Năm 2019 tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhiều sự kiện, hoạt động, diễn đàn nổi bật về GDNN được tổ chức thành công trong năm 2019 đã đem lại kết quả quan trọng trong hoạt động chuyên môn và lan tỏa hiệu ứng truyền thông tích cực, góp phần tôn vinh nhân lực có kỹ năng nghề, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp, người dân tới hệ thống GDNN, qua đó kết quả tuyển sinh học nghề là năm thứ 3 liên tiếp vượt kế hoạch đề ra.
Một trong kết quả nổi bật của ngành GDNN năm 2019 là tổ chức thành công các hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài nước; Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt nam”. Gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo tạo nghề, đào tạo thí điểm theo Chương trình chuyển giao từ Đức và Úc; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Xây dựng các chuẩn đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng đào tạo nghề được cải thiện, góp phần làm tăng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp năm 2019 của Việt Nam lên 13 bậc.
Công tác tuyển sinh có chuyển biến tích cực: Ước tuyển sinh khoảng 2,33 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 568 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,77 triệu người. Ước tốt nghiệp khoảng 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch; trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp gần 500 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch 5 năm và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. GDNN sẽ tiếp tục đổi mới hướng tới mục tiêu tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể:
Một là, triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển GDNN đã được ban hành; đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật GD sửa đổi, Bộ Luật LĐ sửa đổi, nhất là chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; quy định danh mục và lộ trình những ngành, nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua GDNN hoặc phải có CC KNNQG mới được tham gia thị trường lao động. Xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030.
Hai là, tiếp tục tăng cường truyền thông ở cả Trung ương, địa phương và cơ sở để tăng quy mô tuyển sinh, nhất là đào tạo thường xuyên, vừa học vừa làm… Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Diễn đàn nâng tầm kỹ năng lao động VN về việc đề xuất chính sách tôn vinh, Tổng cục sẽ báo cáo Bộ đề xuất TTgCP lấy 01 ngày trong năm là ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam”, xây dựng giải thưởng quốc gia cho người học tiêu biểu và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp GDNN”, xây dựng danh hiệu “Đại sứ kỹ năng Việt Nam” và có chương trình, kế hoạch cụ thể để tôn vinh, lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề tới giới trẻ và xã hội.
Ba là, làm tốt công tác sắp xếp, tổ chức lại và quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN. Thời gian qua, nhất là sau khi có NQ 19 TW, NQ 08 của CP và hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, đã giảm được 133 cơ sở GDNN công lập (đạt tỷ lệ 10,8%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2020 gỉảm tối thiểu 10%). Trong năm 2020 sẽ xây dựng, trình TTgCP quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN theo mục tiêu TW và CP đề ra; tinh thần là kiên quyết sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả; đối với những cơ sở đủ năng lực tự chủ thì tạo điều kiện để phát triển; tập trung nguồn lực đầu tư một số trường chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập; phát triển mạnh mẽ các trung tâm và mô hình đào tạo nghề trong/tại doanh nghiệp. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ sở GDNN sau khi sắp xếp, tổ chức lại cần nhanh chóng ổn định tổ chức, đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng và hoạt động có hiệu quả.
Bốn là, đẩy nhanh chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; đặc biệt là chuẩn đầu ra; chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị; các định mức kinh tế – kỹ thuật cho từng ngành, nghề; chuẩn hóa cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, người dạy tại các doanh nghiệp; xây dựng và triển khai chương trình chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực GDNN; triển khai có hiệu quả đào tạo theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; thí điểm đào tạo liên thông từ TC lên CĐ đối với hs tốt nghiệp THCS; tăng cường dạy và học tin học, ngoại ngữ trong GDNN; đẩy mạnh kiểm định chất lượng GDNN; đàm phán, công nhận văn bằng chứng chỉ, kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước.
Năm là, tăng cường các hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững; chú trọng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm; xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để gắn kết cung-cầu lao động qua đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN. Năm 2019 đã ra mắt trang web quản lý văn bằng, chứng chỉ; năm 2020 phấn đấu hoàn thành cơ sở dữ liệu trực tuyến GDNN, tổ chức quản lý văn bằng online và cấp chứng chỉ văn bằng số, đẩy mạnh đào tạo online gắn với phát triển hệ thống GDNN mở và học tập suốt đời…
Sáu là, đề nghị các ngành, các cấp bảo đảm có cấu phần hoặc nội dung phát triển GDNN trong kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ Ngân sách cho GDNN trong NS GD-ĐT và các chương trình, dự án của ngành, địa phương năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật GDNN.
Văn Lý