15/12/2020 8:26:47

Khởi nghiệp tuổi “lên lão”: (Kỳ cuối) Không để người cao tuổi đứng bên lề quá trình khởi nghiệp

Tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi, trong đó có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc. Sinh kế cho người cao tuổi không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển.

Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người cao tuổi

Ở Việt Nam, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ hiện nay là 55 tuổi và nam là 60 tuổi. Từ độ tuổi này trở lên khi tiếp tục tham gia lao động được coi là lao động cao tuổi.

Báo cáo chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020 của Cục Bảo trợ xã hội

Kết quả Điều tra quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam cho thấy, 29% người cao tuổi có nguồn thu quan trọng nhất là thu nhập qua làm việc. Năm 2014, có 47,4% người cao tuổi nam và 36,5% người cao tuổi nữ vẫn làm các công việc có thu nhập. Như vậy, có khoảng hơn 1/3 người cao tuổi hiện đang tham gia vào thị trường lao động và có nhu cầu tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.

Với một lực lượng người cao tuổi ngày càng đông đảo, bài toán việc làm là một thách thức lớn trong công tác tạo sinh kế, đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi.

Chia sẻ kinh nghiệm tạo việc làm cho người cao tuổi ở một số quốc gia trên thế giới, Ths Trương Thị Ly (Khoa Công tác xã hội, trường ĐH Công đoàn) cho biết, tại Nhật Bản, từ năm 1986 chính phủ đã có quy định chính thức về việc thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm ở tất cả các đơn vị hành chính cấp thôn, quận và thành phố.

Nhiệm vụ của trung tâm là giới thiệu những công việc đơn giản, ít tốn thời gian cho những người cao tuổi sống trong khu vực hành chính mình quản lý. Trung tâm còn có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm cho các hội viên.

TS. Nguyễn Lê Minh – Nguyên Phó Trưởng ban Chương trình Quốc gia về việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định: Khi tham gia vào thị trường lao động, người cao tuổi có một vị trí đặc biệt.

Họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn.

Do đó sẽ là một thiếu sót – nếu không nói là một thiệt thòi và lãng phí rất lớn – nếu chúng ta để người cao tuổi đứng bên lề của quá trình khởi nghiệp quốc gia.

Để tăng cường hiệu quả trong công tác tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người cao tuổi hiện nay, Ths Trương Thị Ly đề xuất, thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm. Đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi.

Đề cập đến vấn đề khơi gợi ý tưởng khởi nghiệp cho người cao tuổi, TS. Nguyễn Lê Minh – Nguyên Phó Trưởng ban Chương trình Quốc gia về việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, nếu thực hiện ý tưởng thất bại thì người trẻ có thể vực lại được. Đối với người cao tuổi điều này khó khăn hơn. Do đó, bên cạnh việc khơi gợi ý tưởng khởi nghiệp thì cũng cần trợ giúp người cao tuổi kế hoạch triển khai.

Kế hoạch càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt. Phải bảo đảm cho kế hoạch có tính thuyết phục và khả thi, qua đó sẽ tăng khả năng gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân hoặc Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tạo điểm tựa về chính sách

Cùng với công tác hướng nghiệp cho người cao tuổi, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đề xuất cần có điểm tựa về mặt chính sách cho người cao tuổi khởi nghiệp.

Theo đó, chú trọng tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh. Triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi, đảm bảo cho người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội;

Lồng ghép chính sách việc làm cho người cao tuổi trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp với người cao tuổi tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi sử dụng và tiếp cận.

Khi người cao tuổi đã khởi nghiệp thành công (hình thành cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh hoặc dịch vụ), Nhà nước và các tổ chức nên tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và trợ giúp những vấn đề liên quan đến luật doanh nghiệp, luật kinh doanh, luật lao động, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường…

Tại “Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi”, nhà quản lý, các chuyên gia đã chia sẻ các giải pháp ứng phó hiệu quả, nhất là trong việc tạo sinh kế, khởi nghiệp và việc làm đối với người cao tuổi.

Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Hải Hữu cũng lưu ý rằng, không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những người làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định.

Tuy nhiên đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như: người cao tuổi thu nhập thấp, thuộc diện nghèo sống độc lập, cư trú ở các  xã đặc biệt khó khăn… thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ và cần có sự ưu tiên, khác biệt trong thực hiện chính sách.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, “chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu và bảo đảm thực hiện quyền sống độc lập cũng như các quyền khác của người cao tuổi.

Do vậy nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi”, ông Nguyễn Hải Hữu đề xuất.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Hải Hữu, hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi cần tập trung vào các chính sách cụ thể như: Chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi cấp xã để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú…

Cùng với đó là các chính sách miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông- khuyên lâm- khuyến ngư  để nâng cao nhận thức- kỹ năng sản xuất kinh doanh phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú; Chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, và khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất- kinh doanh….

Hiện nay, có nhiều công việc phù hợp với người cao tuổi mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ. Họ có thể tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp từ cổng vào như bảo vệ đến những công việc hành chính, phục vụ, kho, quản lý…

Thậm chí, trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất cũng có sự tham gia của người lao động cao tuổi. Dù chỉ làm những công việc giản đơn, nhưng họ làm rất tỉ mỉ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai, nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể nhiều hơn.

Hải An