09/06/2022 12:07:55

Người lao động phi chính thức đang rất thiệt thòi

Người lao động trong khu vực phi chính thức và gia đình họ phải chịu nhiều thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động.

Đó là khẳng định của ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022.

Tiếng nói của người lao động phi chính thức ít khi được nhắc đến

Theo ông Lợi, toàn quốc có 53,4% lao động phi chính thức là lao động làm công ăn lương (tương ứng 9,6 triệu người), có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình. Có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (trong đó 32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương) trong khi đó chỉ có 14,0% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.

Ông Lợi cho rằng, nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương trong thì con số này ở nữ giới lên tới 59,6%. Số giờ làm việc của lao động phi chính thức làm công ăn lương là 49,2 giờ/tuần, hơn 2 giờ so với lao động chính thức làm công ăn lương (47,2 giờ/tuần) và cao hơn số giờ làm việc theo quy định (48 giờ/tuần).

Khoảng 97,9% người lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội.

Tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng).

Trong khi chỉ có 1,7 % lao động chính thức không được ký hợp đồng lao động thì có tới 76,7% số lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm, cụ thể hợp đồng thỏa thuận miệng (62,1%) và không có bất cứ một thỏa thuận nào (14,6%).

Hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,9%), chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có bảo hiểm xã hội bắt buộc lại rất cao (80,5%).

Ông Lợi cho rằng, thực tiễn trên đã cho thấy người lao động trong khu vực phi chính thức và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động. Ví dụ, đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên qua tới điều kiện làm việc, họ không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội.

Thêm vào đó, tiếng nói của người lao động trong khu vực phi chính thức ít khi được nhắc đến trong quá trình quyết định các chính sách. Doanh nghiệp trong nền kinh tế chính thức phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành lạnh từ khu vực phi chính thức do giá cả hàng hóa và dịch vụ được cắt giảm bởi họ không đóng góp vào bảo hiểm xã hội cũng như thuế.

“Giống như ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới, khu vực phi chính thức ở Việt Nam – khu vực chiếm một phần lớn trong lực lượng lao động quốc gia – đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam”, ông Lợi nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng sẽ có một bộ phần người lao động ngày càng lớn sẽ không bao giờ có quan hệ lao động được thể hiện qua hình thức hợp đồng lao động có tính ổn định, dài hạn. Những người lao động tự là có trình độ, kỹ năng nghề cao, lao động trên các nền tảng công nghệ sẽ ngày càng đông đảo về số lượng.

Cần phải bảo vệ người lao động phi chính thức

Việt Nam là một xã hội đang già hóa, vì thế một trong những vấn đề đặt ra là phải tăng năng suất, phải nâng cao trình độ kỹ năng để tận dụng tốt nhất tiềm năng về năng suất lao động của mỗi người. Điều đó có nghĩa là nhiều điều khoản trong hệ thống pháp luật hiện hành phải phù hợp theo cách tiếp cận có tính bảo vệ trong Bộ Luật Lao động cần được sửa đổi.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Theo ông Lợi, trợ cấp thai sản cận được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ chống quấy rối tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề và hoạt động kinh tế mà trước đây không cho phép phụ nữ tham gia vì mục đích bảo vệ.

Vấn đề bảo vệ người lao động phi chính thức được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn, an ninh và an sinh xã hội khi dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu và các nguy cơ khác.

Do đó, ông Lợi cũng kiến nghị cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (Luật việc làm); cũng như đẩy mạnh phát triển chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khu vực kinh tế phí chính thức (Luật BHXH).

Ngoài ra, cần thiết lập và thực thi các quy định về đăng ký kinh doanh đơn giản, đồng bộ đối với tất cả doanh nghiệp tư nhân và ở cấp độ quốc gia. Khuyến khích khu vực phi chính thức chuyển đổi và tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức, góp phần tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội (Luật doanh nghiệp).

Điểm nữa, theo ông Lợi là cần phát triển các tổ chức tài chính và tài chính vi mô dành cho khu vực kinh tế phi chính thức. Đồng thời, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này.

Ông Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Lê Duy Bình, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để người lao động tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là họ phải có hợp đồng lao động. Hay nói cách khác là chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của người lao động mà không cần phải chuyển người lao động vào khu vực kinh tế chính thức.

“Cách tiếp cận của BHXH tiếp tục cần được đẩy mạnh theo hướng phục vụ người tham gia BHXH với các sản phẩm, chế độ lợi ích phù hợp hơn, hấp dẫn hơn và đa dạng hơn. Đổi mới tư duy, cách thức phục vụ, chế độ BHXH, sản phẩm và dịch vụ BHXH sẽ là nền tảng để mở rộng mức độ tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng bảo trợ xã hội, lao động tự làm thu nhập thấp tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ để tham gia BHXH tự nguyện. Điều này góp phần đóng góp cho việc mở rộng diện tham gia BHXH, nâng cao tính chính thức của những người lao động tự làm và giúp họ tham gia thị trường lao động với vị thế được bảo vệ tốt hơn bởi lưới an sinh xã hội.

“Mở rộng lao động chính thức, mở rộng BHXH còn đòi hỏi sự vào cuộc của các luật khác như Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp và một số luật chuyên ngành khác. Cách thức tiếp cận để mở rộng lao động chính thức do vậy cần theo nguyên tắc có tính hệ thống và cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành cũng như các văn bản pháp luật của nhiều ngành khác”, ông Bình nói thêm.

Theo baodautu.vn