20/03/2025 2:34:27

Nghịch lý thị trường lao động: Nơi ồ ạt cắt giảm, nơi thiếu hụt trầm trọng

Những tháng đầu năm 2025, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục chứng kiến làn sóng sa thải diễn ra mạnh mẽ tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành Công nghệ thông tin, Tài chính,Truyền thông – quảng cáo… Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong tuyển dụng, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Nền tảng Vieclam24h vừa công bố báo cáo “Tóm lược thị trường lao động Việt Nam đầu năm 2025”, thông qua phân tích phản hồi từ doanh nghiệp và người lao động làm việc ở nhiều nhóm ngành nghề.

Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian gần đây, thị trường lao động thế giới và Việt Nam chứng kiến làn sóng sa thải vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại nhiều Doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành Công nghệ thông tin, Tài chính, Truyền thông – quảng cáo… Hàng loạt tập đoàn lớn cắt giảm nhân sự nhằm tối ưu hóa chi phí, tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc.

Cùng lúc đó, một nghịch lý khác, nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong tuyển dụng, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Thoạt nhìn, tình trạng này có vẻ đối lập, nhưng thực chất đây là hệ quả của sự tái cấu trúc lao động trên thị trường. Vấn đề không nằm ở việc thiếu hay dư thừa lao động một cách tuyệt đối, mà là sự chênh lệch giữa nguồn cung nhân lực và nhu cầu tuyển dụng thực tế.

Các đợt cắt giảm chủ yếu diễn ra ở những lĩnh vực dư cung lao động, nơi doanh nghiệp đẩy mạnh tự động hóa và tối ưu quy trình. Ngược lại, những ngành như Logistics & Chuỗi cung ứng, Công nghiệp chế biến – chế tạo lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là nhân sự có tay nghề cao.

Điều này cho thấy, thay vì chỉ đơn thuần là vấn đề cung – cầu, thị trường lao động đang trải qua sự dịch chuyển lớn về nhu cầu kỹ năng và cơ cấu tuyển dụng, đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động phải có những chiến lược thích ứng phù hợp.

Thiếu hụt trầm trọng lao động phổ thông

Trong khi nhiều ngành nghề đẩy mạnh sa thải nhân sự thì Lao động phổ thông lại tiếp tục là nhóm thiếu hụt mạnh nhất khi nhu cầu tuyển dụng tăng hơn 10% sau Tết Nguyên Đán, chiếm tới 44% tổng nhu cầu tuyển dụng cả nước.

Trước đó,thị trường lao động phổ thông năm 2024 đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ nhiều nhà máy và khu công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, ngành linh kiện điện tử và bán dẫn phát triển vượt bậc, thu hút một lượng lớn lao động.

Theo Hiệp hội Điện tử Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, các khu công nghiệp lớn tại miền Bắc và miền Nam đã tuyển dụng hơn 1,5 triệu lao động phổ thông – con số kỷ lục phản ánh nhu cầu nhân sự khổng lồ. Tuy nhiên, nguồn cung lao động vẫn chưa đủ đáp ứng, đặc biệt trong các ngành dệt may và lắp ráp điện tử.

Bên cạnh nhóm lao động phổ thông, ngành Công nghiệp chế biến – chế tạo cũng ghi nhận mức tăng tuyển dụng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề.

Trong đó, lĩnh vực Dệt may – Da giày – Thời trang có mức tăng 7% về nhu cầu tuyển dụng, nhưng số lượng người tìm việc giảm 18%. Riêng tại TP.HCM, dù nhu cầu tuyển dụng sau Tết Nguyên Đán tăng cao, nguồn lao động tại chỗ vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Về tổng thể, trên cả nước, ngành chế biến – chế tạo vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Công nghệ tạo nên sự dịch chuyển của thị trường lao động

Thị trường lao động hiện nay ghi nhận sự chênh lệch lớn giữa các ngành nghề. Một số ngành thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, trong khi nhiều ngành lại dư thừa lao động, làm gia tăng cạnh tranh và khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng.

Khoảng cách kỹ năng cũng ngày càng rõ rệt khi doanh nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao và kỹ năng mềm như tư duy phản biện, làm việc nhóm… Tuy nhiên, trong các lĩnh vực Phân tích dữ liệu, Công nghệ, Logistics, Kinh doanh, dù nhu cầu tuyển dụng lớn, doanh nghiệp vẫn khó tìm được ứng viên phù hợp.

Công nghệ phát triển nhanh tạo ra nhu cầu về kỹ năng mới, trong khi nhiều ứng viên chưa sẵn sàng nâng cấp hoặc chưa tiếp cận được đào tạo phù hợp, kéo dài hơn khoảng cách cung – cầu lao động.

Thị trường lao động liên tục biến động dưới tác động của công nghệ, xu hướng kinh doanh và các yếu tố kinh tế vĩ mô, khiến một số ngành chứng kiến làn sóng lao động rời bỏ, trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lại.

Đồng thời, người lao động ngày càng thận trọng hơn khi tìm kiếm công việc mới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Những thay đổi này buộc doanh nghiệp phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược tuyển dụng, bao gồm cải thiện mô hình làm việc, nâng cao trải nghiệm tuyển dụng và phát triển chiến lược thu hút nhân tài để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, xu hướng nghề nghiệp thay đổi nhanh cùng với tác động từ chính sách lao động và tình hình kinh tế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp.

Theo bà Đào Thu Phương, CEO Siêu Việt Group (Vieclam24h), sự gia tăng trong nhu cầu tuyển dụng cho thấy niềm tin vào tăng trưởng đã phần nào trở lại, nhưng vẫn tồn tại những thách thức về cân bằng cung – cầu, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi lao động có tay nghề cao.

Bà Phương cho rằng, việc mất cân đối giữa cung – cầu lao động không chỉ là bài toán tuyển dụng mà còn là thách thức dài hạn về phát triển nhân lực. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần một chiến lược nhân sự dài hạn.

Trong đó, theo dõi và phân tích xu hướng thị trường, đầu tư vào đào tạo kỹ năng, ứng dụng công nghệ tuyển dụng và cải thiện chính sách giữ chân nhân tài chính là chìa khóa giúp Doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực chất lượng, sẵn sàng thích ứng và phát triển bền vững.

Tuấn Việt