọi vốn, thì rủi ro với đồng tiền của nhà đầu tư rất lớn. “Khi dùng tiền của nhà đầu tư để nuôi ước mơ của mình, phải nhắm 80-90% khả năng thắng thì tôi mới gọi”, nhà sáng lập CleverTube đưa ra quan điểm khi gọi vốn.
Vậy hiện giờ, Ân có gì sau 3 năm xây dựng Teso để tự tin tiếp tục phát triển CleverTube? Đó là đội ngũ nhân sự gần 30 người, là kinh nghiệm quản trị hệ thống, dòng tiền.
“Rõ ràng, Ân của hôm nay hơn Ân của 3 năm trước. Ngày xưa chỉ có một phần thắng, thì bây giờ có thể là 6-7 phần, ngay cả khi không cần đến nhà đầu tư mà chỉ dựa vào thực lực của đội ngũ Teso. Tôi là người thực tế và sống bằng thực lực”, Ân khẳng định.
Theo bảng xếp hạng do EF English Proficiency Index (EPI) công bố vào cuối năm 2020, Việt Nam xếp thứ 13/24 châu Á và 65/100 quốc gia, khu vực trên thế giới về khả năng sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, so với thế giới, mức điểm này vẫn chỉ thuộc nhóm thông thạo thấp. Thế nên, Ân sẽ không vội vàng phát triển CleverTube, bởi “cơ hội từ thị trường này sẽ không mất đi, mà là bạn có khả năng đưa ra mô hình kinh doanh phù hợp với từng thời điểm để kiếm tiền từ cơ hội đó hay không”.
Phần mềm cũng cần có hồn
Tiếp tục dồn nguồn lực cho Teso có thể tự đứng vững là mục tiêu hàng đầu với Ân và đồng sáng lập là ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc điều hành Công ty Phân bón Ba lá Xanh, bởi Teso vẫn là công ty non trẻ và còn đang trong giai đoạn duy trì tồn tại trong thị trường đầy cạnh tranh.
Ân kỳ vọng, Teso phải có chỗ đứng trên thị trường, được trả lời qua 3 câu hỏi: Thương hiệu này có được nhắc đến trên bản đồ của thị trường công nghệ thông tin Việt Nam hay không? Doanh thu của Teso chiếm tỷ trọng bao nhiêu trên thị trường? Công ty đã đạt đến giai đoạn tự vận hành, có đội ngũ lãnh đạo kế tiếp thay cho các nhà sáng lập hay chưa?
Bây giờ, cả Ân và đồng sáng lập vẫn phải tiếp tục đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc để đưa Teso bước đến giai đoạn có thể tự vận hành. “Khi có nhân sự thay tôi làm giám đốc điều hành, có người quản trị được đồng tiền, có người phụ trách bán hàng…, thì đó sẽ là thời điểm tôi bớt nhọc và có thể tập trung vào làm những dự án khác”, Ân chia sẻ.
Thành lập năm 2018, chật vật phát triển đội ngũ, sản phẩm vào năm 2019 và năm 2020 gặp khó khăn vì đại dịch, đến nay Teso đã đi được bao nhiêu phần trăm quãng đường đến giai đoạn tự vận hành? Ân cho rằng, rất khó để định lượng được tỷ lệ này khi đội ngũ vận hành đang phải cố hết sức tìm kiếm khách hàng phù hợp, cũng như tuyển dụng thêm nhân sự và đưa ra 2 cơ sở để các nhà sáng lập tiếp tục đưa dự án đi đến mục tiêu.
Đó là nhu cầu đầu tư vào các công cụ công nghệ, chuyển đổi số đang gia tăng, nghĩa là phía cầu không thiếu và quan trọng là phía cung nào đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng. Điều này đưa đến cơ sở thứ hai mà Ân tự tin Teso đang có, đó là đội ngũ có năng lực và thậm chí là vào vai nhân viên của khách hàng để hiểu các bài toán mà đối tác đang muốn giải, cũng như đồng hành cùng họ trong suốt quá trình áp dụng các giải pháp.
Việc đầu tư vào công cụ số phải đạt ít nhất 1 trong 2 mục tiêu là giảm chi phí hoặc tăng doanh thu. Ân cho rằng, đa phần các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ cố gắng giải quyết phần quả, chứ không đi vào phần nhân của vấn đề.
“Teso chọn giải quyết phần nhân, nghĩa là đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, hiểu được các bài toán, nỗi đau của họ và từ đó mới có thể viết ra phần mềm có cái hồn, đi từ gốc rễ của vấn đề”, nhà sáng lập Teso chia sẻ.
Theo baodautu.vn